Cha mẹ tiếp tay đẩy con “già” trước tuổi

25/03/2024 - 06:29

PNO - Nửa đêm thức giấc, không thấy con gái 9 tuổi đâu, chị Thùy Chi đi tìm thì thấy con đang ngồi ở góc bếp, lướt mạng YouTube, TikTok. Rà lại lịch sử dùng mạng, chị thấy con gái xem toàn nội dung “người lớn” như yêu đương, ghen tuông, thất tình.

Con dậy thì, mẹ chẳng hay

Chị Chi băn khoăn, không biết con chị chỉ tò mò hay đã lớn sớm. Chị trách mình lâu nay vẫn nghĩ con vào mạng chỉ để nghe nhạc, học tiếng Anh nên không cài mật khẩu kiểm soát thiết bị.

Sau sự việc trên, chị Thùy Chi chia sẻ với bạn bè, họ khuyên nên đưa bé đi đo tuổi xương để xác định tình trạng dậy thì. Họ còn mách chị dùng thuốc điều chỉnh nội tiết tố để trì hoãn quá trình dậy thì, thuốc kích thích phát triển xương để tăng chiều cao. Không dám tùy tiện xử trí, chị Chi bèn đưa con đến khám ở Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. Sau khi khám, thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thanh Hồng An kết luận bé đã bước vào quá trình dậy thì và không nên can thiệp gì cả.

Không chấp nhận hiện thực con đang dậy thì, chồng chị Chi đưa con tới Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 để tìm phương cách trì hoãn quá trình này. Nhưng sau khi khám, bác sĩ chuyên khoa tại đây cũng kết luận bé trong quá trình dậy thì, không nên xét nghiệm gì thêm, càng không nên có bất kỳ sự can thiệp nào.

Trước đây, độ tuổi dậy thì của trẻ là 13 nhưng nay, việc trẻ dậy thì khi mới học đến lớp Ba (8-9 tuổi) là khá phổ biến. Điều đáng nói là không ít phụ huynh thờ ơ hoặc chủ quan nên không biết con mình đang ở giai đoạn “nhạy cảm” về tâm sinh lý.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa - nguyên giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội - cho hay, hiện nay, dưới nhiều tác động mang tính xã hội, tuổi dậy thì của trẻ đến sớm hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước. Trong khi đó, đa số gia đình có phòng riêng cho con nên cha mẹ không biết con cái làm gì trong phòng. Không ít phụ huynh nghiện lướt web, lướt mạng xã hội nên bỏ bê việc hướng dẫn con học hay trò chuyện cùng con.

Không ít  phụ huynh cho con trang điểm, ăn mặc hở hang khi còn quá nhỏ - Nguồn ảnh minh họa: Internet
Không ít phụ huynh cho con trang điểm, ăn mặc hở hang khi còn quá nhỏ - Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ông nói: “Trẻ dậy thì sớm cộng với sự thiếu quan tâm của bố mẹ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà một trong số đó là tình trạng quan hệ tình dục sớm”. Ông dẫn chứng, năm 2019, WHO phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT khảo sát hơn 7.700 học sinh từ 13-17 tuổi ở 21 tỉnh, thành thì tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần so với năm 2013, từ 1,45% lên 3,51%.

Mẹ sống ảo, con sớm "già"?

Một ngày giữa tháng 3/2024, anh Minh Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) thấy nhóm trẻ gần nhà mình đang túm tụm xem một phim ngắn (clip) trên YouTube, thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Tò mò, anh lại gần xem thì thấy chúng đang xem một đoạn clip Ngoại tình với vợ bạn. Đoạn clip này có nội dung hài hước nhưng có cả cảnh giường chiếu, cởi quần áo mà ngay cả người lớn xem cũng đỏ mặt. Theo anh Hoàng, việc cha mẹ thiếu giám sát, để những đứa trẻ 7-8 tuổi xem những cảnh “nóng” trên mạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý của chúng.

Chúng tôi thử phỏng vấn 15 học sinh của một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM khi chúng ngồi chờ cha mẹ sau buổi học. Với câu hỏi “con biết phim 18+ là phim gì không”, 100% nam sinh nói biết, còn các nữ sinh thì không trả lời, chỉ cười mắc cỡ. Với câu hỏi “các con từng xem phim có cảnh nóng chưa, ở đâu”, vài bé trai nói đã xem trên các kênh phim quốc tế. Có bé vui vẻ kể: “Mẹ bật ti vi rồi bỏ đi làm việc khác nên con vô tình coi được, chứ con không mở”.

Khi được hỏi, khá nhiều bà mẹ than họ “quê độ” bởi đang cùng con lướt mạng xã hội thì clip “thiếu vải” từ đâu xuất hiện, không kịp đóng lại.

Ngoài những người vô tình để con tiếp xúc với nội dung, hình ảnh “người lớn”, cũng có những bà mẹ cổ vũ con trẻ ăn mặc, sinh hoạt như người trưởng thành. Ra đường, không khó để bắt gặp các bé gái mặc đầm dây thiếu vải, hở vai, hở bụng, khoe đùi. Bé gái mới bước vào bậc THCS, mẹ đã cho dùng son, được tùy ý trang điểm đậm khi dự sinh nhật bạn, nhiều bé dán hình xăm ở gáy, ngực, đùi…

Thuật ngữ “baby spicy style” được dùng để mô tả phong cách thời trang pha trộn giữa nét ngây thơ của trẻ em và phong cách sành điệu, gợi cảm của phụ nữ trưởng thành. Ở Trung Quốc, kiểu thời trang này ngày càng phổ biến bởi ngày càng có nhiều bà mẹ sống ảo, dùng hình ảnh của con để kiếm lượt xem, lượt thích (câu view, câu like) trên các nền tảng mạng xã hội.

Thương hiệu thời trang Jours Après Lunes của Pháp từng bị dư luận chỉ trích do quảng cáo nội y cho bé gái từ 4-12 tuổi. Ở Úc, thương hiệu Witchery từng gây tranh cãi khi cho trẻ em mặc trang phục người lớn và tạo dáng sexy. Các nhà xã hội học Úc cho rằng, việc cho trẻ ăn mặc mát mẻ khiến chúng già trước tuổi, mất tuổi thơ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, thậm chí có thể gây ra nạn bắt nạt trên mạng. Hình ảnh “baby spicy style” đang đi quá xa mục đích thời trang và tiến gần với nội dung khiêu dâm trẻ em, đó là tội ác.

Phụ huynh để con mặc sức lang thang trên mạng sẽ khiến trẻ dễ dàng tiếp xúc với hình ảnh nhạy cảm, từ đó có thể dậy thì sớm - ẢNH: SƠN VINH
Phụ huynh để con mặc sức lang thang trên mạng sẽ khiến trẻ dễ dàng tiếp xúc với hình ảnh nhạy cảm, từ đó có thể dậy thì sớm - Ảnh: Sơn Vinh

Kiên quyết bảo vệ “quyền ngây thơ” của trẻ

Chị Thanh Hằng (quận 5, TPHCM) có đứa con gái bị bảo mẫu chê khờ, chậm dù kết quả học hành của bé vẫn tốt. Học lớp Năm, bé vẫn tin hoàn toàn vào ông Bụt, bà tiên răng, ông già Noel. Bé thích sống trong thế giới cổ tích nên thường có những phát biểu khiến chúng bạn cười ồ. Tuy vậy, chị Hằng khẳng định, con chị hoàn toàn bình thường. Bé biết làm việc nhà, biết yêu thương cha mẹ, phát triển tâm sinh lý đúng tuổi. Bé hay bị bạn cười nhạo do không được dùng mạng xã hội, không biết thông tin về ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng mà các bạn đang bàn luận. Hơn nữa, bé ham đọc sách nên có xu hướng tin vào thế giới tưởng tượng.
Vợ chồng chị Hằng từng tranh luận nảy lửa về việc có nên “thả” cho con vào mạng để không lạc hậu, không “ngố”. Ngược với nỗi băn khoăn của vợ, anh Thành - chồng chị Hằng - cho rằng, anh có đàn cháu nghiện TikTok và game online. Chúng tìm hiểu mọi thứ qua không gian mạng nhưng không chịu ra ngoài xem đời thực thế nào. Chúng bắt chước các thần tượng (idol) trên TikTok nhưng kỹ năng giao tiếp, khả năng kiềm chế cảm xúc rất kém, hễ ai lấy thiết bị khỏi tay chúng là nổi khùng, chúng hỗn hào với cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, anh Thành khẳng định, nếu cần phải làm gì giúp con thì anh chọn thu xếp công việc để dẫn con đi chơi nhiều hơn, va chạm với đời sống nhiều hơn chứ quyết không giao con cho chiếc điện thoại và nhận về sự trưởng thành ảo.

Bảo Quỳnh - Uông Ngọc

Trẻ dễ lệch lạc nếu tiếp xúc hình ảnh “nhạy cảm”

Nỗi lo trẻ vị thành niên tiếp xúc những nội dung không phù hợp lứa tuổi (qua sách báo, phim ảnh, các nền tảng trực tuyến) xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh trẻ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin qua nhiều phương tiện truyền thông, các em càng cần được bảo vệ.

Ở giai đoạn dậy thì, chuẩn bị chuyển thành người trưởng thành, trẻ không chỉ thay đổi về sinh lý mà còn có sự thay đổi về tâm lý. Các em thường tự đặt cho mình câu hỏi “tôi là ai”, có nhu cầu kết nối với xã hội. Nếu có những trải nghiệm, nhìn nhận phù hợp thì đây sẽ là giai đoạn giúp ích cho quá trình phát triển tiếp theo. Nhưng nếu những trải nghiệm và nhận thức ở giai đoạn này không phù hợp, cụ thể là tiếp cận hình ảnh, nội dung tình dục hoặc khiêu dâm thông qua các nền tảng truyền thông thì sẽ là nguy hại. Nhiều nhà nghiên cứu đã khuyến cáo về khả năng trẻ vị thành niên có thể có hoạt động tình dục sớm hơn độ tuổi nếu tiếp xúc sớm với những nội dung trên. Trẻ còn có thể mắc chứng rối loạn về sự thân mật hoặc nghiện tình dục, có những lệch lạc về đạo đức, có hành vi tình dục gây hại cho người khác hoặc có xu hướng quấy rối, bạo lực tình dục.

Ngoài ra, tiếp xúc nội dung tình dục và khiêu dâm không phù hợp nhận thức lứa tuổi sẽ hình thành hình ảnh đóng khung về giới tính, hoặc hình ảnh phi thực tế về cá nhân. Điều này sẽ cản trở các bạn trẻ xây dựng hình ảnh lành mạnh cho bản thân, dễ có khuynh hướng gò ép bản thân vào một số hình ảnh nhằm thỏa mãn tiêu chuẩn của người khác hoặc kỳ vọng không phù hợp. Hiểu đúng về các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của trẻ, giúp các em có môi trường, điều kiện phát triển phù hợp là điều cần làm để sau này chúng trưởng thành khỏe mạnh.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Như Quỳnh (QHome.SelfCare - Yoga Psychology, quận Phú Nhuận, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI