Chậm chuyển đổi xanh sẽ mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn của thế giới

23/09/2023 - 16:47

PNO - Sáng 23/9, Bộ Tài nguyên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” với chủ đề: Hành động hướng tới Net Zero.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ tại tọa đàm
Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ tại tọa đàm Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” với chủ đề: Hành động hướng tới Net Zero.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC cho rằng, Việt Nam và đa số quốc gia đang phát triển chưa kịp chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn nên hiện gặp khó khăn trong việc đáp ứng những quy định trong xuất nhập khẩu hàng hoá hay thu hút đầu tư nước ngoài theo xu thế xanh...  Một số đơn hàng dệt may của Việt Nam đã chuyển dịch sang Bangladesh do không đáp ứng được tiêu chuẩn xanh là minh chứng. Nhiều doanh nghiệp FDI chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc và không chọn Việt Nam... Các tổ chức lớn hiện nay chỉ lựa chọn đầu tư ở những quốc gia có môi trường và hệ sinh thái xanh. Do đó, chuyển đổi xanh là vấn đề cấp bách cần người dân và doanh nghiệp... cùng hành động.

Ông Don Lâm - Tổng giám đốc VinaCapital cho hay, hiện nay nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư quốc tế đang có rất nhiều nguồn vốn cho DN thực hành xanh. Trong đó, họ quan tâm các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (gọi tắt là ESG). Điều đó cho thấy, thời gian sắp tới, các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn. Nhiều quốc gia lân cận như Thái Lan cũng đang trên lộ trình chuyển đổi theo định hướng này, nếu chậm trễ đón đầu sẽ mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn từ thế giới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch.

Ông Don Lam - Tổng giám đốc Quỹ Vinacapital.
Ông Don Lam - Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital.

Các doanh nghiệp cần cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển của mình. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng bộ phận chuyên trách và theo dõi quá trình thực hiện ESG. Bộ phận này cũng sẽ là đầu mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối tác thương mại về các thông tin liên quan đến ESG.

Sau buổi tọa đàm, Bộ TN&MT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Ban chủ nhiệm CLB Báo chí phát triển Xanh và phát động giải thưởng "Báo chí phát triển Xanh" lần thứ Nhất (2023-2025).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng tặng hoa Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí phát triển Xanh hướng đến Net Zero nhân Lễ ra mắt
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí phát triển Xanh hướng đến Net Zero ra mắt.

Ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, chủ đề thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững luôn được Đảng và Nhà nước, cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của 150 quốc gia trên thế giới đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật, đề án, chương trình về phát triển xanh, phát triển bền vững.

"Chúng tôi kỳ vọng Ban chủ nhiệm CLB sẽ phát huy vai trò của mỗi cá nhân để CLB thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; duy trì thường xuyên và tích cực các hoạt động của CLB để hỗ trợ các hội viên và những người quan tâm đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, CLB cũng cần thường xuyên tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, đi thực tế, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, cung cấp kiến thức, cuộc thi… cho hội viên và những người quan tâm đến ngành tài nguyên và môi trường tham gia", nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó hủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI