Chúng ta đều biết, chuyện gật đầu chào hỏi, nói năng lễ phép, không cáu gắt đay đổ với người lớn, không tỏ thái độ khinh mạn người khác gần như là bài học đầu đời mà ai cũng phải biết ngay từ thuở nhỏ.
Lễ phép hay chuyện phải phép cứ như là một chuyện nề nếp trong xã hội truyền thống nhưng trong xã hội hiện đại một phút nào đó chúng ta đã từng lãng quên? Điều này có thể xuất phát từ cách giáo dục ở gia đình?
Triết lý giáo dục cho biết việc giáo dục lễ nghĩa vừa là gốc của con người vừa là lợi thế của gia đình, nhưng do ảnh hưởng khách quan của xã hội và gia đình chưa chủ động thích ứng với điều kiện mới.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều ông bố bà mẹ dạy con bằng cách nhắc đi nhắc lại hoài câu nói đại loại “gặp người khác phải gật đầu chào và phải lễ phép với người lớn”.
|
Các em trường Lê Hồng Phong được khen ngoan và lễ phép |
Nhưng phụ huynh lại quên rằng việc giáo dưỡng đứa con về một vấn đề gì đó là cả một nghệ thuật chứ không hề đơn giản là gieo vào đầu chúng cái tư tưởng. Cho nên cha mẹ cần tránh lối giáo dục đạo đức cực đoan này.
Sự lễ phép sẽ được đơm hoa kết trái khi con trẻ biết nhận ra được lễ nghĩa luôn cần cho mỗi chúng ta và ở mọi hoàn cảnh, ở mọi thời điểm. Do vậy, khoảnh khắc học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ trước cổng trường được ghi lại và đăng tải trở thành tâm điểm chú ý.
Qua câu chuyện này, phần nào giúp chúng ta – nhà trường, phụ huynh nhìn lại cách giáo dục thế hệ trẻ đang còn thiếu những gì mà bổ sung vào mục tiêu giáo dục toàn diện. Phần khác còn là chiếc gương soi để những em học sinh, thế hệ trẻ nhìn vào biết mình cần làm gì để hoàn thiện hơn.
Nhiều trẻ khi có người thân trong gia đình và người khác đến nhà hay gặp đâu đó các em không có thái độ vui vẻ gật đầu chào hỏi. Nhiều cha mẹ dạy con theo kiểu chuyên quyền, độc đoán “Tao đẻ mày ra thì bố mẹ có bảo sao cũng phải làm theo vậy”. Ép trẻ khoanh tay, gật đầu chào cho bằng được.
Thực tế khi ép trẻ làm theo suy nghĩ của người lớn quá chưa hẳn đem lại hiệu quả giáo dục như mong muốn. Phải thẳng thắng thừa nhận một điều là tâm lý của đứa trẻ nào cũng thích sự tự do và ghét áp đặt, ép buộc.
Thay vì giáo dục rặp khuôn, cha mẹ nên cho con hiểu và thấy được giá trị từ việc chào hỏi người khác nó ý nghĩa ra sao với chúng. Mọi người sẽ đánh giá con là đứa trẻ ngoan, lễ phép, được giáo dục, người khác sẽ yêu mến, tôn trọng con và con sẽ có nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
Không những vậy người khác còn cho rằng cha mẹ, gia đình biết cách giáo dục con và cha mẹ sẽ tự hào về con. Tự thân các em nhận thức được mình cần làm gì để đẹp hơn trong mắt của người khác. Từ chỗ nhận thức đúng trẻ sẽ có thái độ tích cực hơn trong chào hỏi.
Gia đình, đặc biệt là cha mẹ chính là hình mẫu để con trẻ noi theo. Khẳng định một việc là lễ phép gật đầu chào hỏi không phải là nghĩa vụ, cũng không phải là phẩm chất sinh ra mà trẻ đã có.
Gia đình phải có trách nhiệm giáo dục phẩm chất đạo đức đó cho con trẻ, để các em biết cách thể hiện trong hành vi phải phép với những người xung quanh. Để đưa trẻ cảm nhận được sự lễ nghĩa là quá trình dạy dỗ của cha mẹ bằng giáo cụ là chính bản thân mình.
Do vậy, việc cha mẹ chào hỏi người khác, lễ phép với người lớn nên được duy trì thường xuyên và tập cho trẻ thói quen, nếp sống tích cực của gia đình. Hãy nhớ, sự lễ phép không phải đích đến, nó là hành trình của giáo dục.
Trong cuộc sống hiện đại, khi guồng quay vội vã của xã hội dễ khiến người ta hờ hững và thờ ơ với nhau, thì chuyện nhắc đến cái gật đầu chào hay lời chào hỏi chân thành dần thưa hơn so với trước đây. Nên vô tình những hình ảnh bình thường của học sinh trường Lê Hồng Phong gật đầu chào bác bảo vệ trước cổng trường đã đánh động đến trái tim nhiều người mong muốn tìm về chân giá trị có từ bao đời nay.
Rõ ràng lễ phép là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nhân cách con người, là nền tảng cho sự phát triển đa dạng tính cách của mỗi người.
Quá trình phát triển nhân cách con người chịu tác động của nhiều yếu tố như: môi trường, di truyền, giáo dục, hoạt động cá nhân, trong đó nhân tố hoạt động cá nhân giữ vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
Hãy cho trẻ trải nghiệm dưới sự hướng dẫn và định hướng từ gia đình chứ đừng để trẻ tự bơi trong xã hội nhiều nhiễu nhương và phức tạp như ngày nay.
Giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay đang đứng trước những thử thách lớn lao, khi nền kinh tế theo cơ chế thị trường đang vô cùng bề bộn. Nhiều giá trị của các nguồn văn minh thế giới ồ ạt du nhập vào chưa được gạn lọc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm, giáo dục những yếu tố đạo đức truyền thống tốt đẹp mang đậm đà bản sắc dân tộc, dù phải sử dụng đến các khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Sự lễ phép sẽ được đơm hoa kết trái khi cha mẹ hiện đại biết cách dạy con.
Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An