Đạo diễn, biên kịch Lê Văn Duy ngoài làm phim, còn viết văn, tác giả nhiều tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Ông có hai cô con gái, một người đang bước tiếp con đường của ông là nhà báo Dương Thảo Quỳnh Như, công tác tại HTVC thuộc Đài truyền hình TP.HCM. Quỳnh Như cũng là thành viên duy nhất của đại gia đình, theo nghiệp viết lách của bác Ba - nhà văn Lê Văn Thảo và cô Út - nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy.
|
Gia đình đạo diễn Lê Văn Duy |
Cha “khai thông” chứ không áp đặt
Đang là sinh viên, nghe theo lời nhắn của cha mình - nhà giáo Dương Văn Diêu, Lê Văn Duy “xếp bút nghiên” vào rừng tham gia kháng chiến. Rồi ông trở thành nhà quay phim chiến trường nổi tiếng của điện ảnh Nam bộ, cùng thời với NSND Phạm Khắc.
Đất nước thống nhất, nhà văn, nhà quay phim chiến trường, đạo diễn Lê Văn Duy cùng đồng nghiệp về Sài Gòn tiếp quản và xây dựng Hãng phim Giải Phóng. Thời kỳ này, ông tham gia viết, làm đạo diễn khá nhiều phim tài liệu và phim truyện: (1978), (1980), (1981), (1982)… trong đó nhận giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam 1983. Về sau, ông chuyển sang cương vị mới, làm giám đốc xưởng phim ngắn, Hãng phim Giải Phóng và giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cho tới khi nghỉ hưu.
Giai đoạn làm quản lý, ông vẫn không ngừng sáng tạo và liên tục cho ra đời những tác phẩm chân dung về chính khách: Thủ tướng Võ Văn Kiệt; về văn nghệ sĩ: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, GS Trần Văn Khê; về giới khoa học: bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng… Đạo diễn Lê Văn Duy là một trong những người làm phim chân dung nhân vật nhiều nhất Việt Nam.
Ngoài sáng tác, thì truyền nghề cũng là thế mạnh của ông. Học trò của ông rất nhiều người thành danh. Nhưng điều ông vui nhất chính là đã dìu dắt con gái theo nghiệp của mình. Điều tưởng dễ dàng với các đồng nghiệp khác, nhưng lại vô cùng vất vả với ông.
Đạo diễn Lê Văn Duy và người bạn đời của mình - bà Trần Hồng Thắm - nguyên Phó giám đốc Sở Thể dục thể thao TP.HCM, có hai cô con gái: Dương Thảo Quỳnh Như và Dương Hồng Quỳnh Chi. Thời mới giải phóng, dù liên tục nhận phim nhưng cuộc sống gia đình ông khá chật vật.
Lúc đó vợ chồng bàn nhau “chồng lo một đứa, vợ lo một đứa”. Lo ở đây, không chỉ là chuyện ăn uống học hành mà còn cả chuyện nghề nghiệp tương lai cho các con, và nếu được thì hướng chúng theo nghề của mình. Ước vọng thành sự thật: Quỳnh Như nối nghiệp cha, trở thành biên tập viên truyền hình, Quỳnh Chi theo nghề mẹ, làm huấn luyện viên môn bắn súng.
Ông bảo, đứa trẻ nào cũng có năng khiếu, nhưng bản thân chúng không tự nhận biết, nhiệm vụ của cha mẹ là tìm hiểu, khơi gợi, hướng dẫn. Quan sát thấy cô con gái lớn Quỳnh Như có nhiều tố chất để theo nghiệp viết lách - dù bản năng ca hát trong cô có phần nổi trội, ông “bắt” Quỳnh Như và giao con gái nhỏ cho vợ mình kèm cặp. Hai chị em ban đầu biết được ý định của cha mẹ thì phản ứng dữ dội, nhất là Quỳnh Như, nhưng khi hiểu ra, cả hai đều thú vị với nghề mà cha mẹ dày công vun đắp cho mình từ khi còn thơ bé.
Quỳnh Như mê ca hát, ông không cấm cản mà còn âm thầm mở đường cho con đi hát cùng bè bạn, để con rèn tính tự lập, quan sát, có thêm trải nghiệm trong cuộc sống và để nhen nhóm tình yêu nghệ thuật. Nhưng ông nhận thấy Quỳnh Như cá tính, sống nội tâm thì khó phù hợp nghề ca hát nên tìm cách vun bồi và hướng con vào nghiệp viết lách.
Ông “lén” đặt lên đầu giường con gái những quyển sách mà ông cho là phù hợp với con. Lúc đầu, Quỳnh Như thờ ơ lãnh đạm, cả tháng trời không động một trang. Ông vẫn kiên nhẫn, biết con thích âm nhạc nên chọn sách về nhạc. Khi Như bắt đầu thấy thú vị với sách, ông thay sách âm nhạc bằng sách văn học, rồi kịch bản phim… Thói quen đọc sách ngấm dần vào tuổi thơ của con, để rồi sau đó, Quỳnh Như tự động tìm đến tủ sách của cha, nhiều như một cái thư viện, và hào hứng với sách.
Ông còn lẳng lặng chở con đến trường quay, thi thoảng giao cho con một vai nhỏ, để con có ý niệm rõ hơn về “nhân vật” mà mình thủ diễn. Tất cả chỉ vì muốn con gái thấu cảm với nghệ thuật, điều cần thiết cho người sáng tác sau này. Nhưng Quỳnh Như không hiểu được điều đó, đã phản ứng mạnh khi nghe cha đề nghị con thi vào trường xã hội và nhân văn thay vì thi vào nhạc viện để thỏa giấc mơ làm ca sĩ. Ông kể: “Nếu lúc đó con gái kiên quyết, tôi cũng sẽ không ép, vì Quỳnh Như là đứa nhạy cảm và kiệm lời.
Những lần con phản ứng mạnh, tôi im lặng, đợi con qua cơn ấm ức mới từ từ giảng giải. Tuy cứng đầu nhưng con bé ngoan và rất biết
nghe lời”.
Nhưng đến khi tốt nghiệp, Quỳnh Như lại “làm trận làm thượng” một lần nữa, khi cha đề nghị con về làm việc tại nơi ông làm giám đốc - Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu: “Cha con giận nhau cả tháng trời, cuối cùng Quỳnh Như cũng hiểu ra hảo ý của cha mà nhận việc. Rồi cãi nhau chuyện làm nghề, ôi thôi nhiều lắm. Thậm chí có lần giận tôi, con bé bỏ nhà đi bụi cả tuần - đi phượt với nhóm bạn, nhưng khi về, tự nó làm hòa, tự sửa phim và đem nộp. Thực ra, những lần cha con giận nhau, tôi đều lặng lẽ soi lại bản thân mình. Liệu suy nghĩ của tôi có quá già so với lớp trẻ. Tôi nghiêm khắc nhưng cầu thị, cái gì bọn trẻ đúng thì tôi nghe”.
Cha “bứng” con khỏi sở thích ấu thơ
Được phát hiện từ cuộc thi Tiếng hát sinh viên, Quỳnh Như được cha mẹ ủng hộ nhiệt thành khi cô rón rén xin tham gia vào hoạt động văn nghệ xung kích của sinh viên thành phố. Thời điểm 1993-1997, tiếng hát của Dương Thảo Quỳnh Như trong nhóm nhạc San Hô cùng với Quốc Đại, Đoan Trang chiếm được cảm tình của sinh viên - học sinh - thanh niên. Quỳnh Như cũng từng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM.
|
Con gái Dương Thảo Quỳnh Như |
“Ba là đạo diễn, mẹ là dân thể thao. Cả hai nghề của ba và mẹ, tôi đều không thích vì tôi mê ca hát. Tôi muốn thi vào Nhạc viện TP.HCM nhưng ba lại hướng tôi vào ngành báo chí. Lúc đó ba có giảng giải rằng ca hát không phù hợp với bản tính trầm lặng, khép kín của tôi. Tôi nghe lời ba, đơn giản vì tôi thương ba, chứ chưa hề nhận ra ba đã đúng khi hướng tôi theo nghề của ba như bây giờ”, Quỳnh Như tâm sự.
Thi đậu vào trường báo chí và đi học, Quỳnh Như chỉ nghĩ để cha mẹ vui, chứ trong sâu thẳm cô vẫn chưa tha thiết. Nhưng khi vào học, gặp cha trên giảng đường (đạo diễn Lê Văn Duy được mời thỉnh giảng môn biên kịch điện ảnh), nghe những câu chuyện ba kể về nghề, cô thấm dần. Rồi cùng cả lớp, cô “thực hành” những điều ba giảng, theo bạn bè viết tin, bài, kịch bản gửi cho các báo, các hãng phim, được đăng, được chọn làm phim, vậy là thích và viết tiếp. Cứ như thế, đến khi ra trường, Quỳnh Như nhận thấy mình đã thôi không còn trăn trở chuyện ca hát nữa. Lúc này cô nhận ra cha mình đã đúng khi quyết định “bứng” cô ra khỏi sở thích thơ ấu, đặt cô vào đúng chỗ, đúng nơi để cô có thể phát huy hết thế mạnh của mình.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm gắn bó với nghề mà cha đã chọn cho mình, Quỳnh Như cảm thấy cô là người may mắn, vì có cha luôn bên cạnh. Với cô, cha vừa là thầy, vừa là sếp, vừa là cha và vừa là bạn… trai cùng nhau đi mua sắm, cà phê, ăn uống, du lịch, xem phim, xem kịch… Có những ngày buồn quá, nhất là sau khi hôn nhân đổ vỡ, rồi công việc không suôn sẻ, cô “rủ” cha ra quán bia bờ kè gần nhà, tỉ tê tâm sự. Có cả những điều thật khó chia sẻ với mẹ, nhưng cô lại dễ dàng tâm sự với cha, để nhận lời khuyên của cha, ấm áp và chân tình như người bạn lớn.
“Ba hướng dẫn tôi cách nhìn người. Tri nhân tri diện bất tri tâm. Ba luôn bảo, phải nhìn người ta rồi cho điểm 10 trước, sau đó qua cuộc sống và chấm thì trừ dần. Nếu vạch điểm mình đánh giá phù hợp với quan điểm của mình thì gắn bó, đồng hành. Không thì tìm cách dung hòa mối quan hệ hoặc từ chối kết giao. Hãy lấy đức tin làm trọng, biết bao dung và tha thứ không những cho người mà cả cho mình. Về quan điểm làm việc, ba dạy tôi nên đi bằng chính đôi chân của mình, đừng dựa vào bất kỳ ai trong gia đình hay những người danh giá có chức vụ địa vị cao mà gia đình thân thiết. Vì chỉ có năng lực bản thân mới giúp con đứng vững trên con đường nghề nghiệp, đặc biệt là trong môi trường báo chí và nghệ thuật. Tác phẩm của con sẽ chứng minh năng lực của con và thể hiện độ dấn thân của con với tập thể xã hội. Hãy nỗ lực vì nó mỗi ngày, dục tốc bất đạt vì thế không tham vọng những gì vượt quá tầm với, cứ cố gắng hết mình đi, rồi con sẽ nhận được thành quả tốt đẹp” - Quỳnh Như chia sẻ.
Quỳnh Như bảo, đến giờ, cô mới cảm nhận được rằng, không ai hiểu rõ cô như cha mình. Mỗi lần trò chuyện với cha, cô như được tiếp thêm lửa cho cả đời sống riêng lẫn công việc. Cả bản lĩnh nghề nghiệp mà cô có hôm nay cũng chính là do cha truyền dạy: “Ba chính là người thắp lửa cho tôi vào nghề, vững bước tương lai”.
Thiên Nga