Ngày 21/4, Công an Q.4, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Hữu Linh - sinh năm 1958, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng - để điều tra hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật Hình sự. Hành vi của bị can Linh diễn ra trong thang máy một chung cư tại Q.4, bị camera ghi lại, gây bức xúc dư luận 20 ngày qua.
Mệt mỏi, âu lo sau khi tố giác tội phạm
Cùng ngày 21/4, Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục nhận được lời cầu cứu của anh L. - ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM - đề nghị can thiệp việc con gái anh - bé H., 2 tuổi 10 tháng - bị một ông hàng xóm 70 tuổi dâm ô. Vụ việc xảy ra ngày 15/4 nhưng do phát hiện muộn, mãi đến rạng sáng 17/4, anh L. mới đi tố cáo và chiều cùng ngày, cơ quan điều tra mới đưa bé và nghi can đi giám định pháp y.
|
Lá đơn của hàng trăm cư dân chung cư Galaxy 9, P.1, Q.4 kiến nghị khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh cuối cùng đã có hồi đáp |
Điều khiến anh L. lo lắng là, dù đã được công an, Hội LHPN H.Nhà Bè và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM can thiệp nhưng hành trình khiếu kiện vẫn quá gian nan. Các chứng cứ mà cơ quan công an yêu cầu anh giao nộp như quần, áo, tã… của bé lại không được giám định pháp y. Thậm chí, đêm 20/4 vừa qua, người thân của người bị tố cáo còn “bao vây” nhà anh L., đe dọa tính mạng, bôi xấu danh dự vợ chồng anh khiến cả xóm nhỏ bỗng nhiên đều biết chuyện bé gái chưa đầy 3 tuổi bị xâm hại tình dục.
Cũng trong tháng Tư này, chị Huỳnh Thị T.T. - ở P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM - từng ngày đứng ngồi không yên vì sợ báo thù, sau khi tố cáo người hàng xóm có hành vi dâm ô với con gái 5 tuổi của mình tại khu phòng trọ. Ngày 16/4, chỉ hơn một ngày sau khi sự việc xảy ra, dù kẻ bị tố cáo thừa nhận hành vi nhưng cơ quan điều tra lại cho về, sống nhởn nhơ ngay xóm trọ.
|
Bé H. ở huyện Nhà Bè đang kể với mẹ việc mình bị xâm hại |
Tố giác tội phạm xong rồi thắc thỏm lo âu là tình trạng chung của rất nhiều gia đình bị hại trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Không phải vụ việc nào cơ quan điều tra cũng khởi tố được dù không có yêu cầu của gia đình hay bản thân người bị hại như vụ ông Nguyễn Hữu Linh. Bởi xâm hại tình dục là những vụ án khó tìm ra nhân chứng, vật chứng nhất trong các loại án. Hơn nữa, trong không ít vụ việc, phía cơ quan điều tra tỏ ra không sốt sắng với loại án “nhạy cảm, phức tạp” này.
Cần quy trình tố tụng đặc biệt
Trên thực tế, hành trình khiếu kiện một vụ dâm ô với trẻ em không hề dễ dàng; đưa vụ việc ra tòa, buộc kẻ dâm ô trẻ em chịu trách nhiệm trước pháp luật càng khó. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - nhận định: “Quyết định khởi tố bị can đối với ông Linh là đúng quy định pháp luật và làm an lòng dư luận. Nhưng thực tế, đây cũng chỉ mới là bước đầu trong quá trình tố tụng”. Theo luật sư Hậu, đến lúc này, cơ quan điều tra vẫn tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng, nhưng do quá cẩn trọng nên thoạt nhìn, mọi người bức xúc, cho rằng cơ quan chức năng chậm chạp.
|
Nạn nhân trong nghi án xâm hại trẻ em xảy ra ở huyện Nhà Bè ngày 17/4 |
Luật sư Hậu nói: “Theo tôi, sở dĩ cơ quan điều tra thận trọng thái quá là do luật chúng ta đầy nhưng chưa đủ. Cụ thể, điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội dâm ô với trẻ em: người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Điều luật này thoạt nghe khá đầy đủ, nhưng không dễ thực thi, bởi luật không định nghĩa rõ hành vi dâm ô là gì, hành vi quan hệ tình dục khác là gì. Từ thiếu sót đó, ở từng vụ việc, tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan điều tra, mà cụ thể là quan điểm của điều tra viên thụ lý vụ việc ngay từ đầu, rằng hành vi đó cấu thành tội phạm dâm ô với trẻ em hay không”.
Phải bảo đảm an toàn cho nạn nhân và người tố cáo
Khi phát hiện đứa trẻ có dấu hiệu bị dâm ô, người thân của trẻ cần giữ tất cả chứng cứ, trình báo ngay cho cơ quan chức năng, nhờ đại diện Hội LHPN và cơ quan bảo vệ trẻ em có mặt để cùng giám sát vụ việc. Khi tố cáo, người tố cáo có quyền được các cơ quan bảo vệ, đặc biệt là bảo đảm sự an toàn cho đứa trẻ và người tố cáo. Khi có hiện tượng bị đe dọa, người thân của trẻ phải báo ngay cho công an địa phương.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
(Đoàn Luật sư TP.HCM)
|
Theo các chuyên gia về bảo vệ trẻ em, việc cơ quan điều tra xem nhẹ hoặc bỏ qua lời tường trình của trẻ em, đồng thời đòi hỏi một cách chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất (như có tinh trùng, tế bào nam, hay nạn nhân bị tổn thương ở các bộ phận…) mới khởi tố, truy tố người thực hiện hành vi dâm ô sẽ khiến kết quả phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không khả quan. Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, đã đến lúc cần ban hành quy trình tố tụng hình sự đặc biệt đối với các loại tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Đồng tình, bà Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho rằng, tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” không cần phải có thương tích hoặc để lại dấu vết trên thân thể hay bộ phận sinh dục của nạn nhân. Chỉ cần người thực hiện hành vi tiếp xúc với thân thể bị hại mà không nhằm giao cấu hoặc gây tổn thương với mục đích thỏa mãn tình dục của cá nhân đã đủ để cấu thành tội phạm. Thậm chí, với mục đích tương tự, người thực hiện hành vi dùng lời nói, hình ảnh dâm ô với trẻ cũng được xem là phạm pháp.
“Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là ý thức người cầm cân nảy mực. Lẽ ra, với vụ xâm hại trẻ em có lời khai của trẻ, có sự thừa nhận của nghi phạm là có thể khởi tố vụ án, ra lệnh tạm giữ hình sự để điều tra và khởi tố nhanh bị can khi có thêm chứng cứ từ cơ quan pháp y, hay hình ảnh, video, lời khai nhân chứng” - bà Thanh Minh nêu quan điểm.
Nhận thức của người thân nạn nhân rất quan trọng
Có vụ trẻ bị hiếp dâm bởi chính người thân trong gia đình, cụ thể là anh trai ruột, phải mất ba tháng trời tiếp cận, nạn nhân mới kể câu chuyện đó cho chúng tôi. Chính người mẹ đã không tin con gái khi cố gắng phủ nhận sự việc trong thời gian chúng tôi làm việc với gia đình: “Anh em nó giỡn nhau thôi, nó nói quá lên đó mà”. Điều đó càng khiến nạn nhân trở nên cô đơn trong căn phòng trọ chật hẹp, giữa một bên là mẹ, một bên là anh trai mình. Càng làm việc với họ tôi mới biết, chính người mẹ cũng thường xuyên bị quấy rối tình dục nhưng hoàn toàn im lặng.
Dựa vào quyền con người, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, chúng tôi đáp ứng nhu cầu của họ, cố gắng tham vấn tâm lý cho người mẹ và đứa con. Khi tôi đề nghị họ cần được tham vấn tâm lý sâu thì người mẹ cho rằng “đã quen với những điều đó” và từ chối. Tâm lý chịu đựng, đặc biệt là chịu đựng sự bất công xã hội khiến họ chấp nhận “sống chung với lũ”. Mặc dù rất cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần, rất cần tham vấn sâu để tránh những tổn thương tâm lý, cũng như cần được các tổ chức địa phương hỗ trợ, nhưng dường như họ không có nhu cầu được hỗ trợ. Nhận thức từ phía gia đình chính là một rào cản trong quá trình can thiệp, xử lý xâm hại tình dục trẻ em.
Trong khả năng của mình, tôi cố gắng lắng nghe để xem vấn đề của họ là gì rồi xây dựng các hoạt động, với mong muốn giúp nạn nhân có kiến thức về quyền và có kỹ năng để bảo vệ mình và đặc biệt giúp họ chuyển hóa được nhận thức sai lầm về mối quan hệ với người khác giới, bởi hoàn cảnh sống đặt ra quá nhiều rủi ro mà bản thân nạn nhân không có chọn lựa nào khác. Nên trong quá trình can thiệp, tôi nhận thấy, không đơn giản chỉ một người có thể làm được, mà cần luật sư hỗ trợ khởi tố, nhân viên công tác xã hội phải theo dõi, điều tra theo góc độ của ngành, nhà tâm lý hỗ trợ tham vấn sâu, công an, giáo viên, các ban ngành địa phương phải vào cuộc, với điều kiện gia đình phải sẵn sàng hợp tác trong quá trình khởi tố.
Thạc sĩ Doãn Thị Ngọc (Trường đại học Hoa Sen)
Thu Lê - Hạnh Chi (ghi)
|
Nghi Anh