Cha mẹ thờ ơ dễ biến con thành những tội phạm 'ẩn mình'

08/10/2018 - 07:00

PNO - Thông tin về những nghi phạm trẻ có nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm khi đang còn ngồi ghế giảng đường hoặc mới tốt nghiệp đại học khiến dư luận bàng hoàng.

Gần đây, tỷ lệ tội phạm ở tuổi vị thành niên cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh. Ở nhiều vụ án nghiêm trọng, khi tội phạm được xác định, không chỉ người thân mà cả hàng xóm, bạn bè đều bàng hoàng, vì trước đó kẻ thủ ác vẫn được xem là đứa con ngoan hiền, hiếu thảo, được xóm giềng yêu mến. 

Cha me tho o de bien con thanh nhung toi pham 'an minh'
Gia đình có tác động quan trọng, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của người trẻ. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính?

Nếu trước kia, đa phần tội phạm trẻ thường trưởng thành ở môi trường sống, hoàn cảnh gia đình phức tạp, thì gần đây, không ít người trẻ phạm pháp lại có điều kiện, hoàn cảnh sống tốt, gia đình nền nếp. 

Thông tin về những nghi phạm trẻ có nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm khi đang còn ngồi ghế giảng đường hoặc mới tốt nghiệp đại học khiến dư luận bàng hoàng. Như vụ sinh viên sát hại người tình rồi cướp của ở khu căn hộ R. tại Hà Nội tháng 10/2017; vụ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học rủ bạn cướp xe máy ở Q.2, TP.HCM tháng 12/2017; vụ nữ sinh viên và người yêu vị thành niên dùng dao cướp shop quần áo tại Đắk Lắk tháng 5/2018; vụ sinh viên đang du học bậc thạc sĩ đi cướp trong thời gian về Việt Nam nghỉ hè tháng 5/2018… 

Bên cạnh những tác động từ môi trường sống, xã hội, internet… nhiều chuyên gia tâm lý, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học khẳng định: gia đình có tác động quan trọng, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của người trẻ.

Những con số được đưa ra trong tham luận “Người chưa thành niên phạm tội - nhìn từ góc độ phương pháp giáo dục của gia đình”, dựa trên cuộc khảo sát 100 người chưa thành niên phạm tội do tiến sĩ Đặng Thanh Nga thực hiện (trong tài liệu Hội thảo Tâm lý học khu vực Đông Nam Á), khiến không ít người giật mình: 40% trẻ thừa nhận luôn được cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu. 53% trẻ có cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con phải làm bất cứ việc gì giúp cha mẹ, 41% trẻ cảm nhận mình là trung tâm của gia đình. 

Ở thái cực đối lập, 41% trẻ luôn bị bắt phải tuyệt đối phục tùng ý kiến của cha mẹ; 37% trẻ có cha mẹ không cho phép con cái được tranh luận. 28% trẻ bị cha mẹ mắng chửi, đánh đập khi mắc lỗi dù rất nhỏ, 22% trẻ có cha mẹ thường nổi cáu và 19% trẻ bị cha mẹ chửi mắng hoặc có hành vi bạo lực khi có chuyện buồn bực. 

Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia nghiên cứu tội phạm học chia sẻ: “Dư luận băn khoăn, vì sao có những gia đình nền nếp, nhưng khi những đứa con ngoan của gia đình đó bước ra ngoài xã hội lại có thể phạm tội nghiêm trọng? Phải chăng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính?”. Tôi cho rằng, với xung quanh, có thể đó là một gia đình nền nếp, nhưng trong sinh hoạt gia đình, cách xử sự giữa các thành viên chưa hẳn đúng đắn hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ người trong nhà mới biết. Những hành động, hình ảnh xấu tác động mạnh vào tâm lý, nhận thức của con trẻ. Hoặc trẻ nhận ra những nhân cách “khác lạ” trong gia đình và chống đối, phản kháng theo cách riêng. Thực tế, có nhiều trẻ ở nhà rất ngoan, nhưng khi bước ra khỏi cửa lại hoàn toàn khác”.

Một thế giới chúng ta… không biết gì

Trẻ ngày nay phát triển sớm hơn so với thế hệ trước. Xu hướng xã hội mở, nhiều kênh thông tin, nhiều xu hướng xã hội tác động đa chiều vào tâm lý, nhận thức, tình cảm, suy nghĩ của giới trẻ. Những nghiên cứu tâm lý, điều tra xã hội học đều cho thấy, giới trẻ ngày nay tiếp nhận thông tin rất nhanh, gia đình lại không thể kiểm soát hết tất cả các kênh thông tin tác động đến trẻ. 

Chị Thu Huyền, nhân viên một công ty tài chính từng thảng thốt khi thấy đứa con gái 9 tuổi xem trò chơi giải cứu con tin trên điện thoại. Hình ảnh của đoạn clip hệt như thật, mô tả từ lúc con tin bị khống chế bằng dao đến khi kẻ khống chế con tin bị tiêu diệt bằng một viên đạn bắn vào đầu. Con gái cho biết, bé chỉ xem trò chơi này để được nhận kim cương cho trò chơi nông trại.

Kiểm tra lại trò chơi của con, chị Thu Huyền càng hoảng hốt hơn khi phát hiện trong lúc con gái chơi trò chơi tưởng chừng vô hại, những đường dẫn của các trò chơi khác liên tục hiện ra, mời chào người chơi click vào để nhận quà cho game đang chơi. Những hình ảnh đầy bạo lực của trò chơi chạy trên máy khoảng 60-90 giây và con chị phải chờ xem hết mới được nhận phần thưởng. 

Quá nhiều cạm bẫy từ bạn bè, môi trường xung quanh, trong khi người trẻ lại chưa đủ kinh nghiệm, kỹ năng, trải nghiệm… để nhìn nhận chính xác về các vấn đề xã hội. Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn phân tích: “Ở lứa tuổi thích phiêu lưu, thích thể hiện bản thân, chạy theo xu hướng của bạn bè, người trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên dễ bị rủ rê, lôi kéo vào những hiện tượng xấu. Khi chưa đủ bản lĩnh và chưa hoàn thiện về nhân cách, người trẻ dễ có những hành động bản năng, tự nhiên, tự phát theo những tác động bên ngoài và nhu cầu bên trong. Điều này dẫn đến những hành động nguy hiểm, khó lường”. 

Thay vì nhồi nhét, bắt con học quá nhiều kiến thức văn hóa, hiện nhiều cha mẹ hiểu biết đã có xu hướng trang bị cho con kỹ năng sống. Bởi trẻ có kỹ năng sống tốt sẽ chủ động hơn trong việc tự kiềm chế, điều chỉnh bản thân theo những chuẩn mực, đạo đức của cuộc sống và hạn chế được những tác động xấu từ môi trường, bạn bè. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI