Sống trong nguy hiểm
Chị Lê Thị Dung (ngụ chung cư Ngô Gia Tự, Q.10) cho biết, mấy tháng qua do thường xuyên phải ở nhà vì dịch COVID-19, gia đình mới nếm trải hết nỗi khổ về sự xuống cấp của chung cư: “Hễ trời mưa là ngập. Nguyên nhân do phần mái ở tầng trên cùng đã bị hư nặng, nước mưa chảy vô nhà dân lênh láng. Chưa kể chung cư xây dựng lâu năm, nhiều người tự ý cơi nới, lấn chiếm nên nhìn rất nhếch nhác và nguy hiểm. Mấy năm qua, lâu lâu lại nghe tin sẽ di dời nhưng rồi đâu lại vào đấy”.
Chung cư Ngô Gia Tự được xây dựng từ năm 1968, gồm 16 lô, mỗi lô có một trệt và ba lầu. Sau 53 năm, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nên được xếp là chung cư cũ loại C (nguy cấp) cần được sửa chữa, cải tạo, xây mới. Bốn năm qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần lên kế hoạch cải tạo chung cư nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Một trong những vướng mắc lớn nhất ở chung cư này là vẫn còn khoảng 50% hộ dân chưa đồng thuận với phương án cải tạo, sửa chữa, di dời và chưa tìm được nhà đầu tư.
|
Ở TPHCM vẫn còn 246 chung cư loại B, C cần được cải tạo, sửa chữa do đã xuống cấp |
Tại Q.6, chung cư 119B Tân Hòa Đông nhiều năm trước đã được xếp vào chung cư cũ cấp D (cấp nguy hiểm). Cơ quan chức năng từng nhiều lần ra “tối hậu thư” để di dời người dân, làm dự án mới nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chung cư này được xây dựng cách đây hơn 50 năm, là nơi cư trú của 80 hộ dân. Cuối năm 2019, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, các đơn vị chức năng sẽ hoàn thành việc di dời người dân ở chung cư trong quý I/2020. Đến quý III/2020, sẽ hoàn thành việc phá dỡ chung cư để xây trường học. Thế nhưng đến nay, vẫn còn 12 hộ dân sinh sống tại chung cư này.
Bà Dương Tự Quyên, một trong số những người dân bám trụ tại chung cư 119B Tân Hòa Đông, phản ánh, hiện chung cư xuất hiện nhiều vết nứt rất dài, mùa mưa rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chấp thuận di dời, gia đình bà phải sang tạm cư ở chung cư 243 Tân Hòa Đông. Gia đình bà lo lắng sẽ không hòa nhập được cuộc sống nơi ở mới vì đây là chung cư cao tầng, không thể tận dụng mặt bằng để buôn bán.
“Hồi xưa, mẹ tôi còn sống, bà nhất quyết không chịu đi sang nơi tạm cư vì sợ ở tòa nhà cao tầng. Mẹ tôi mới mất cách đây vài tháng, mấy chị em tôi cố bám trụ đến sang năm xem sao. Chúng tôi muốn có một khoản tiền đền bù thỏa đáng để đến nơi khác sống thay vì qua ở khu tạm cư”, bà Quyên bày tỏ.
Cũng theo bà Quyên, hơn 10 hộ dân còn lại ở chung cư 119B Tân Hòa Đông còn bám trụ lại đều là những gia đình gắn bó với nơi này hơn 50 năm qua. Có nhiều gia đình hai, ba thế hệ ở chung một căn hộ. Do các thành viên trong gia đình không đồng thuận việc sang nơi ở mới nên họ nấn ná ở lại mấy năm nay. Bà Quyên chia sẻ thêm: “Hai năm trước, có hôm mưa gió nguy hiểm, sợ chung cư sập nên chính quyền sơ tán chúng tôi qua ở tạm tại chung cư 243 Tân Hòa Đông. Song, ở chỉ một đêm tôi về lại nhà cũ vì không quen. Nếu tiền đền bù phù hợp, tôi sẽ kiếm nơi ở khác, còn khu tạm cư thì chắc chúng tôi khó mà ở được”.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố hiện có 474 chung cư cũ được xây dựng từ năm 1975 về trước. Từ năm 2016 đến nay, đã cải tạo, sửa chữa 119 chung cư cũ (cấp B, C) với tổng mức đầu tư 275,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, sẽ thực hiện cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cũ gồm: 66 cấp C và 180 cấp B còn lại với tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng.
Với 14 chung cư cấp D, đến thời điểm hiện tại, chỉ mới di dời toàn bộ được sáu chung cư (tổng cộng 333 hộ dân), còn lại ba chung cư chưa di dời và năm chung cư đang di dời dang dở.
Vẫn còn vướng mắc
Liên quan đến vướng mắc trong việc di dời người dân ở một số chung cư cũ, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, các chung cư này đều đã có phương án di dời, hỗ trợ, tái định cư nhưng UBND các quận chưa thực hiện triệt để dẫn đến tình trạng di dời dở dang.
Từ thực tế trên, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiếp xúc, vận động người dân đến tạm cư, tái định cư tại quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trường hợp các hộ dân không chấp hành, kiến nghị thực hiện việc cưỡng chế di dời theo quy định.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, trước đây, Nghị định 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Chính phủ bắt buộc 100% cư dân đồng ý mới tiến hành thực hiện. Do đó, đã xảy ra trường hợp chung cư có hàng trăm hộ dân nhưng chỉ cần một vài hộ không đồng ý di dời thì việc cải tạo, xây dựng mới vẫn không được thực hiện.
Tuy nhiên, Nghị định số 69/2021/NÐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2021 đã thay đổi điều này. Theo đó, điều kiện phá dỡ chung cư cũ chỉ cần 70% hộ đồng ý thay vì 100% như trước. Trong đó, đối với các chung cư cấp D sẽ tháo dỡ khẩn cấp không cần ý kiến đồng thuận của cư dân.
“Như vậy, với các chung cư đã có phương án di dời, còn vướng một vài hộ thì cơ quan có thẩm quyền vẫn thực hiện được chứ không phải chờ đồng thuận 100% như trước đây. Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, thậm chí cưỡng chế di dời một số hộ dân còn ở lại các chung cư xuống cấp nghiêm trọng để bảo đảm an toàn”, luật sư Nguyễn Tri Đức phân tích thêm.
Mới đây (ngày 17/11), trong báo cáo cho UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM cho biết hiện tại vẫn còn sáu trong tổng số 14 chung cư cấp D đang gặp vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Tại điều 12, Nghị định số 69/2021/NÐ-CP của Chính phủ đã quy định việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch khu vực có nhà chung cư xây dựng lại đã được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nhà đầu tư lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại làm cơ sở để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm đối với sáu chung cư cấp D gồm: chung cư 115 - 157 Bùi Viện (Q.1), chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành, chung cư Vĩnh Hội (lô A, B, C), chung cư Trúc Giang (cùng thuộc Q.4), chung cư 137 Lý Thường Kiệt và chung cư 149 - 151 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình).
Với sáu chung cư trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần có ý kiến hướng dẫn về chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc do địa phương đề xuất. Trường hợp chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không đảm bảo việc tái định cư cho người dân thì có báo cáo, đề xuất chính thức về chức năng quy hoạch của khu đất để UBND TPHCM xem xét.
Tại hai chung cư sở hữu hỗn hợp là 128 Hai Bà Trưng và 23 Lý Tự Trọng (Q.1), chủ đầu tư sau khi được lựa chọn thông qua hội nghị nhà chung cư chưa thể triển khai các bước tiếp theo do chưa xác định được giá trị bồi thường nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư. Sở Xây dựng cho biết, hiện UBND Q.1 đang phối hợp với chủ đầu tư lập phương án bồi thường bổ sung đối với các căn hộ thuộc sở hữu nhà nước đang cho người dân thuê và phần diện tích nhà, đất sử dụng chung thuộc sở hữu nhà nước tại hai chung cư trên để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM chấp thuận phương án.
Theo Sở Xây dựng, còn một vướng mắc khác trong cải tạo chung cư cũ đó là hiện nay văn bản công nhận chủ đầu tư tại một số chung cư cũ đã hết hiệu lực và phương án bồi thường, tạm cư, tái định cư chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2017, UBND TPHCM ban hành quyết định 1017/QĐ-UBND về ủy quyền, phân công cho UBND quận thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Đến nay, theo Sở Xây dựng TPHCM, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2021/NÐ-CP, do đó, cần phải nghiên cứu quyết định thay thế Quyết định 1017/QĐ-UBND của UBND TPHCM. |
Sơn Vinh