Cha mẹ vợ của em trai nhỏ tuổi hơn tôi, mà bắt tôi kêu bằng cô chú

20/07/2022 - 19:00

PNO - Chị, cậu em cùng với gia đình bên ấy nên có những "thỏa thuận" nho nhỏ về việc xưng hô sao cho cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái nhất.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em trai tôi ly hôn cách đây cũng đã cả chục năm. Nhiều năm qua nó tuyên bố sợ hôn nhân, sợ phụ nữ, không lấy vợ nữa.

Năm nay nó 52 tuổi, tự dưng lại đưa về nhà một cô gái mới có 22 tuổi. Cô gái nhan sắc thì tầm thường, nhưng được cái trắng trẻo, lại dẻo miệng nói yêu thương vì em tôi giỏi giang và chiều chuộng, nên em trai tôi chết mê chết mệt.

Từ đầu, tôi đã ngứa mắt, vì không tin vào tình cảm của cô gái này. Cô ta ở quê vào thành phố, chẳng qua là tìm một chỗ nương tựa trong khi còn bơ vơ mà thôi.

Đúng như tôi tiên đoán, mới được có vài tháng thì cô ta viện cớ cha mẹ già không ai chăm sóc, đưa hết cả bố mẹ ngoài quê vào, sống trong nhà em tôi, mà thực chất là nhà cha mẹ tôi.

Rằm vừa rồi, tôi về nhà thắp nhang cho ông bà, thấy vô cùng bực bội cảnh hai vị phụ huynh tuổi còn nhỏ hơn tuổi tôi và em tôi, mà ngồi chễm chệ trên sa lon, chờ em tôi đi rót nước cho uống, lại còn lên mặt kiểu bề trên với tôi.

Bực nhất là khi tôi về rồi, em trai tôi nhắn tin nói họ không hài lòng vì tôi nói chuyện với họ trỏng trỏng, không thưa gửi gì. Họ nói dù sao con gái họ cũng lấy em trai tôi, tôi phải biết thứ bậc để nói chuyện cho dễ nghe.

Tôi điên quá nói em trai tôi là chừng nào cưới xin, đăng ký kết hôn, sinh cháu nội cho ba má tôi thì hãy nói tới chuyện thứ bậc. Còn bây giờ theo không về ở với em tôi, đưa cả nhà vào cho em tôi nuôi thì tôi chưa có coi là người nhà hay bậc trên trước.

Tôi mắng em trai tôi ngu, đưa người lạ về ngồi vắt vẻo trước bàn thờ ba má. Em tôi tự dưng lại cáu lên với tôi, nói đừng can thiệp vào chuyện riêng của cậu ấy, rồi cúp máy.

Giờ tôi buồn và rối trong lòng lắm chị Hạnh Dung. Tất nhiên, đó là chuyện riêng của cậu ấy, "khôn thì sống, mống thì chết". Nhưng nhà đó là nhà ba má tôi, bàn thờ ông bà ở bên đó, giờ tôi qua lại thắp nhang thế nào?

Xưa nay em tôi chẳng quan tâm gì chuyện cúng quảy hàng tháng, rằm hay 30... chỉ toàn tôi chạy đi chạy về. Ba tôi thì mất lâu rồi, má mới năm ngoái, không nhang khói được cho ông bà đàng hoàng, tôi buồn trong lòng lắm chị Hạnh Dung.

Lê Thanh Lệ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Thanh Lệ thân mến,

Trước tiên, chị phải xác định một điều hết sức cơ bản: em trai chị đã là một người trưởng thành, và cậu ấy hoàn toàn có quyền yêu thương ai, chọn lựa ai, sống với ai.

Kể cả ngôi nhà mà giờ chị nhấn đi nhấn lại rằng đó là nhà của ba má, thì chắc trong gia đình cũng đã có những quyết định, thỏa thuận hợp tình hợp lý, cho quyền cậu ấy ở trong ngôi nhà đó, và cậu ấy cũng phải được sống trong ngôi nhà đó theo ý của mình. 

Tất nhiên, điều mong mỏi hơn cả với chị, các anh chị em khác, gia đình... là với cả hai điều trên, cậu ấy nên làm hợp tình, hợp lý, theo đạo nghĩa đàng hoàng.

Và nếu xét về điều đó thì việc cậu ấy chung sống với một cô gái hay lo lắng chu toàn thêm cho cả bố mẹ cô ấy là điều không vi phạm luật pháp, vì cô ấy chưa chồng và em trai chị đã ly hôn vợ. Điều đó hoàn toàn không sai, chỉ thiếu là họ chưa đăng ký kết hôn theo quy định, nhưng đó lại là một chuyện khác.

Thật tình thì hoàn cảnh chị đang rơi vào (những người cha mẹ của cô gái mà em chị đang chung sống nhỏ tuổi hơn chị và chị buộc phải gọi họ bằng những đại từ mang ý nghĩa kính trọng bậc bề trên) là một tình huống éo le không ít người gặp phải.

Theo lề thói xưa của ông bà thì dù người bậc trên mới sinh ra, thì mọi người trong gia tộc họ hàng vẫn phải gọi họ là cô, dì, chú, bác đúng thứ bậc.

Tuy nhiên, thời nay, mọi việc đã thoáng hơn nhiều, Hạnh Dung đã thấy nhiều gia đình du di với những chuyện đó, chọn cách xưng hô sao cho vừa phải, thân mật, vui vẻ mà vẫn giữ được sự kính trọng. Điều quan trọng ở đây chính là chuyện đó: giữ được sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không khiến cho mọi người cảm thấy... ngượng mồm.

Trên cơ sở những phân tích trên, Hạnh Dung nghĩ rằng để mọi chuyện được dễ dàng, chị và cậu em cùng với gia đình bên ấy nên có những "thỏa thuận" nho nhỏ về việc xưng hô sao cho cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái.

Chị có thể đưa ra lý do là chị không muốn gọi họ theo cách họ muốn, vì thấy điều đó khiến họ già quá so với tuổi tác. Nếu họ thấy được thì có thể tìm một cách gọi nào đó cho nhẹ nhàng, vui vẻ cả hai bên.

Tất nhiên, việc này, cũng như việc chị bảo họ phải đăng ký kết hôn, chị mới công nhận dâu và cha mẹ cô dâu, chỉ là một cách để tránh né tình huống mà chị thấy không thoải mái mà thôi.

Điều quan trọng chính là nếu không thay đổi mọi người và mọi việc theo ý của mình được, thì chị hãy cố gắng thay đổi chính cảm xúc của chị. Đơn giản và tập chấp nhận mọi việc không phụ thuộc vào quyết định hay cảm xúc của mình, chị sẽ thấy "chuyện không có gì là ầm ĩ" cả.

Hãy chấp nhận đời sống mới, người thân mới của cậu em trai. Thậm chí, như một người lớn trong nhà, chị có thể "giao việc" nhang khói hàng ngày cho cậu em với sự nhắc nhở và giúp đỡ của một người đang tự coi và được coi là vợ của em trai chị, có nghĩa là con dâu của ba mẹ chị.

Còn chị, nếu vui, chị cứ về thắp nhang, nếu không vui, chị cũng vẫn có thể lập bàn thờ ba mẹ trong nhà mình để nhang khói tưởng nhớ. Điều này Hạnh Dung thấy nhiều người hiện nay vẫn làm. 

Vài dòng góp ý nho nhỏ, mong là có thể giải tỏa bớt những cảm xúc, suy nghĩ khó chịu trong chị. Một điều quan trọng là cách cư xử đúng mực và tôn trọng của chị, cũng sẽ thể hiện vai trò người lớn đại diện bên đàng trai (vì ba mẹ chị đều đã mất). Và vì thế, đàng gái cũng sẽ phải tôn trọng chị đúng như thứ bậc của chị trong gia đình thông gia.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI