Cha trước, con sau…

05/11/2022 - 21:28

PNO - Trong con hẻm nhỏ nơi tôi đang sống, mỗi sáng tôi lại bắt gặp hình ảnh dễ thương của hai người, một già một trẻ.

Người cha chừng 80 tuổi, tay cầm gậy và bước đi chậm chạp, khó nhọc. Nhìn từng nếp nhăn trên khuôn mặt đượm gió sương và in hằn tuổi tác của ông, tôi hiểu ông đã cố gắng rất nhiều.

Người đàn ông trẻ là con ông, luôn kiên nhẫn đi phía sau, cách nhau một cánh tay và anh tập trung cao độ để cánh tay rắn chắc của mình có thể dang ra đỡ cha bất cứ khi nào. Tôi ngồi trong quán ăn ở hẻm, mỗi lần thấy họ, lại dâng lên nỗi thương cảm. Tôi nghĩ về con mình vừa lên ba và lúc mình cũng 80 như ông cụ “chập chững” bước đi kia.

Hai cha con trong hẻm nhỏ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM - ẢNH: L.Đ.L
Hai cha con trong hẻm nhỏ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM - ẢNH: L.Đ.L

 

“Người con ngày nào cũng dắt ông ra con hẻm này tập đi”, chủ quán ăn chay quen của tôi kể.

Với người Việt, đa số đều quan niệm “trẻ cậy cha già cậy con”. Do đó, khi sinh con, người làm cha mẹ dồn sức lo cho con, dành những gì tốt nhất cho con, mong ước con thành đạt, hạnh phúc. Con lớn lên, cha mẹ lo dựng vợ, gả chồng, có cháu lại tiếp tục chăm sóc để con cái rảnh rang lo sự nghiệp. Cha mẹ tận hiến cho đến khi không thể tiếp tục, phải dừng việc phụ giúp, lo cho con cháu khi bản thân không còn có thể, sức khỏe suy kiệt.

Đến lúc đó người già mới “cậy con”, nhưng theo tôi biết nhiều cụ cũng không muốn như vậy. Có những người già đi chùa chung, tôi nghe các cụ nói: “Chỉ mong trời thương, đừng bệnh chi hết, ngủ rồi “đi” luôn, không hành con, 
hành cháu”. 

Tất nhiên, không phải ai cũng… “đi’’ dễ như vậy. Và tuổi già thường đa bệnh, dù không muốn nhưng nhiều phụ huynh cao niên cũng đành “hành” con, “cậy” cháu. Thực ra, con cháu có hiếu thì được lo cho ông bà, cha mẹ mình khi họ lớn tuổi là điều tự nguyện, đương nhiên. Hiếu nghĩa thể hiện qua việc chăm sóc hằng ngày.

Tuy chưa phải là người già, nhưng tôi biết chắc, ai cũng bước qua tuổi già. Do vậy, thi thoảng vẫn nghĩ, không mong sống lâu, chỉ mong mỗi ngày sống là một ngày vui, một ngày sống khỏe. Tất nhiên, để được như vậy, ngoài nỗ lực tập luyện, ăn uống điều độ, lối sống an vui, tư duy tích cực… thì còn nhiều điều kiện khách quan khác. Nhưng, cứ nghĩ tới con cháu phải khổ vì mình, bản năng của người cha tự nhiên mong mình không đa bệnh, đa khổ. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Ngày trẻ, dõi theo từng bước con, thấy con trưởng thành là một hạnh phúc. Còn để con dõi theo bóng cha khi tuổi đã già chắc sẽ là niềm thương lo nhiều lắm. Trong dòng đời sống mênh mông, có những hình ảnh của người xa lạ có thể là bản sao của ta trong một ngày gần, nhất là với những thứ thuộc về quy luật đời người: sinh-lão-bệnh-tử. Nhìn để thương, để bình an mà sống.

Bản thân mình cứ lo cho con những gì tốt nhất rồi cùng con bước qua những khúc quanh trong cuộc đời. Nếu có may mắn, “lỡ” sống tới già tới yếu, được con đi theo từng bước chập chững, hẳn cũng là niềm ủi an của đời người… 

Lưu Đình Long

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI