Cha mẹ và bài toán khó chăm sóc trẻ nhỏ sau đại dịch

23/06/2022 - 05:56

PNO - Không chỉ có giá thực phẩm, năng lượng… tăng nhanh, chi phí chăm sóc trẻ em cũng tăng cao đang là vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu.

Lạm phát đang là vấn đề gây căng thẳng toàn cầu trong những ngày này. Không chỉ có giá thực phẩm, năng lượng… tăng nhanh, chi phí chăm sóc trẻ em cũng tăng cao đang là vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu.

Chi phí trông trẻ tăng nhưng vẫn thiếu nhân lực 

Hầu hết các bậc cha mẹ đều từng trải qua cảm giác lo lắng tìm nơi giữ trẻ hay đảm bảo một suất cho chúng trong trường mẫu giáo. Tình hình càng trở nên cấp bách khi nhu cầu chăm sóc trẻ em gắn liền với nhu cầu lao động. Giữa lúc ngày càng nhiều người quay trở lại công việc sau đại dịch, những người có con nhỏ càng cảm thấy căng thẳng khi cố gắng tìm cách chu toàn cán cân công việc - gia đình. 

Chăm sóc trẻ nhỏ là vấn đề mà các quốc gia cần xem trọng để giải bài toán tỷ lệ sinh giảm và thiếu lao động - ẢNH: KYODO
Chăm sóc trẻ nhỏ là vấn đề mà các quốc gia cần xem trọng để giải bài toán tỷ lệ sinh giảm và thiếu lao động - ẢNH: KYODO

 

Một báo cáo mới từ trang Care.com cho thấy ở Mỹ, chi phí từ thuê bảo mẫu đến chăm sóc trẻ sau giờ học đều tăng đáng kể từ khi bắt đầu đại dịch. Có 72% gia đình dành ít nhất 10% thu nhập cho việc chăm sóc trẻ em; 51% cha mẹ cho biết họ phải chi trả ít nhất 20% thu nhập cho việc chăm sóc trẻ nhỏ. Kể từ năm 2019, chi phí phải trả cho các trung tâm chăm sóc trẻ em ở Mỹ đã tăng 5%, chi phí chăm sóc trẻ sau giờ học tăng 7%. Trong hơn hai năm qua, con số này có vẻ như không phải là một sự tăng vọt. Tuy nhiên vấn đề là mức tăng này đang xảy ra trong thời kỳ lạm phát chưa từng có, lương bổng trì trệ, chi phí nhà ở tăng chóng mặt và nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái.

 

Để tuân thủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh của chính quyền, nhiều trung tâm chăm sóc trẻ em đã phải hạn chế số lượng trẻ. Điều này dẫn đến việc có ít gia đình trả tiền hơn, do đó chi phí tăng lên. Một báo cáo được công bố bởi các nhà kinh tế của Công ty tài chính Wells Fargo (Mỹ) vào tháng Ba cho thấy, số lượng việc làm trong ngành dịch vụ chăm sóc trẻ em ban ngày ở Mỹ hiện vẫn còn thấp hơn 12,4% so với mức trước đại dịch. Đây là con số khá cao so với tổng thâm hụt việc làm chung là 1,9%. 

Theo ước tính của Wells Fargo, khoảng 460.000 gia đình đang phải tranh giành nơi giữ trẻ dài hạn tin cậy. Sarah House - nhà kinh tế cao cấp của Wells Fargo và là tác giả chính của báo cáo - chia sẻ: “Trong khi ngành chăm sóc trẻ em và giáo dục sớm cần nhiều lao động hơn, một số rào cản đáng kể vẫn tồn tại như mức lương thấp và rủi ro sức khỏe liên quan đến đại dịch”. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, năm 2020, mức lương trung bình cho một nhân viên chăm sóc trẻ em là dưới 12,25 USD/giờ, nằm trong số những nghề được trả lương thấp nhất.

Áp lực bất bình đẳng đối với phụ nữ

Báo cáo của Wells Fargo cũng chỉ ra rằng, phụ nữ có con dưới ba tuổi có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp hơn 28% so với nam giới có con dưới sáu tuổi (dữ liệu việc làm liên bang không bao gồm nam giới có con dưới ba tuổi). Do đó theo Sarah House, nếu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những phụ nữ này tăng lên bằng với tỷ lệ phụ nữ có con trong độ tuổi đi học (từ 6 - 17 tuổi) thì lực lượng lao động tại Mỹ sẽ tăng thêm 1 triệu người. 

Tại Nhật Bản, khoảng 5.600 trẻ em đã phải chờ đợi để có thể được nhận vào các trung tâm mẫu giáo vào năm 2020, thời điểm có đến 327 trung tâm giữ trẻ ở Nhật Bản phải đóng cửa do đại dịch, đó là một con số kỷ lục. Đại dịch đã làm cho khoảng cách giới trong việc chăm sóc trẻ em của Nhật Bản, vốn đã rộng hơn nhiều so với ở Mỹ và châu Âu, trở nên tồi tệ hơn khi buộc nhiều phụ nữ phải ở nhà chăm sóc con cái. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu khoảng cách này không được điều chỉnh sớm, việc tham gia lao động của phụ nữ sẽ bị đình trệ, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động. 

Trong khi đó, cuộc khảo sát mới từ Chính phủ Nhật Bản cho thấy 26% nam giới và 25% phụ nữ ở độ tuổi 30 muốn sống độc thân. Nhiều phụ nữ cho biết, không muốn tham gia vào công việc nhà hoặc chăm sóc con cái là lý do chính để họ không kết hôn. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em và đưa kế hoạch này vào hướng dẫn chính sách kinh tế, tài khóa hằng năm. Chi tiêu công cho việc chăm sóc trẻ em ở Nhật Bản, bao gồm trợ cấp thai sản và nghỉ chăm sóc trẻ em, chiếm 1,65% tổng sản phẩm quốc nội trong năm tài chính 2018. Con số này bằng khoảng một nửa so với mức 3,42% của Thụy Điển và 3,19% của Anh trong năm tài chính 2017. 

Theo các chuyên gia, lĩnh vực chăm sóc trẻ em có thể thực hiện nhiều đổi mới để trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân. Chẳng hạn như để hộ gia đình cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em; kết nối cha mẹ với nhà cung cấp dịch vụ này thông qua thị trường trực tuyến. Cùng với đó là các chính sách cung cấp nền tảng dựa vào cộng đồng để tạo ra những hệ thống hỗ trợ cho cơ sở chăm sóc trẻ và phụ huynh, hỗ trợ cha mẹ tìm kiếm thêm thu nhập ở nhà và chăm con, khuyến khích chia sẻ việc chăm sóc trẻ giữa cha và mẹ… 

Ngọc Hạ (theo Fatherly, CNN, Fortune, Japan Times, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI