Cha mẹ tôi không thích ngồi yên

08/10/2020 - 09:32

PNO - Tuổi trẻ chúng ta thường mong muốn cha mẹ lớn tuổi được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ở giai đoạn chuyển tiếp để có thể nghỉ ngơi nhiều hơn, có một việc gì đó cho ông bà làm thường là liệu pháp hợp lý nhất.

Bạn bè bảo tôi may mắn khi có cha mẹ ở quê lên sống cùng ở Sài Gòn. Đúng là tôi may mắn thật khi cha mẹ luôn chọn nơi ở có các con, vì các con. Đối với ông bà, đó là điều quan trọng nhất, cho nên những lựa chọn khác, không có gì làm khó ông bà nữa. 

Phần quan trọng thứ hai, theo tôi, ông bà tin vào sức lao động và sự độc lập của mình. Gia đình tôi không có nhiều của ăn của để. Dù vậy, cha mẹ tôi không ngại sống ở bất kỳ nơi đâu ngoài vùng an toàn của mình. Một phần vì từ ngày cha cưới mẹ thì hoàn cảnh đã như thế rồi. Vì chiến tranh, gia đình cha tôi không còn ai. Bà ngoại và các dì cũng mất vì bom rơi đạn lạc. Bản thân cha mẹ tôi cũng rời quê hương đi kinh tế mới từ khi tôi vừa hai tuổi. 

Có thể sẽ có người ngạc nhiên khi một phụ nữ xấp xỉ 60 tuổi lại mở bán trà sữa, dù là ở vị trí khiêm tốn đầu hẻm. Trong suy nghĩ của mẹ, trà sữa là món “thời thượng” được nhiều bạn trẻ ưa thích. Và bà tin mình làm được, bán được. Sự thực thì dù bà chỉ bán trong thời gian không dài nhưng có nhiều khách quen và thứ mang về lớn nhất là niềm vui lao động. 

Cha hơn mẹ tám tuổi. Theo tôi, độ tuổi cũng quyết định cách sống, cách nghĩ của từng người. Nếu cha tôi có thể sáng thức dậy đi bộ vài vòng, tập thể dục đâu ra đấy rồi về ăn sáng, tưới cây, uống trà, chơi cờ, nghe tin tức thì mẹ tôi lại muốn cống hiến nhiều hơn, làm ra tiền nhiều hơn. 

Từ ngày sống ở Sài Gòn, mẹ luôn chọn một chỗ ngồi ở chợ và khu dân cư đông đúc để bán hàng. Mặt hàng mẹ chọn là trái cây. Để được giao tiếp. Để được chủ động thu nhập. Để có đồng ra đồng vô. Cũng có lúc mẹ lui về giúp tôi những việc trong nhà, đặc biệt là những việc mà tôi “bày ra” để mẹ luôn có cớ bận rộn tay chân. Một trong những việc ấy là làm cà na để bán mỗi đợt mùa về. 

Căn bếp của ba mẹ luôn ấm áp. Ảnh minh họa
Căn bếp của ba mẹ luôn ấm áp. Ảnh minh họa

Việc làm cà na đòi hỏi sự tận tâm và tập trung cao độ. Quả cà na rất dễ lên men và dễ dập, nếu chần chừ hay lơ là ở bất kỳ công đoạn nào sẽ khó mang lại mẻ cà na như ý. Mẻ cà na chất lượng cần người làm cột chặt tâm ý vào đó. Lấy được cà na tươi từ quê lên là tiến hành làm ngay. Rửa kỹ, khứa từng trái. Sau đó đến khâu ngâm, luộc, để ráo, nấu nước đường, phơi rửa hũ thủy tinh và cho vào hũ. Công đoạn nào cũng cần sự chu đáo. Và khi đã tập trung vào công việc của mình thì có vẻ đó cũng là một cách “thiền”.

Một mẻ cà na tầm hai lăm ba chục ký cần có hai người tập trung làm trong ba ngày liền. Như vậy, mỗi tuần làm chừng hai đợt là vừa sức. Cái thuận lợi là cha mẹ tôi luôn tranh thủ làm giữa mỗi đợt bận việc, gặp gỡ người thân, bạn bè, hay những lúc cần nghỉ ngơi. Cũng nhờ món ăn được khách hàng phản hồi tốt nên ông bà rất phấn khởi trong hành trình của mình. 

Cha mẹ tôi là vậy, lo cho con xong thì lo cho cháu. Hiện tại, em trai tôi sắp có con nên ông bà lại về tỉnh ở với vợ chồng con trai. Cũng như tôi, em trai sắp đặt sẵn vườn tược, cây cối, vịt gà cho ông bà chăm. Công việc đủ đi tới đi lui và luôn có gì đó để vận động, để khuây khỏa. 

Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác gia đình sum vầy. Sáng sáng con cái còn ngái ngủ thì cha tôi đã dậy sớm bắc bếp than luộc cà na. Thi thoảng mùi nước đường, mùi cà na ngào và cả mùi muối ớt xộc lên thơm, hắc khắp nhà. Xen lẫn vào đó là giọng cha tôi đang vừa làm vừa hát. Đôi khi cuộc đời chỉ cần như vậy đã đủ bình yên.

Yến Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI