Bí quyết là sự nhất quán trong phương pháp và trau dồi kiến thức để chọn cách “đánh trận” hợp lý. Thể hiện quyền lực - nhưng không trở thành độc tài - không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong thời điểm nóng. Những kỹ năng dưới đây có thể giúp bạn.
Chọn “cuộc chiến”
Nếu loay hoay chiến đấu với mọi hành vi xấu của đứa nhỏ lên ba, bạn sẽ phải chiến đấu cả ngày. Thay vào đó, hãy liệt kê các hành vi mà bạn thật sự thấy điên đầu - bởi vì chúng nguy hại, không bình thường, hoặc gây phiền nhiễu.
Đối với những việc bạn cho là phải cấm, như cưỡi một chiếc xe ba bánh trên phố, lẻn ra khỏi nhà mà không có người lớn… hãy đặt ra các quy tắc rõ ràng, cụ thể và hợp lý.
Đối với hành vi gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn, như nói dối, không chia sẻ, chửi rủa người khác, cũng đề ra một “bộ ứng xử” tổng quát, nhưng phải có cách đối phó linh động với từng trường hợp phát sinh, như khi trẻ đang ốm đau, đói bụng hoặc stress vì những bất trắc trong gia đình.
Thực hành các cách phòng tránh
Sử dụng hiểu biết của bạn về con để ngăn các cơn giận không cần thiết. Nếu trẻ thích lau dọn tủ bếp trong khi bạn đang nấu ăn sáng và điều đó khiến bạn phát bực, hãy khóa tủ bếp.
Nếu trẻ không thể rời tay khỏi cái remote, hãy để nó xa tầm tay chúng. Ngăn sự phá phách của trẻ đôi khi khá kỳ diệu trong việc giảm xung đột gia đình. Ngoài ra, hãy lên kế hoạch trước.
|
Ảnh minh họa |
Nếu con bạn có xu hướng vui vẻ và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng nhưng mệt mỏi và khó chịu sau giờ ăn trưa, hãy lên kế hoạch đi siêu thị và gặp bác sĩ khi bé ở trạng thái tốt nhất. Chuẩn bị cho trẻ bất kỳ trải nghiệm mới nào, và giải thích cách bạn mong đợi hành động của chúng. Để ngăn sự nhàm chán, nên gói theo một túi đồ chơi hoặc đồ ăn nhẹ.
Cũng nên chuẩn bị cho chúng các kế hoạch hoạt động tiếp theo như "trong một vài phút nữa chúng ta sẽ phải dọn dẹp đồ chơi và sẵn sàng để về nhà nhé". Việc chuẩn bị tốt cho một đứa trẻ sẽ khiến bé bớt gây phiền phức hơn.
Giữ bình tĩnh
Nếu bạn không thể tránh hành vi xấu của trẻ, hãy bình tĩnh đối mặt với nó. Cố gắng sử dụng giọng điệu từ tốn, dùng những từ trung tính và tích cực. Bạn có thể nói "Tại sao bây giờ con không rửa tay rồi chuẩn bị ăn cơm tối cùng cả nhà?”, hơn là ra lệnh "Hãy rửa tay ngay lập tức!", hoặc chỉ trích "Tay và mặt con thật bẩn!".
Thay vì nói rằng "Con ích kỷ đến nỗi không thèm chia sẻ đồ chơi của mình với người bạn thân nhất", hãy thử nói "Mẹ thích hơn khi nhìn thấy những bạn nhỏ chia sẻ đồ chơi của mình". Một gợi ý tốt khác là tập trung vào việc “nên làm” chứ không phải là “không nên làm”.
Nếu bạn nói với một đứa trẻ ba tuổi rằng “con không thể để chiếc xe ba bánh của mình ở hành lang”, chúng có thể muốn tranh luận ngay. Cách tiếp cận tốt hơn là: "Nếu con di chuyển xe ba bánh của mình ra ngoài hiên nhà, nó sẽ không bị đá trúng và trầy xước quá nhiều".
|
Ảnh minh họa |
Cuối cùng, hãy đảm bảo âm thanh và từ ngữ của bạn không ngụ ý rằng bạn không còn yêu mến con mình. "Mẹ thực sự không thể chịu được khi con hành động như vậy", nghe như thể đó là lần cuối cùng; hãy nói "Mẹ không thích con cố kéo mấy cái lon xuống từ các kệ hàng". Nên giúp con nhận thấy là bạn đang nói về một hành vi cụ thể, chứ không phải nói về một cá nhân mà bạn không thích.
Lắng nghe cẩn thận
Trẻ cảm thấy tốt hơn khi biết mình đã được lắng nghe, vì vậy bất cứ khi nào có thể, hãy lặp lại mối quan tâm của con. Nếu con đang rên rỉ trong cửa hàng tạp hóa bởi vì bạn không để chúng mở các gói bánh, hãy nói một điều gì đó, như: "Có vẻ con đang giận mẹ vì mẹ sẽ không cho con mở các túi bánh cho đến khi chúng ta về nhà.
Xin lỗi con, nhưng cửa hàng sẽ không cho mở nó cho đến khi chúng ta trả tiền. Đó là quy định mà". Điều này có thể sẽ không thỏa mãn sự thôi thúc của trẻ, nhưng nó sẽ làm giảm sự tức giận của con và giải quyết được sự chống đối.
Giải thích các quy tắc của bạn
Rõ ràng là hiếm khi bạn nói được với đứa trẻ ba tuổi vì sao chúng nên ngừng làm những thứ mà trẻ thấy thú vị - như cắn, đánh hoặc lấy đồ chơi từ những đứa trẻ khác. Hãy dạy con biết thấu cảm: "Khi con cắn hoặc đánh bạn, sẽ làm bạn rất đau"; "Khi con lấy đồ chơi của những bạn nhỏ khác, các bạn sẽ buồn vì họ vẫn còn muốn chơi với những đồ chơi đó".
Điều này giúp con bạn thấy rằng, hành vi của mình ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và tập luyện cho chúng suy nghĩ về hậu quả trước khi hành động.
Đưa ra các lựa chọn
Khi một đứa trẻ từ chối hoặc ngừng làm việc gì đó, vấn đề thực ở đây là quyền hạn thông thường. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, hãy cho con một số quyền hạn bằng cách cung cấp một tập hợp các lựa chọn có giới hạn. Thay vì ra lệnh cho con dọn dẹp phòng của chúng, hãy hỏi "Con muốn thu dọn cái nào trước tiên, sách của con hay là các khối lắp ghép?".
|
Ảnh minh họa |
Hãy chắc chắn rằng các lựa chọn là có hạn, cụ thể, và chấp nhận được với bạn. Đừng áp đảo con theo kiểu "Con muốn bắt đầu từ đâu?", và một lựa chọn không chấp nhận được đối với bạn có thể được đưa ra sẽ làm khuếch đại sự căng thẳng.
Cung cấp các hướng giải quyết khác nhau
Khi bạn muốn con mình ngừng làm việc gì đó, hãy đưa ra những cách khác nhau để chúng thể hiện cảm xúc của mình: nói, đập gối hoặc đập bằng búa đồ chơi. Trẻ cần phải học được rằng, một số biểu cảm và hành động của chúng là chấp nhận được, một số cách thể hiện khác thì lại không.
Đồng thời, khuyến khích trẻ tự nghĩ ra các lựa chọn của riêng mình. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Con nghĩ xem có thể làm gì để giúp Ruby chia sẻ đồ chơi với con?". Ngay cả đứa trẻ ba tuổi cũng có thể tự học cách giải quyết vấn đề. Bí quyết là lắng nghe ý tưởng của chúng với một tâm trí cởi mở. Đừng triệt hạ bất cứ điều gì, nhưng hãy nói với trẻ về kết quả trước khi đưa ra quyết định.
Sử dụng giờ tĩnh tâm (Time-out)
Với những khoảnh khắc mà khi bạn đã dùng lý luận, các lựa chọn thay thế và sự bình tĩnh không còn sức ảnh hưởng, hãy sử dụng phương pháp time-out. Hãy đưa con đến một nơi yên tĩnh, hơi tối, ngồi trong một khoảng thời gian ngắn và kéo con lại với mình.
Điều này cho phép cả hai có cơ hội hạ nhiệt và gửi thông điệp rằng, hành vi tiêu cực sẽ không nhận được sự quan tâm của bạn. Bạn càng ít khen ngợi, ít tỏ ý quan tâm đến bất kỳ hành vi tiêu cực nào, con bạn càng ít sử dụng hành vi đó để có được điều chúng muốn.
Thừa nhận những sai lầm của bạn
Hãy chắc chắn rằng, bạn để cho con biết khi bạn vừa làm gì đó ngu ngốc, bằng cách xin lỗi và giải thích tại sao bạn đã hành động theo kiểu đó. Điều này sẽ dạy cho con biết mọi thứ đều không hoàn hảo.
Khen thưởng
Chắc chắn rằng con sẽ không luôn làm bất cứ điều gì bạn nói. Trẻ bình thường sẽ chống lại sự kiểm soát, chúng biết khi nào bạn yêu cầu chúng làm một việc mà trẻ chẳng muốn làm. Sau đó chúng sẽ cảm thấy có lý khi chống lại bạn.
Trong trường hợp chúng hành xử một cách thích hợp, hãy thưởng cho trẻ, việc đó giống như một thìa đường làm giảm vị đắng của thuốc. Sử dụng khôn ngoan các phương thức đặc biệt và giải thưởng là một trong nhiều cách để cho con nhận ra bạn đang thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của chúng.
Điều này, hơn bất cứ điều gì, mang lại sự tín nhiệm cho các yêu cầu kỷ luật của bạn.
Anh Trí