Lần đi làm căn cước công dân (CCCD), tôi được hướng dẫn có mặt tại uỷ ban phường từ... 5g sáng. Tôi phải dậy từ 4g sáng để chuẩn bị có mặt cho đúng giờ vì sau đợt ấy, nếu không làm được thì phải đợi không biết đến khi nào để được làm lại.
|
Người dân chờ cấp hộ chiếu mới ở TPHCM, Ảnh: TTXVN |
Lần đi làm hộ chiếu tại Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP Hồ Chí Minh (Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3), dù 7g30 sáng ở đây mới bắt đầu làm việc nhưng khi tôi có mặt lúc 7g, hàng người xếp hàng chờ lấy số thứ tự đã kéo dài tràn xuống cả lề đường.
Không chỉ có cư dân thành phố, vì nhiều lý do, nhiều người dân ở các tỉnh khác cũng lên đây khiến số lượng người xếp hàng rất đông. Cũng vì quá đông nên có tình trạng "nhờ" người khác xếp hàng dùm để "xí" chỗ. Cửa vừa mở ra, đám đông đã tràn vào ken đặc sảnh chờ.
Để rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã hướng dẫn mọi người làm tờ khai trước qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Tuy nhiên, dù đã khai online trước, khi đến nơi, nhiều người vẫn bị yêu cầu chỉnh sửa lại do thông tin đã khai chưa chính xác.
Việc khai thông tin trực tuyến còn gây khó khăn cho người dân ở khâu tải hình thẻ lên mạng, hệ thống liên tục báo sai kích cỡ dù người tải đã chọn đúng kích cỡ theo quy định. Chưa kể nhiều người chưa thạo cách sử dụng internet hay với người lớn tuổi, việc đăng ký hộ chiếu online là không khả thi.
Tôi vẫn tự hỏi chúng ta đã có thể mua bảo hiểm y tế tại các bưu điện, đã có thể đóng tiền điện, nước, điện thoại, internet... tại các bưu điện hoặc các cửa hàng tiện lợi như Bách Hoá Xanh, Coop Food, đã có hệ thống phòng công chứng tư nhân... nhưng lý do gì ta chưa mở rộng việc cấp thẻ CCCD hay hộ chiếu ở các địa điểm khác để giảm tải cho các cơ sở hành chính công như hiện tại? Sao không cho các cơ sở tư nhân đầu tư khai thác lĩnh vực này khi người dân hiện nay không ngại trả phí cao hơn để đổi lấy chất lượng dịch vụ tương xứng? Lẽ nào câu trả lời vẫn cũ rích vì hai chữ "độc quyền"?
Tôi từng theo người nhà đi làm giấy tờ tại các cơ sở hành chính tư ở Mỹ và rút ra được nhiều điều. Một cửa hàng chi nhánh với chưa tới 10 nhân viên của UPS (United Parcel Service - một công ty chuyên giao nhận, vận chuyển thư tín, hàng hóa của Mỹ) ngoài các dịch vụ cơ bản như gửi, phát thư tín, hàng hoá còn kiêm thêm chức năng in ấn, công chứng văn bản, tài liệu, giấy tờ giao dịch thương mại như hợp đồng mua bán nhà đất, cửa tiệm...
Ngoài ra, các đại lý bưu điện cũng kiêm luôn chức năng làm hộ chiếu. Hoặc các cửa hàng "all in one" của tư nhân làm đủ dịch vụ như: đăng ký thẻ ID (tương tự thẻ CCCD ở ta), làm mới/gia hạn/đổi bằng lái (thi viết và thực hành), chuyển nhượng quyền sở hữu xe, công chứng giấy tờ, xử lý biển số xe bị mất/trộm, đo mắt, chụp ảnh (thẻ), làm bằng lái du lịch, bảo hiểm, kiểm tra "lý lịch" xe (cho mục đích mua bán)... Với mức phí cao hơn tại các cơ sở hành chính công một chút nhưng nhiều người thà đến những cửa tiệm dịch vụ thế này để được làm nhanh hơn, thời gian mở cửa cũng linh hoạt hơn (mở sớm, đóng trễ, có nơi làm cả thứ 7).
Thời gian thực hiện mỗi dịch vụ ở những cửa hàng như thế này không quá lâu do mạng lưới cửa hàng dày đặc khắp nơi. Chưa kể, sau khi thực hiện dịch vụ, khách hàng luôn được khuyến khích đánh giá chất lượng. Có nơi còn có chương trình bốc thăm may mắn trúng thưởng hậu hĩnh cho khách hàng chịu khó trả lời khảo sát để cải thiện dịch vụ. Ở cái xứ luôn coi trọng ý kiến khách hàng, dịch vụ nào bị đánh giá 1-2 sao là có vấn đề, khách hàng tẩy chay ngay chứ chẳng đùa.
Bớt độc quyền thì người dân là đối tượng được hưởng lợi trước nhất. Trao "quyền" cho các cơ sở hành chính tư cũng là cách giảm tải đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cải cách hành chính nước nhà.
Những công trình xây dựng, những dự án hạ tầng từ đơn giản đến vĩ mô chúng ta vẫn đã và đang làm được thì những cơ sở dịch vụ hành chính tư thiết nghĩ chẳng phải là điều quá to tát. Chỉ là chúng ta có ý định và quyết tâm làm hay không thôi.
Nguyễn Yến Nhi