Cha rất giàu vì có tới… sáu người phụ nữ!

09/03/2020 - 09:45

PNO - Cha tôi có tới sáu người phụ nữ nên luôn nhận mình là “kèo dưới”, nhưng rất tự tin, pha chút ngạo mạn: “Mấy ai được giàu có như tui”.

Năm nay, cha không còn sức khỏe để đại diện phái mạnh đích thân nấu món cà-ri gà đãi mẹ con tôi nhân ngày phụ nữ nữa. Thế nên chúng tôi sẽ dành tặng lại ngày của phái yếu cho cha, với mong muốn cha sẽ là người “phụ nữ” tỏa sáng duy nhất, được nâng niu trong gia đình.

Chúng tôi sẽ là sáu người đàn ông chuẩn men, tặng hoa và sẵn sàng làm tất cả những gì tốt đẹp nhất trong ngày đặc biệt này cho cha - ngày được cộng dồn từ tất cả tình yêu mà cha đã dành cho mẹ con tôi suốt hơn nửa thế kỷ.

Bác sĩ thông báo quỹ thời gian của cha đang dần cạn. Cha mệt nên nằm thiếp cả ngày, xung quanh đầy thuốc men và dây nhợ... Cả nhà không muốn nhắc đến căn bệnh nan y đang mỗi ngày lấy đi sức khỏe của cha, thay vào đó động viên nhau rằng cha chỉ không được khỏe do tuổi già. 

Cha kể nhà nội nghèo lắm. Khi lấy vợ, cha phải bán chiếc xe đạp dành dụm bao năm mới mua được để có tiền tổ chức. Cả đời chưa bao giờ cha giữ được đồng bạc nào trong tay, vì làm bao nhiêu cha đưa hết cho vợ. Cha giải thích: “Có nhiều tiền dễ sinh hư. Mẹ mày lại có máu Hoạn thư nên tốt nhất là không có tiền, tao đi đâu cũng khỏe”.

Cha khéo tay, khéo ăn, khéo nói, điềm đạm. Là cha chứ không phải là mẹ, đã cắt những bao gạo bằng vải tám thời bao cấp may áo đầm, áo bơi cho con gái. Cha dạy chúng tôi băng qua đường ray thế nào để không bị ngã, dạy con làm cá, chọn gà ngon từ khi lên mười. Và cả chuyện xếp, may vải màn thế nào khi đến tháng…

Cha rất tự hào vì có “ngũ long công chúa“, và đứa nào cũng có khả năng “nguy hiểm” với đàn ông. Nhưng cha cũng khéo khoe mẽ: “Lũ con gái không đẹp bằng cha, có lẽ tại gen của mẹ nó mạnh nên thấp người, mũi tẹt. May là không có đứa nào ế…”.

Cha hỏi cô giúp việc: “Cô có biết đứa nào giống tôi nhất nhà không? Nó cùng cung Hổ cáp nên có khiếu văn chương, nhạy cảm và chút khó tính”. Khi cô giúp việc nói là con gái út, cha gật gù: “Tính tình nó như con trai, mạnh mẽ và dứt khoát”.

Cha tôi làm thơ hay tuyệt. Khi ngâm thơ, mắt ông lim dim theo từng cung bậc cảm xúc, trông rất cuốn hút. Mấy hôm chưa mệt nhiều, ông đọc thơ cho bác sĩ nghe. Bác sĩ bảo ông thế này thì hồi trai trẻ chỉ có gọi là “sát gái”.

Các bác hàng xóm cũng nhận xét cha tôi đào hoa và nhiều tài lẻ lắm, nhưng được cái nhìn cao to vạm vỡ thế mà “ngán” vợ. Cha cười mếu máo: “Vì thương nên nhịn. Cũng có nhiều cô theo, nhưng chọn đúng người nên cuộc đời không có gì tiếc nuối”. Hèn gì trong cái hộp thiếc đựng tài liệu cũ, có đến vài chục tấm ảnh của các cô gái với nét chữ điệu đàng ghi ở mặt sau: “Thương tặng anh”.

Chưa hết, cha khiêm tốn vậy thôi chứ chị em tôi đã nhiều lần nhận những cuộc điện thoại của các bác gái. Họ tìm cha, có người còn chết vì anh “soái ca già”. Khi hỏi tới, cha dứt khoát: “Vợ con là trên hết, không ai bằng, không linh tinh được”.

Cha của tôi là vậy, không phải người đàn ông hoàn hảo, không phải đại gia, nhưng cha là tất cả với chúng tôi.

A3nh m
Ảnh minh họa

Ngày 8/3, chúng tôi đãi lại cha món cà-ri gà mà cha mê nhất đời. Cha nói lúc nào cũng thèm vị thơm của thịt gà, bùi bùi của khoai, thêm vài lát ớt. Cha ghiền món này đến nỗi lây qua chị em chúng tôi. 

Cha lớn hơn mẹ năm tuổi nên ông bà rất đẹp đôi. Mỗi ngày hỏi câu “mẹ mày đâu” tới cả chục lần, thế mà hai người ở gần nhau một chút là y như rằng có chuyện. Cha ngán tắm, mẹ thì sạch sẽ quá mức cần thiết, nên suốt ngày toàn cằn nhằn nhau chuyện vệ sinh. Nhưng phải công nhận, ông trời khéo se duyên, cả cha mẹ đều sống tằn tiện, không thích xài tiền dù con cái chu cấp đều đặn. Ngay cả chiếc điện thoại chúng tôi mua cho cha cũng nằm chèo queo trong tủ vì cha không dùng. Cha nói phiền phức quá, tốn tiền cước, có gì bây cứ gọi mẹ bây thôi…

Cha đau nhiều nhưng khẳng định tao chả bệnh gì, bây đừng lo. Cha mệt, khó thở phải cấp cứu, chị em tôi bàn cách nói dối là người già trên 80 tuổi được tổ chức từ thiện lo hết, bác sĩ tới tận nhà khám, cha mà không chịu thì phiền lòng, làm người ta buồn… Kể ra người già dễ lừa thiệt. Nhờ vậy mà cha rất vui vẻ hợp tác, uống thuốc đều đặn. 

Hôm hai đứa cháu đi học xa, cha dặn dò kỹ lưỡng: “Ông già rồi nên nếu có xảy ra chuyện gì cũng là điều bình thường. Các cháu không phải về nhé, cứ yên tâm mà học tập”. Cha lúc nào cũng đơn giản các vấn đề, không bao giờ muốn làm phiền con cháu.

Từ hôm cha bệnh, chúng tôi hay nắm tay cha. Đôi bàn tay đã từng dạy chúng tôi may vá, sửa chữa mọi vật dụng trong nhà. Đôi bàn tay khéo léo ấy hôm nay chỉ còn da bọc xương. Chợt tiếc sao lúc trước không nắm tay cha nhiều hơn, và nói với cha rằng: “Cám ơn cha thật nhiều, vì đã là cha của tụi con”. 

Minh Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI