Chăm con hiện đại lại thành... hại con

18/12/2023 - 06:20

PNO - Thời nay, phụ huynh dễ dàng tiếp xúc với rất nhiều thông tin hướng dẫn cách chăm sóc con. Tuy nhiên, nếu không biết chọn lọc và điều chỉnh cho phù hợp với thể trạng con thì vô tình việc chăm con quá kỹ lại thành hại con.

Chăm con theo cách cực đoan

Các bác sĩ chuyên khoa nhi và sơ sinh ghi nhận nhiều hậu quả từ việc cha mẹ chăm con quá kỹ, tới mức cực đoan. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Thảo - Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - nguyên nhân chính là do ngày nay có quá nhiều thông tin sai lệch trên mạng, từ các hội nhóm. Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không phải ai cũng biết cách chọn lọc thông tin chính thống, khoa học, đã được xác thực để áp dụng, nuôi dạy trẻ một cách đúng đắn. 

Điển hình trong số đó là trường hợp chị P.T.T. (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM). Chị cực đoan tới mức không cho con tiêm bất cứ loại vắc xin nào. Chị nghĩ rằng tiêm ngừa tức là đưa bệnh vào người, không tốt cho sức khỏe. Điều này vô cùng nguy hiểm vì khi dịch bệnh bùng lên, con chị sẽ không được bảo vệ, nguy cơ mắc bệnh rất cao. 

Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh đang khám cho một bé bị trào ngược dạ dày thực quản nặng - ẢNH: K.Đ.
Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh đang khám cho một bé bị trào ngược dạ dày thực quản nặng - Ảnh: K.Đ.

Hay như chị N.T.D. (34 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) trong một lần đưa con đi khám bệnh đã thắc mắc với bác sĩ rằng, tại sao mình giữ con rất kỹ trong nhà, bé chỉ ăn đồ mẹ nấu rất sạch sẽ, mà vẫn hay bệnh vặt. Chị còn giặt tay đồ của bé bằng nước giặt dịu nhẹ, phơi riêng, ủi để diệt khuẩn. Thậm chí chị còn không cho con tiếp xúc với trẻ em khác vì sợ con bị lây bệnh. Sữa của bé cũng được chị D. pha bằng nước khoáng hoặc nước tinh khiết đóng chai. 

Bác sĩ đã cảnh báo rằng những việc chị D. áp dụng chưa chính xác. Chị không hiểu rằng trẻ từ 6 tháng - 3 tuổi cần được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, thậm chí là tác nhân gây bệnh để xây dựng hệ miễn dịch. Việc tiêm ngừa là để trẻ có kháng thể bảo vệ trước bệnh tật. Việc pha sữa cho trẻ bằng nước khoáng, các loại nước đóng chai được bổ sung khoáng chất, tính kiềm là không cần thiết. Tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội. Pha sữa với nước khoáng hoặc các loại nước đã được can thiệp bổ sung chất này chất kia có thể làm trẻ không hấp thu được hết dinh dưỡng trong sữa, về lâu dài làm trẻ thiếu hoặc thừa chất nào đó.

Dùng thuốc bổ quá mức

Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh - Hội Nhi khoa Việt Nam - cũng thường xuyên ghi nhận trẻ bị bệnh xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ chăm con theo lối hiện đại. Những phụ huynh này đều đọc các thông tin từ hội nhóm trên mạng, lầm tưởng rằng mình đang nuôi con rất khoa học, thông thái. 

Mới đây, bác sĩ Nhã Khanh khám cho một bé gái 5 tháng tuổi, nặng 6,4kg bị trào ngược dạ dày nặng, biếng ăn. Mẹ của bé kể mình luôn sợ bé nhẹ cân. Ngày nào chị cũng cho con cân và bị căng thẳng với việc ăn và bú của bé. Ai tư vấn có gì bổ dưỡng là chị đều mua về cho bé dùng.

Một em bé mới 5 tháng tuổi mà uống tới 9 loại thuốc bổ trong ngày. Tính ra cứ mỗi 2 tiếng, bé lại được mẹ cho dùng 1 loại thuốc bổ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi dạ dày nằm ngang và cao nên hay bị trào ngược sinh lý. Việc bổ sung tới tấp thuốc bổ khiến tình trạng trào ngược của bé càng thêm nặng. Bên cạnh đó, các loại thuốc bổ cho trẻ nhỏ thường là dạng si rô, hàm lượng đường cao nên bé ăn không ngon miệng, chán ăn. Điều này như một vòng xoáy tuần hoàn. Con lười ăn, cha mẹ cho uống nhiều thuốc bổ, từ đó bé bị trào ngược, chán ăn. Thấy con biếng ăn, cha mẹ lại tích cực bổ sung thuốc bổ.

Một ca khác là bé trai 3 tuổi, nặng 11kg, nhưng mẹ nghĩ con gặp vấn đề về dinh dưỡng. Khi khám, bác sĩ thấy bé bị rậm lông, hỏi ra thì mẹ bé đưa một mớ thuốc bổ đã được lột sạch vỏ. Người mẹ cho biết đã lên mạng xin được một toa thuốc tăng cân cho con uống 28 ngày. Xem toa thuốc, bác sĩ Nhã Khanh nhận thấy thành phần có corticoid gây phù nên cha mẹ tưởng lầm là trẻ đang bụ bẫm hơn nhưng thực ra, tác dụng phụ của loại thuốc này lại rất nghiêm trọng.

Cân nặng của một trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu là do dinh dưỡng. Nếu dinh dưỡng kém, bé sẽ chậm tăng cân, thiếu cân và ảnh hưởng đến chiều cao. Trẻ bị nhẹ cân kéo dài sẽ dẫn tới thấp còi. Cha mẹ nên theo dõi chỉ số cân nặng của bé đều đặn, nếu thấy bất thường cần đi khám chuyên khoa nhi để không bỏ lỡ cơ hội can thiệp, ngăn các ảnh hưởng về sức khỏe, chiều cao và cả sự phát triển trí não của bé. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI