Chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế, lỗi do ai?

17/01/2018 - 12:16

PNO - Năm 2018 đã đi qua hơn nửa tháng nhưng đến nay, người dân nhiều nơi ở TP.HCM vẫn phản ánh tình trạng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018 vẫn chưa có.


Ông H. (ngụ tại P.9, Q.8) cho biết, đã mua gia hạn BHYT từ giữa tháng 12/2017 nhưng mãi đến giữa tháng 1/2018 mới có thẻ. “Chúng tôi đã gọi lên phường nhưng họ chỉ trả lời chưa có mà không đưa ra thời hạn cụ thể nào. Vì sự chậm trễ này, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn không được hưởng BHYT” - ông H. nói. 

Theo ông Bùi Trung Hiếu (ngụ tại P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức), ông và hai con đã mua BHYT tại phường và có giấy hẹn ngày 30/12/2017 đến lấy thẻ. Thế nhưng, ông đến đúng hẹn và nhiều lần sau đó, phường vẫn chưa thể trao thẻ BHYT mới cho ông. Phường hẹn lại lần nữa là ngày 20/1 mới có thẻ.

“Họ bảo cả thành phố đều như vậy. Tôi bị bệnh mỡ máu và cao huyết áp nên cần có thẻ để lấy thuốc uống thường xuyên. Từ bữa thẻ cũ hết hạn, đến giờ vẫn chưa có thẻ mới, tôi phải mua thuốc ở ngoài uống, tốn nhiều tiền quá” - ông Hiếu than.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM - cho biết, lỗi chậm trễ không phải do cơ quan BHXH. Theo bà, thủ tục hiện nay rất đơn giản, chỉ cần tiền mua BHYT được nộp vào tài khoản của BHXH là thẻ BHYT sẽ được kích hoạt ngay.

“Bây giờ, không nhất thiết người tham gia BHYT phải nhận được thẻ mà chỉ cần có động tác kích hoạt trên hệ thống điện tử là xong. Tiền chưa vào tài khoản thì làm sao thẻ có giá trị kích hoạt. Toàn bộ những trường hợp tiền đã vào tài khoản của cơ quan BHXH rồi, chúng tôi đều đã kích hoạt thẻ trên hệ thống điện tử. Người dân trong trường hợp này nếu chưa có thẻ mới thì cứ đưa thẻ cũ, giữa cơ sở y tế và chúng tôi vẫn có thể giải quyết trên hệ thống điện tử được” - bà Huyền nói.

Như vậy, vấn đề thẻ cũ, thẻ mới không quan trọng. Bà giải thích thêm, khi hệ thống điện tử đã kích hoạt, người tham gia sẽ được cấp mã BHXH. Do vậy, nếu có đưa số thẻ cũ vào, hệ thống sẽ thông báo rằng thẻ đã hết hạn, đã cấp sang thẻ mới, và cơ quan y tế cứ việc lấy số thẻ mới trên hệ thống điện tử đó để giải quyết cho người dân.

Theo bà Huyền, phần lớn các trường hợp chậm trễ ảnh hưởng đến vấn đề khám, chữa bệnh BHYT của người dân là do đại lý vẫn giữ tiền của dân, chưa nộp về cho cơ quan BHXH, trường học vẫn giữ tiền đã đóng của học sinh, sinh viên mà không nộp về cho BHXH lập danh sách; còn hộ nghèo và cận nghèo thì phường chưa đưa danh sách qua, nên BHXH TP.HCM không thể giải quyết kịp thời được. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI