Cha mẹ vô tình hủy hoại sức khỏe tâm thần của con

27/10/2021 - 06:00

PNO - Cha mẹ vì thương con mà thường tìm cách giúp con, “giải cứu” con khỏi những thất bại hoặc cảm giác không thoải mái. Nhưng theo các nhà tâm lý, giúp con không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng rối loạn nhân cách về sau này.

Bé Th. xin ba mẹ mua cho chiếc điện thoại di động mới. Nhưng khi mẹ nói rằng cô bé không cần điện thoại mới vì chiếc điện thoại hiện giờ vẫn còn sử dụng được, Th. cố tình đánh rơi điện thoại trong nhà vệ sinh và sau đó nó bị vỡ màn hình.

Thế là Th. đã có được thứ mình muốn - một chiếc điện thoại di động mới.

Nhiều phụ huynh không nỡ để con phải chịu khổ (ảnh minh họa)
Nhiều phụ huynh không nỡ để con phải "chịu khổ" (ảnh minh họa)

Điểm Toán của B. sa sút dạo gần đây nhưng khi ba hỏi lý do thì cậu giải thích “Ông thầy này chỉ thích con gái, ổng ghét hết đám con trai tụi con.” Thay vì nói chuyện với thầy dạy Toán để tìm hiểu nguyên nhân thực sự và cách giải quyết thì ba mẹ của B. lại tìm cách đổi lớp cho con.

Nhiều phụ huynh vì xót con nên không nỡ để con phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của chính mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, đổ lỗi cho người khác thay vì nhận trách nhiệm là một đặc điểm của rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder) và rối loại nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder).

Trong trường hợp vừa nêu trên, chính cha mẹ đã vô tình dạy cho con hình thức đối phó không lành mạnh này.

Nếu phụ huynh của B. tìm cách nói chuyện với giáo viên dạy Toán và thảo luận với con cách giải quyết thì B. sẽ không thích nhưng cách này sẽ mang lại cho cậu bé một bài học đáng giá và tốt cho sự phát triển của B. về sau.

Một số phụ huynh cũng khuyến khích trẻ tránh né vấn đề do muốn bảo vệ con mình khỏi những tình huống khó chịu. Con nói không thích đi xe bus đến trường. Thế là phụ huynh nhanh chóng nhượng bộ và tự đưa con đến trường.

Nhiều phụ huynh lại có thói quen xoa dịu cảm xúc của con khi chúng bị tổn thương và vô tình ủng hộ để con có cảm giác “mình là nạn nhân”.

Từ cảm giác “mình là nạn nhân” sẽ dẫn đến cảm giác “mình vô dụng” và ảnh hưởng đến sự phát triển lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ sợ hãi mọi thứ. Kiểu suy nghĩ hay cảm giác này thường thấy ở những người có đặc điểm rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid) và rối loạn nhân cách ranh giới.

Có nhiều điều có thể khiến con trẻ cảm thấy không thoải mái như cảm giác thất bại hoặc là đối diện với những thứ mới mẻ như thử thức ăn mới, kết bạn mới, chơi một môn thể thao mới hoặc chuyển nhà và phải đến trường mới.

Thế nhưng, theo các chuyên gia tâm lý, việc đón nhận những khoảnh khắc không thoải mái có thể giúp cho sức khỏe tâm thần của trẻ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nếu trẻ không bao giờ có cơ hội được học những bài học đi kèm với thất bại, chúng sẽ không bao giờ phát triển được sự kiên trì cần thiết để vươn lên và phục hồi sau thất bại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta hiện đang sống trong thời đại căng thẳng nhất của lịch sử với nhiều khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 cho đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, khả năng phục hồi tinh thần của trẻ em đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại, với gần một nửa số trẻ em có mức độ lo lắng cao, sự tự tin trong học tập thấp và có xu hướng bỏ cuộc khi đối mặt với các nhiệm vụ khó khăn.

Mặc dù bạn không thể thay đổi hoàn cảnh bên ngoài mà con bạn phải đối mặt, nhưng phong cách nuôi dạy con cái của bạn có khả năng tạo ra - hoặc phá vỡ - khả năng đối phó của chúng.

Rối loạn nhân cách (tiếng Anh: Personality disorders) là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng.

Sức khỏe tinh thần của trẻ cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Sức khỏe tinh thần tốt cho phép trẻ em và thanh niên phát triển khả năng phục hồi để đối phó với bất cứ khó khăn nào xảy ra trong cuộc sống và phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh toàn diện.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI