Chấm dứt nạn văn mẫu, được không?

23/11/2021 - 06:02

PNO - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy môn ngữ văn theo mẫu. Bởi hình thức đọc, chép văn mẫu cho phép học sinh học thuộc khiến các em không có cơ hội phát huy sự sáng tạo, thể hiện cảm xúc, tình cảm chân thành. Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện về văn mẫu “khuấy đảo” nghị trường, gây bức xúc cho phụ huynh, nhiều nhà giáo tâm huyết và làm khổ học sinh suốt nhiều năm qua.

Online hay offline cũng “xôm tụ” văn mẫu 

Cô Trịnh H.T., giáo viên văn của một trường THPT ở H.Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), chia sẻ: “Tôi đi dạy đã gần hai mươi năm, càng những lứa học sinh về sau, tình trạng chép văn mẫu càng tăng. Có những học sinh, bài kiểm tra trên lớp còn lõm bõm đoạn văn mẫu xen đoạn tự viết, đến bài viết ở nhà thì như văn của học sinh giỏi, thậm chí là văn của tiến sĩ, giáo sư. Dù trước khi ra đề, tôi luôn yêu cầu học sinh phải tự làm, nếu chép văn mẫu sẽ bị điểm kém. “Dọa” thế, nhưng nhiều em, chép văn mẫu đã trở thành một thứ bệnh rồi”. 

Thực tế từ bậc tiểu học, không ít giáo viên cũng phải đọc những câu văn, bài văn hệt như nhau cho học sinh chép. Một cô giáo ở Q.Ba Đình (TP.Hà Nội), khi đọc bài miêu tả Hồ Gươm của 40 học sinh thì 40 lần gặp câu văn mẫu “hồ như một chiếc gương hình bầu dục”. Học sinh bị đóng khung trong các bài, các câu văn mẫu từ bậc tiểu học, đến mức, khi chị Trần Thu Nga (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đọc bài văn con gái tả mẹ mà không có một chi tiết nào là chị - mẹ của đứa trẻ mười tuổi ấy cả. Bạn chị Nga cũng có con đang tuổi tiểu học thì bảo: “Em Google một lúc thì ra “62 mẫu tả mẹ của em hay nhất”, “51 mẫu tả người mẹ yêu quý của em”, “tốp 37 bài văn tả mẹ lớp Năm”… trách sao trẻ con không ngợp trong văn mẫu”. 

 

Với từ khóa “văn tả mẹ”, Google đã cho gần 37 triệu kết quả chỉ trong 0,41 giây
Với từ khóa “văn tả mẹ”, Google đã cho gần 37 triệu kết quả chỉ trong 0,41 giây

Chị Ngọc Yến (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) chia sẻ, trước đây chị đi học, gần như không bao giờ được điểm cao môn văn. Thế nên, khi con trai chị học văn, từ những bài tập làm văn đầu tiên, chị đã khuyến khích con tự viết theo ý. Đỗ đại học với điểm tuyệt đối môn năng khiếu sáng tác, theo chị Yến những bài văn của con không đến nỗi tệ. Thế nhưng, cô giáo của con đọc và sửa lại gần như toàn bộ để “hay và đúng ý”. Nhiệm vụ của con sau khi cô sửa là học thuộc để khi kiểm tra, chắc chắn đề sẽ rơi vào 2 - 3 bài học thuộc đó. Năm nay, con chị học lớp 6, đề bài sẽ mở rộng hơn rất nhiều, khó mà học “tủ” theo mẫu như bậc tiểu học được. Nhưng sau vài lần bị cô giáo sửa bài tập làm văn, cháu đã quen và coi đó là chuyện đương nhiên. Đến giờ, con nhất định đòi mẹ sửa từng li từng tí cho những bài văn của mình để… học thuộc. Viết theo ý mình thì con sợ sai, điểm thấp.

Văn mẫu, thậm chí còn khiến học sinh tiểu học nói sai sự thật. Như nhiều trường hợp, cả gia đình, ông bà nội ngoại đều ở gần, cùng một thành phố ngày nào cũng có thể gặp. Vậy mà khi làm bài, các em viết thư “lâu lắm rồi cháu không được về quê, sức khỏe của ông bà dạo này thế nào ạ”…

Lỗi có do văn mẫu?

Công bằng mà nói, không phải tất cả giáo viên đều đóng khung ý kiến cá nhân và sự sáng tạo của học sinh. Cô giáo Tố Loan (TP.Hà Nội) chỉ mong học sinh của mình tự làm bài để cô có cơ hội sửa, chứ “giờ chép văn mẫu quá nhiều. Bố mẹ chắc cũng ít người đọc và sửa cho con, đều bảo con chép cho nhanh rồi nộp bài cho cô. Những bài có ý, có nét riêng lúc nào tôi cũng cộng thêm điểm vì sáng tạo và có giọng văn tự nhiên”. Song, cô Loan cũng cho biết, có những bài nếu được sửa thì phải sửa toàn bộ vì học sinh nghĩ gì viết nấy, rất lộn xộn.

Lỗi không phải do văn mẫu, mà do cách người lớn “gò” học sinh theo văn mẫu ra sao. Một phụ huynh thẳng thắn: “Tôi học chuyên văn, học đội tuyển văn suốt những năm phổ thông, tôi vẫn dùng văn mẫu để tham khảo và phát triển, văn mẫu không có lỗi. Lỗi là ở giáo viên, thậm chí không ít phụ huynh bắt trẻ rập khuôn”. 

 

 

 

Thậm chí còn có cả văn mẫu về các… “diễn văn, bài phát biểu khai mạc, bế mạc hội nghị dùng trong trường học”
Thậm chí còn có cả văn mẫu về các… “diễn văn, bài phát biểu khai mạc, bế mạc hội nghị dùng trong trường học”

Vậy “vấn nạn văn mẫu” tồn tại bao năm qua do đâu? Theo tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên văn Trường THPT Chu Văn An (TP.Hà Nội), danh lợi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này - danh là muốn có thành tích, tỷ lệ đỗ cao, thích bằng khen; lợi là một số giáo viên đã tạo ra một “nền công nghiệp văn mẫu” kiếm tiền trong các lớp dạy thêm, học thêm. Tiến sĩ Tuyết khẳng định: Chính cách dạy, cách thi, cách ra đề và chấm thi cùng nền “công nghiệp luyện thi” đã biến học trò thành những cái máy được lập trình theo ba công đoạn: ghi chép, học thuộc, trả bài. 

Cô giáo L.Đ. với 25 năm dạy học sinh tiểu học phân trần: “Tôi đã dạy học ở 4 - 5 trường tiểu học và thấy rất nhiều giáo viên nhiệt tình, tận tụy, yêu nghề, có trách nhiệm… Nhưng giáo viên buộc phải để học sinh học thuộc và làm bài theo văn mẫu vì cách đánh giá giáo viên bao năm nay. Muốn dạy học sinh tự học, mạnh dạn, tự tin, tư duy sáng tạo linh hoạt… thì cần có chế độ, cơ chế, chính sách rõ ràng khuyến khích giáo viên tư duy sáng tạo và đổi mới. Chứ cứ lấy điểm bài thi, chất lượng thi cử, đáp án mẫu để nhìn nhận, đánh giá giáo viên… thì giáo viên nào dám dạy cho học sinh tư duy sáng tạo”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích: Phê phán nạn văn mẫu là lên án việc học sinh lúc đi thi, làm bài kiểm tra chỉ chép lại văn mẫu chứ không phải là phê phán các bài văn mẫu, văn hay; càng không phải phê phán phương pháp dạy bằng mẫu, thông qua mẫu. Bởi dạy học hay đào tạo bất kỳ ngành nghề nào, muốn hình thành kỹ năng, kỹ xảo đều cần có mẫu, dạy và rèn luyện qua mẫu, nhất là mẫu chuẩn, mẫu đúng. Trong dạy làm văn, nhà trường, thầy cô chỉ có lỗi khi bằng lòng cho học sinh chép lại mẫu y nguyên, nhất là trong các kỳ thi.

Ông nhấn mạnh: “Trong khi dạy viết bài văn thực chất là dạy học sinh phải tư duy, phải nghĩ bằng cái đầu của mình, nói lên cảm xúc của chính mình và diễn đạt những suy nghĩ, cảm xúc ấy một cách trung thực bằng lời văn của mình… Dạy học sinh viết bài văn không chỉ là dạy kỹ năng mà chính là góp phần giáo dục nhân cách, dạy làm người tử tế”. 

TPHCM: Hảng ngàn giáo viên, học sinh “kẹt” ở tỉnh 

Thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) TPHCM, tính đến ngày 16/11, đã có 746/878 cơ sở giáo dục được bàn giao lại sau thời gian được trưng dụng vào mục đích phòng, chống dịch. Sở đề nghị các địa phương sắp xếp bàn giao các cơ sở giáo dục lại cho nhà trường trước ngày 25/11, tiến hành khử khuẩn và sửa chữa để đảm bảo điều kiện mở cửa trường học trở lại.]

Năm học 2021 - 2022, thành phố cần hơn 7.400 viên chức, trong đó có 6.329 giáo viên và 1.119 nhân viên để thay thế cho các trường hợp nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động… Sau thời gian tạm ngưng công tác tuyển dụng, Sở GD-ĐT lấy ý kiến được 1.135/1.339 ứng viên cho biết sẽ tiếp tục tham gia tuyển dụng và sở dự kiến sẽ tổ chức thi vòng 1 vào ngày 7/12 tới. Công tác tuyển dụng của TP.Thủ Đức và các quận, huyện cũng đang triển khai. 

Hiện có gần 2.000 cán bộ, giáo viên còn mắc kẹt ở các tỉnh chưa thể quay lại TPHCM, đa phần là các trường hợp đang ở trong vùng dịch hoặc đang là F0. Trong khi đó, có 22.588 trẻ mầm non chưa trở lại TPHCM. Ở bậc tiểu học, có 24.966 học sinh đang ở các tỉnh có tham gia học trực tuyến, gần 5.000 học sinh đang mắc kẹt và đăng ký học tại các tỉnh và hơn 1.200 em chưa thể liên lạc được. Ở bậc THCS, có 932 học sinh của thành phố học tại các tỉnh và 859 học sinh các tỉnh đang học tạm tại TPHCM. Tương tự, bậc THPT có 148 học sinh thành phố học ở các tỉnh và 501 học sinh các tỉnh học tại TPHCM.

Sở GD-ĐT cũng đưa ra lộ trình dự kiến cho việc học sinh đi học trực tiếp dần trở lại từ tháng 12 sau khi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ 12 - 18 tuổi... Sở dự kiến sẽ tổ chức họp phụ huynh khối 9 và 12 trước ngày 5/12, sau đó họp phụ huynh các khối theo lộ trình mở dần. Học sinh lớp 9 và 12 có thể trở lại trường và mở dần các lớp khác. 

Thanh Thanh

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI