Cha tôi quê mùa chất phác

08/10/2021 - 06:00

PNO - Cha tôi là thế đó, người cha quê ít bày tỏ tình cảm, lặng lẽ đồng hành bên những chặng đường, đoạn đời nhiều biến cố, thăng trầm của tôi…

Cha tôi quê mùa và chất phác. Cũng như bao người cha nông thôn khác, ông có gương mặt trầm mặc, biểu hiện của một nội tâm sâu lắng, chứa đựng nhiều bí ẩn. Cha âm thầm, lặng lẽ đồng hành bên tôi, trên những chặng đường, đoạn đời nhiều biến cố, thăng trầm...

Cha - động lực thôi thúc tôi đi tìm con chữ 

Mồ côi từ rất bé, gia cảnh khó khăn nên cha phải nghỉ học đi bán bánh bò, bánh cam phụ giúp gia đình. Vì hoàn cảnh nên cha chạm chân với đời sớm và rồi trên chặng đường đó, cha gặp má tôi, một người nguyện cùng nắm tay cha đến chặng dừng cuối cùng trên chuyến xe cuộc đời. Chắc có lẽ vì đồng cảnh ngộ nên cha và má càng trân quý tổ ấm. 

Má bảo tôi: “Vì con là đứa đầu lòng nên cha đặt nhiều kỳ vọng lắm”. Chẳng trách cha lúc nào cũng khuyên: “Con phải ráng học, để có tương lai tươi sáng, không phải làm những việc vất vả như cha mẹ”.

Những năm tiểu học, tôi khá thất vọng về cha và hay trách cha, tôi nghĩ ông bỏ mặc tôi tự bơi và “chỉ toàn nhắc nhở”. Càng lớn, tôi càng nhận ra rằng trên khuôn mặt bắt nắng đen nhẻm của cha là đôi mắt sâu thẳm đầy những nếp gấp, nếp chân chim của một người chỉ biết bươn chải che chở gia đình. 

Cha và tác giả lúc còn bé
Cha và tác giả lúc còn bé

Những lúc gặp áp lực trong học tập, hình ảnh lam lũ của cha lại xuất hiện, khiến tôi không thể chùn bước. 

Hành trình tới đường đại học với những đứa con nhà nghèo không đơn giản. Tôi mang theo trên hành trình ấy sự đợi trông của gia đình, đặc biệt là niềm hy vọng của cha. Tôi miệt mài đèn sách, cố gắng không ngừng nghỉ để trở thành giảng viên của một trường đại học tại TP.HCM.

Cha - người tiếp năng lượng sống cho tôi 

Sau đó không lâu, tôi gặp biến cố lớn trong đời, phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn. Cha rời quê lên TP.HCM chăm tôi. Phút gặp mặt ở bệnh viện, cha xúc động nghẹn ngào. Ông ôm tôi vào lòng nói: “Có cha ở đây rồi, con sẽ không sao đâu!”. Cha tôi - người đàn ông ít học, khô khan, không giỏi bày tỏ tình cảm,  đã nói ra cái câu quý báu ấy.

Những ngày ở bệnh viện, liên tục đón nhận tin không hay về tình trạng sức khỏe của tôi, cha giấu nỗi buồn vào trong, nhưng tôi cảm nhận rất rõ sự lo lắng của cha.

Một lần tôi lên cơn co giật, hai hàm răng đánh vào nhau cành cạch, ngón tay co rúm, nước mắt nước mũi chảy ra, người tôi giật mạnh không kiểm soát. Cha cố giữ để tôi không cắn lưỡi và cầu cứu bác sĩ.

Nhìn cha run rẩy trong câu nói: “An ơi! Cố lên con!” tôi như được tiếp nguồn năng lượng để vượt qua cửa tử. Tôi đã may mắn vì khi “sóng dữ” ập đến, bên cạnh luôn có cha.

Vì bệnh tình chuyển biến xấu nên tôi được đưa về nhà. Không khuất phục số phận và với niềm tin mãnh liệt “phước chủ may thầy”, cha đưa tôi đi chữa trị khắp nơi. Tôi không thể quên cảm giác cha ẵm tôi men theo con đường đồng vào nhà một thầy thuốc ở Vĩnh Long.

Lúc tôi ở trên đôi tay ông, tôi cảm nhận rất rõ từng hơi thở mệt nhọc và những giọt mồ hôi. Đôi lần cha gượng xốc tôi vào lòng, cố không buông tay. Có lẽ cha đã kiệt sức sau chuỗi ngày dài, nhưng ông không ngừng động viên tôi: “Thầy này không được mình đi chỗ khác, con không được bỏ cuộc nha. Cha sẽ luôn ở đây đồng hành cùng con”. 

Gần ba năm ròng rã chạy chữa, cuối cùng câu nói “phước chủ may thầy” đã mỉm cười với tôi. Dù đôi chân không được như trước, nhưng những tháng ngày đau đớn đã không còn. Ngẫm lại, nếu những ngày bĩ cực, bên cạnh tôi không có gia đình, đặc biệt là cha, chắc tôi không được như hôm nay. 

Cha - người ủng hộ tôi vô điều kiện trên “đôi chân tròn” 

Trở thành người khiếm khuyết, sự tự ti luôn ngự trị trong suy nghĩ và hành động của tôi. Khoảng thời gian đầu, tôi cự tuyệt và nhất định không chịu làm bạn với “đôi chân tròn”. Thế nhưng trong sâu xa tôi biết mình không thể mãi là gánh nặng của cha và mẹ.

Tôi cởi bỏ sự mặc cảm và tập làm quen với cách di chuyển của “đôi chân tròn”. Thoạt đầu rất khó khăn nhưng khi quen rồi tôi có thể dùng nạng di chuyển từ góc này sang góc khác trong nhà.

Những lúc cha ra chuồng bò, tôi thường xin theo để lấy cỏ cho bò ăn, việc gì trong gia đình có thể làm được, tôi đều xin phụ để thấy mình không vô dụng, dù tôi làm rất vụng về. 

Sau vấp ngã, tôi biết nhìn đời bằng đôi mắt biết cười. Ngày qua tháng lại, tôi đã quen dần với “đôi chân tròn” và tôi muốn mang câu chuyện của mình truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.

Thế là, “đôi chân tròn” theo tôi đến với buổi báo cáo chuyên đề cho học sinh và sinh viên. Trên hành trình đi gieo kiến thức, khơi dậy khát vọng sống cho thế hệ trẻ, đằng sau tôi luôn có hình ảnh của cha. 

 Tác giả và cha của mình
Tác giả và cha của anh

Tôi vẫn phải bước tiếp và đã gặp không ít hoàn cảnh còn bi thương, khổ đau hơn mình rất nhiều. Xuất phát từ sự đồng cảm, đồng cảnh, tôi vận động, kết nối với mạnh thường quân để trao quà giúp đỡ những hoàn cảnh ấy.

Ban đầu, cha tôi phản đối kịch liệt việc đi lại của tôi vì sức khỏe tôi không được tốt, di chuyển cũng khó khăn. Nhưng khi nhìn thấy sự quyết tâm muốn giúp người của tôi, thay vì phản đối cha đã ủng hộ và đồng hành. Từ đó, hành trình gieo nhân lành của “đôi chân tròn” đã có sự tiếp sức từ cha. 

Câu chuyện về nghị lực của thầy giáo trên “đôi chân tròn” được lan tỏa và tôi xuất hiện trên một số talk show truyền hình. Và lẽ dĩ nhiên trong câu chuyện tôi chia sẻ luôn có hình ảnh cha và mẹ. Cha tôi là thế đó, người cha quê ít bày tỏ tình cảm, lặng lẽ đồng hành bên những chặng đường, đoạn đời nhiều biến cố, thăng trầm của tôi… 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI