Chắc tại số chị hên, chồng không bài bạc, rượu chè, cũng chẳng gái gú...

30/10/2016 - 06:54

PNO - Chắc tại số chị hên, em à ! Chồng không bài bạc, rượu chè, cũng chẳng gái gú. Có năm công vườn, hai chục năm nay hết đi làm thuê thì về trồng chanh, rồi nhãn, ổi, lại đến bưởi da xanh xen cam sành…

Chị bảo, năm nay con út vào lớp 9, con lớn đại học năm tư, xem như “khỏe re” rồi. Nhờ trời thương nên nhẹ lo. Con gái tiêu xài cũng không nhiều, lại thấy cha mẹ khổ nhọc nên không nỡ đua đòi. Con gái lớn học tài chính-kế toán, từ cuối năm nhất đã đi làm thêm, hết năm ba thì có doanh nghiệp vô trường “xí phần”, đòi "nuôi" luôn năm tư. Tuổi 44, da mặt chị đã bắt đầu chùng xuống, lớp kem dưỡng ban đêm không che được dấu vết thời gian; nhưng nụ cười của chị thì tươi lắm, khóe mắt như lấp lánh niềm vui.

Chắc tại số chị hên, em à ! Chồng không bài bạc, rượu chè, cũng chẳng gái gú. Có năm công vườn, hai chục năm nay hết đi làm thuê thì về trồng chanh, rồi nhãn, ổi, lại đến bưởi da xanh xen cam sành… Ông ấy cực vậy nhưng mình ra phụ là la oai oái, nói đàn bà lo làm tốt chuyện trong bếp là ngon rồi. Vườn tược, cây cối, tiền bạc cứ để chồng lo. Vậy là chị quanh năm chỉ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, mà con cái đều ngoan.

Nhưng ngẫm lại, được như hôm nay cũng không dễ. Hồi mới lấy nhau cũng lên bờ xuống ruộng dữ lắm. Ba mẹ chị không chấp nhận anh, vì anh không cha mẹ, sống với dì ruột. Chị thương anh hiền lành, siêng năng, nhất định không buông. Hai đứa tự cưới. Chị nói với anh, em đã chọn anh, chọn tình yêu của tụi mình, anh đừng phụ em, để ba mẹ em thấy anh xứng đáng làm rể. Anh bảo, anh cám ơn em không hết, sao dám phụ. Giờ tụi mình tay trắng, ở tiếp với dì không ổn, vì sợ ba mẹ em sang khó dễ. Anh tính vầy, tụi mình đi xứ khác làm ăn vài năm, ông trời thương cho khá khá thì về xin tội với ba mẹ…

Chac tai so chi hen, chong khong bai bac, ruou che, cung chang gai gu...
Anh Tín chị Hoa trong một lần đi sắm vật dụng gia đình cho hội viên Hội Phụ nữ của xã

Tụi chị nhận giữ vườn cao su cho người ta. Hai vợ chồng, một cái bầu mà chỉ mỗi đầu lương của anh. Chủ vườn có căn nhà tại vườn cho mình ở tạm. Ăn uống tự túc. Lương tháng triệu rưỡi, là năm 1994. Anh coi vườn sao cho không bị trộm cắp, còn phải ghi ngày công cho mấy người công nhân cạo mủ. Cứ công nhân trút mủ xong thì xế xế anh ra lượm mủ đất. Tiền bán mủ đất ghi sổ sách, cuối tháng chia hai với chủ. Anh hiền lành, thật thà nên được chủ thương.

Chị xin chủ cho thả vài chục con gà, sẵn củi vườn chủ cho lượm để bán. Thu nhập từ gà, củi, mủ đất dồn lại cũng đủ sống. Lương anh suốt ba năm ròng nhờ chủ cất giùm. Con bi bô nói thì em chị tìm đến, nói ba mẹ nghe lâu nay chồng chị sống tốt với chị nên kêu về. Chồng chị mừng muốn khóc.

Lúc đó, chủ vườn không chịu để anh nghỉ, nói ba năm cũng mến nhau, cần nhau, bất thình lình mà nghỉ, sao tìm được người thế. Vậy là anh chị ráng thêm cho tới khi chủ tìm được người khác. Cũng mất hai năm nữa. Khi chia tay, ông chủ trả công ba năm của anh là ba mươi sáu triệu. Hai năm sau, mỗi tháng hai triệu, tổng cộng năm mươi hai triệu. Tính chẵn là trăm triệu, số dư xem như thưởng cho anh là người thật thà.

Nhờ số tiền đó, anh chị mua được hai công đất. Vợ chồng chăm chỉ trồng trọt. Nhãn thả xuống thì xen đậu đen đậu xanh. Ranh đất thêm một vòng sả, chuối. Lấy ngắn nuôi dài, đầu tắt mặt tối. Anh Tín chịu cực dữ lắm, làm không nghỉ tay.

Anh nói: “Nhà có hạnh phúc không, có khấm khá không, phải do hai vợ chồng cùng gánh, hai người gánh sẽ nhẹ hơn. Em là phụ nữ, chỉ cần lo nhà cửa cơm nước, chăm sóc con cái, tiền bạc diêm tro thiếu đủ là tốt rồi. Chuyện ngoài vườn ngoài rẫy để anh”. Nhờ công sức của anh mà mấy năm sau tụi chị mua được thêm ba công đất. Con cái lớn lên thấy cha mẹ suốt ngày luôn tay nên cũng tự biết bảo ban nhau học hành. Việc nhà cứ chị nói là em nghe răm rắp.

Mấy năm nay thảnh thơi hơn, chị tham gia sinh hoạt với Hội Phụ nữ xã, là Mạnh Thường Quân của mấy “chú heo đất tiết kiệm”. Mỗi ba tháng đập heo một lần, xoay vòng sắm quạt bàn, nồi cơm điện, bếp điện từ… cho chị em trong tổ. Mỗi kỳ mua ba món cho một hội viên, tiền từ heo đất đủ thì thôi, thiếu thì chị “xung phong” bù. Nhờ có chị mà gần ba năm qua, mỗi chị em đều sắm thêm được vài vật dụng có giá trị trong nhà.

Chị nói, chị em đừng áy náy chi, giờ mình giúp chị em, mai mốt chị em giúp lại người khác, như hồi trước mình nghèo thì có người khác giúp, vậy thôi. Nói thật, việc chị làm được cũng nhờ chồng ủng hộ một phần, chứ xách xe ra mà ông ấy cằn nhằn, mắng mỏ thì còn làm gì được.

Anh chị đang dự định làm một quán cà phê học sinh-sinh viên; giá cả rất bình dân, thức uống thuần thiên nhiên, vì vườn nhà chị giờ chanh dây, chanh giấy, xoài, táo, chuối, đu đủ, bưởi, cam… đều có. Nhân viên phục vụ cũng sắp xếp cho các em học sinh - sinh viên làm ngoài giờ. Anh chị sẽ xây một dãy phòng cho sinh viên trọ, làm việc tại quán, ăn ngủ tại quán luôn. Làm được mô hình này không phải chỉ thuần sức của anh chị, là người bạn có miếng đất trống ở thị trấn, bỏ không chưa làm gì, để anh chị làm quán cà phê cho vui, mà cũng để giúp một số sinh viên học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Chị say sưa nói về “dự án” của mình, cười thật tươi trước ống kính. Chỉ nhìn thôi cũng hiểu, với chị, hạnh phúc đã thật sự viên mãn, vì gánh nặng đời chị luôn có một người cùng chia sẻ. Anh chị là Nguyễn Trung Tín và Phạm Thị Hồng Hoa, ngụ xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI