Chấm dứt nỗi đau bệnh tật bằng trợ tử và an tử

04/08/2024 - 10:40

PNO - Phương pháp trợ tử hiện tại là uống natri pentobarbital - loại thuốc giúp người dùng mất ý thức trong vòng 2-5 phút, rơi vào trạng thái hôn mê sâu và tử vong ngay sau đó.

Edina Slayter-Engelsman đã sống ở Scotland hơn 30 năm, nhưng người phụ nữ 57 tuổi này đã chọn quay trở lại quê hương Hà Lan để kết thúc cuộc đời bằng phương pháp an tử - điều mà bà xem là “lối thoát” khỏi hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) đang hành hạ mình.

Lựa chọn thoát khỏi sự giày vò

Bà Edina được chẩn đoán mắc bệnh vào tháng 2/2020 và trong vòng vài tuần, bà đã phải nằm liệt giường. Không có cách chữa trị hiệu quả nào đối với tình trạng này và phương pháp điều trị chỉ giúp giảm các triệu chứng cụ thể.

4 năm sau, trong các video quay tại ngôi nhà mới của mình gần Amsterdam, bà Edina mô tả bản thân giống như bị mắc kẹt trong mạng nhện.

Bà nói: “Mỗi khi bạn cố gắng thoát ra, mạng nhện lại quấn chặt hơn. Căn bệnh này đã lấy đi mọi thứ của tôi. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt về mặt thể chất, nhận thức và cảm xúc. Tôi tồn tại nhưng tôi không sống và tình trạng này đã trở nên không thể chịu đựng được, đến mức tôi muốn kết thúc cuộc đời mình”.

Canada là quốc gia có tỉ lệ an tử cao nhất thế giới - Nguồn ảnh: Gorodenkoff/Getty Images/Istock
Canada là quốc gia có tỉ lệ an tử cao nhất thế giới - Nguồn ảnh: Gorodenkoff/Getty Images/Istock

Năm 2023, bà Edina bắt đầu quy trình đánh giá tâm lý và tâm thần cũng như tham khảo ý kiến chuyên môn của Viện Nghiên cứu về chứng mệt mỏi mạn tính tại Amsterdam (Hà Lan).

Họ kết luận: không còn phương pháp điều trị nào khác dành cho bà. Vì vậy, người phụ nữ đã thực hiện mong muốn chấm dứt nỗi đau. Với chồng, 2 con trai và những người thân khác bên cạnh, các bác sĩ giúp bà tiêm thuốc để kết thúc cuộc đời.

Hà Lan là quốc gia có quy định cởi mở nhất thế giới về trợ tử và an tử. Với các tiêu chí nghiêm ngặt, quốc gia này cho phép an tử tự nguyện đối với những bệnh nhân đang trải qua “nỗi đau không thể chịu đựng được mà không có triển vọng cải thiện”.

Trong khi an tử (euthanasia) đòi hỏi sự tham gia tích cực của bác sĩ để chấm dứt cuộc sống của bệnh nhân thì trợ tử (assisted suicide) để toàn bộ trách nhiệm kết thúc cuộc sống cho cá nhân. Một số quốc gia xem trợ tử là hợp pháp. Trong đó, Thụy Sĩ cho phép cư dân của các quốc gia khác được đến đây để kết thúc cuộc sống của họ. Hơn 1.000 người nước ngoài mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc khuyết tật đã chọn trợ tử tại Thụy Sĩ.

Phương pháp trợ tử hiện tại là uống natri pentobarbital - loại thuốc giúp người dùng mất ý thức trong vòng 2-5 phút, rơi vào trạng thái hôn mê sâu và tử vong ngay sau đó.

Thụy Sĩ cũng đã đưa vào sử dụng buồng trợ tử Sarco từ năm 2024. Sau khi cá nhân muốn kết thúc cuộc sống của mình kích hoạt nút bấm bên trong buồng, khí nitơ sẽ nhanh chóng tràn vào, làm giảm mức ô xy từ 21% xuống 1% trong 30 giây, khiến người đó tử vong.

Bệnh nhân tâm thần có được an tử?

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã bắt đầu cho phép một số hình thức trợ tử và an tử. Các chính trị gia ở Ireland, Scotland (Anh) và Pháp hiện đang tranh luận nghiêm túc về vấn đề này.

Năm 2016, Canada thông qua luật cho phép an tử y tế (MAID) đối với những người đang hấp hối hoặc mắc bệnh nan y. Năm 2021, MAID được mở rộng áp dụng cho những người có bệnh hoặc khuyết tật không thể chữa khỏi, đau khổ không thể chịu đựng được, kể cả khi tình trạng không nhất thiết dẫn đến tử vong.

Năm 2022, Chính phủ Canada công bố kế hoạch mở rộng MAID cho những người mắc bệnh tâm thần. Việc mở rộng này dự kiến có hiệu lực vào tháng 3/2023 nhưng đã bị hoãn lại 2 lần cho đến tháng 3/2027.

Tuy nhiên, Karandeep Sonu Gaind - giáo sư tâm thần học, Đại học Toronto (Canada) - cho rằng: “Không giống như ung thư và các tình trạng bệnh lý khác vốn có thể được tiên lượng tương đối chính xác; đối với bệnh tâm thần, tất cả bằng chứng trên thế giới cho thấy chúng ta không thể đưa ra những dự đoán một cách chính xác”.

Số liệu gần nhất vào năm 2022 cho thấy, hơn 13.000 người đã kết thúc cuộc đời thông qua MAID, chiếm 4,2% tổng số người qua đời ở Canada.

Linh La (theo AA, BBC, The Conversation, Swissinfo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI