Chậm ban hành quy định dạy văn hóa THPT trong trường nghề: Bất cập, cản trở phân luồng

06/04/2021 - 06:48

PNO - 9+ là mô hình học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học các môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông và nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, hơn một triệu học sinh học nghề bị ảnh hưởng do không được học các môn văn hóa tại trường nghề mình đang theo học.

Cuối tháng Ba, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội Các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kêu cứu về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chậm ban hành thông tư quy định việc dạy văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong trường nghề khiến quyền lợi của cả triệu học sinh bị ảnh hưởng.

Làm phức tạp một mô hình đang hiệu quả

Đến nay, 9+ vẫn đang là mô hình hữu hiệu nhất trong việc giải bài toán thừa thầy, thiếu thợ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS). Trước năm 2018, Sở GD-ĐT nhiều địa phương đã cho phép các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX, bảy môn) bậc THPT. Học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa hoàn thành chương trình học nghề, vừa có cơ hội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu học viên học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (bốn môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.

Một buổi lên lớp của thầy và trò Trường cao đẳng Cơ điện Phú Thọ
Một buổi lên lớp của thầy và trò Trường cao đẳng Cơ điện Phú Thọ

 

Cả Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục năm 2019 đều quy định, người học tốt nghiệp THCS đi học trình độ trung cấp, có thể học thêm văn hóa THPT để liên thông lên trình độ cao hơn. Song, cũng từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT dừng việc cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp của địa phương giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT, chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Nhiều địa phương đã có văn bản kiến nghị, bởi không phải trung tâm GDTX nào cũng đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, thậm chí có không ít trung tâm GDTX đã phải giải thể; trong khi cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên của các đơn vị giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn có khả năng giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT (giảng dạy bảy môn như những năm trước). 

Và từ năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT không cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyển sinh vào lớp Mười GDTX cấp THPT. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT, đồng nghĩa với việc học sinh chỉ được liên thông từ hệ trung cấp lên hệ cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không được liên thông lên đại học như quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT. Còn nếu học sinh học nghề muốn học chương trình GDTX cấp THPT để được liên thông lên đại học theo quy định mới của Bộ GD-ĐT thì phải đăng ký tại các trung tâm GDTX, và do trung tâm giảng dạy.

Thực tế cho thấy, việc học nghề và học văn hóa ngay tại trường nghề là thuận lợi nhất đối với học sinh, học viên. Tập trung học tại một cơ sở còn giúp công tác quản lý học tập của trường nghề cũng dễ dàng và hiệu quả hơn. Đơn cử như Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa được trang bị đầy đủ phòng học, máy móc hiện đại để phục vụ việc giảng dạy. Ngoài giáo viên dạy nghề, trường còn tuyển 50 giáo viên để dạy các môn văn hóa cho hơn một ngàn học sinh, học viên trong trường. 

Hay Trường cao đẳng Cơ điện Phú Thọ những năm qua đã đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất lẫn giáo viên dạy nghề, giáo viên dạy văn hóa. Đặc thù của trường cao đẳng này là học viên chủ yếu đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, kinh tế gia đình rất khó khăn khi so với mặt bằng chung.

Nhiều năm nay, mỗi học viên của trường đều được hưởng chế độ 1.490.000 đồng/tháng - là một khoản không nhỏ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của các học viên. Tuy nhiên, từ khi Bộ GD-ĐT không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT, Trường cao đẳng Cơ điện Phú Thọ đã phải liên kết và mời giáo viên của Trung tâm GDTX TP.Việt Trì tới dạy văn hóa. Trước đó, trường đã từ chối việc cho học sinh đi học văn hóa ở Trung tâm GDTX H.Thanh Ba - nơi cách trường 3km. 

Cần linh động theo điều kiện đơn vị và địa phương

Điều 5, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT: chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III/2020… 

Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT mới đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học theo chương trình trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự kiến, trong tháng Tư này mới đăng tải dự thảo để lấy ý kiến.

Việc ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT đã chậm trễ ít nhất là hai quý. Những quy định cứng nhắc của Bộ GD-ĐT đã và đang gây lãng phí rất nhiều: cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên dạy các môn văn hóa… được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư, đang vận hành hiệu quả thì nay phải dừng.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phải mất một khoản chi phí để thuê cán bộ trung tâm GDTX quản lý. Chưa kể, lịch học giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm GDTX rất có thể sẽ chồng chéo, khó kiểm soát, khó hiệu quả. Học sinh, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải di chuyển hai nơi trong một ngày để học nghề và học văn hóa. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho một số cơ sở mang tính đặc thù vùng miền (như Trường cao đẳng Cơ điện Phú Thọ) và sự vất vả cho học sinh…

Cần phải khẳng định lại rằng, hiện tại, 9+ vẫn đang là mô hình hiệu quả nhất trong việc giải bài toán thừa thầy, thiếu thợ và phân luồng học sinh sau THCS. Những năm gần đây, hơn 80% lao động học giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm; góp phần nâng cao chất lượng kỹ năng nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu cần lao động kỹ năng của thị trường (chứ không phải bằng cấp).

Bên cạnh đó, theo khảo sát của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, có hơn 80% học sinh học nghề (trong gần 1 triệu học sinh đang theo học giáo dục nghề nghiệp) mong muốn được thi lấy bằng tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhu cầu học văn hóa và nhu cầu được tham dự kỳ thi THPT quốc gia của học sinh theo học giáo dục nghề nghiệp là hoàn toàn chính đáng. 

Công tác phân luồng học sinh sau THCS hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nếu Bộ GD-ĐT cứng nhắc với quy định đó, thì mô hình 9+ hoàn toàn không phát huy được ưu điểm của nó; việc phân luồng học sinh sẽ càng đi vào ngõ cụt, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ sẽ càng gia tăng. Hãy để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ việc giảng dạy văn hóa GDTX hệ THPT theo điều kiện của đơn vị mình; để học sinh ở lứa tuổi mới lớn có thể yên tâm với định hướng giáo dục nghề nghiệp mà mình và gia đình đã chọn. 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI