Chấm dứt ngay tình trạng bỏ quên trẻ trên xe!

12/06/2024 - 05:55

PNO - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, phải ngăn chặn và chấm dứt ngay tình trạng bỏ quên trẻ trên xe đưa đón, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

Xe đưa đón phải có thiết bị cảnh báo chống bỏ quên trẻ

Chiếc xe đưa đón học sinh nơi cháu bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên suốt 11 tiếng tại tỉnh Thái Bình ngày 29/5 vừa qua  - ẢNH: ĐẠI MINH
Chiếc xe đưa đón học sinh nơi cháu bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên suốt 11 tiếng tại tỉnh Thái Bình ngày 29/5 vừa qua - Ảnh: Đại Minh

Sáng 11/6, tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định về quản lý ô tô đưa đón học sinh vào điều 46 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể, ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên xe.

Ủng hộ nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu, thời gian qua có nhiều vụ việc bỏ quên trẻ em trên xe, do đó, cần ngăn chặn để chấm dứt tình trạng này. “Điều 46 tại dự thảo luật đã viết tương đối chặt chẽ. Theo đó, xe đưa đón học sinh phải có tiêu chuẩn riêng, làm sao để người quản lý, lái xe, khi xuống xe thì đảm bảo trên xe không còn người. Chúng ta cần thông tin nội dung này rộng rãi, kiểm soát thực hiện một cách chặt chẽ để đảm bảo các xe không đủ tiêu chuẩn bị loại hết. Tôi rất ủng hộ và hoan nghênh nội dung này” - ông Trần Quang Phương nói.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành quy định này và lưu ý, dự án Luật Đường bộ đang quy định có 2 trường hợp đưa đón học sinh là cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải. Do đó, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ quy định trách nhiệm của trường học mà còn cả với cơ sở kinh doanh vận tải về việc đảm bảo an toàn trong đưa đón học sinh.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị, các xe đưa đón học sinh với nhiều lứa tuổi khác nhau, từ mầm non tới phổ thông. Vì vậy, phương tiện vận chuyển phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho trẻ. Việc này cần giao cho cơ quan có thẩm quyền xem xét đầy đủ.

Trước đó, vấn đề bỏ quên trẻ trên xe đưa đón đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, lên tiếng. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) dẫn vụ việc cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe và xem đây là hồi chuông báo động. Bà đề nghị có quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh, thay vì chỉ có các tiêu chuẩn, quy chuẩn của phương tiện vận chuyển.

Nồng độ cồn: Sẽ lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội

Liên quan tới việc “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, ông Lê Tấn Tới cho hay, nhiều ý kiến nhất trí nhưng vẫn còn một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu, một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH.

Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra nồng độ cồn
Cảnh sát giao thông Hà Nội lập chốt kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Ngọc Linh

Theo ông Lê Tấn Tới, điều khoản này kế thừa quy định tại khoản 6, điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Ông khẳng định, nếu bãi bỏ quy định này sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông.

“Từ đó, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân” - ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Do đó, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giữ nguyên quy định trên.

Cũng theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, một số ĐBQH đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh. Tiếp thu ý kiến này, đơn vị thẩm tra dự thảo đề xuất giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xử phạt.

Mặc dù vậy, ông Lê Tấn Tới cũng cho hay, theo chuyên gia y tế, cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra không thể phát hiện được. Thực tiễn hoạt động kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, chia sẻ, từ kinh nghiệm chỉ đạo thực tế, ông mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ 1 phương án, quy định nồng độ cồn bằng 0 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Bởi thực tế, số vụ tai nạn giao thông sau khi áp dụng quy định về nồng độ cồn tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã giảm đi rõ rệt. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng ủng hộ tiếp tục quy định cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông như thời gian qua.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính dân chủ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay sẽ thiết kế lấy phiếu đối với ĐBQH về quy định này tại đợt 2, kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV sắp diễn ra. Ông thông tin, sẽ có công văn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi trưởng đoàn tổ chức lấy phiếu tập trung của ĐBQH khi thảo luận tại một phiên họp gần nhất... Đồng thời, ông kêu gọi tinh thần trách nhiệm của ĐBQH để đảm bảo tương thích của hệ thống pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Nên quy định cụ thể tỉ lệ trích quỹ xử phạt vi phạm giao thông

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Lê Tấn Tới chỉ ra, có nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, đề nghị quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Bộ Công an đang triển khai thực hiện các dự án tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, nhất là các dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống giám sát, trang thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông, xử lý vi phạm pháp luật... Ngoài ra, Bộ Công an cũng xây dựng các trung tâm dữ liệu, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông.

Thực tế, hằng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Tỉ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm của Bộ Công an.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 trích cho Bộ Công an vẫn chưa được cấp do chưa có văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư.

Đồng tình với quy định trích quỹ, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị việc giải trình cần thể hiện thuyết phục, công bằng, khách quan. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình chủ trương này và đề nghị phải làm rõ hơn tỉ lệ, bởi trong dự thảo chỉ ghi trích “một phần” quỹ.

Tuy nhiên, về dài hạn, để đảm bảo hiệu quả công tác đảm bảo trật tự giao thông, ông cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cho hệ thống số, camera, công khai minh bạch vấn đề xử phạt. Bởi theo ông, trong dư luận còn có thông tin “việc này, việc kia” khi xử lý người vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc trích quỹ Bộ Công an đã thực hiện trong thời gian qua để nâng cao hiệu quả hoạt động. Song, ông đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần xem xét kỹ lưỡng, giải trình cụ thể.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI