Cha mẹ, thầy cô cần làm gương cho con trẻ

24/10/2024 - 06:21

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Theo ông, để ngăn chặn tình trạng này, vai trò giáo dục của gia đình là rất quan trọng.

 Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Phóng viên: Thời gian qua, các vụ bạo lực học đường liên tục xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội, ngành GD-ĐT, là mối quan tâm, lo lắng của từng trường, từng gia đình, từng học sinh. Trước đây, khi mạng xã hội chưa phát triển, những vụ việc này có xảy ra nhưng không nhiều. Những năm gần đây, bạo lực học đường diễn biến khá phức tạp, tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Học sinh gây bạo lực có thể do bị tác động từ sự thiếu gương mẫu, thiếu kiềm chế của người lớn trong xã hội hoặc từ việc cha mẹ không hòa thuận, thường xuyên gây gổ, cãi nhau.

* Để ngăn ngừa, kéo giảm, chặn đứng tình trạng này, gia đình và nhà trường cần làm gì, thưa ông?

- Theo tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường - đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm của lớp. Trong gia đình, cha mẹ không nên chỉ dùng lời nói mà nên dùng sự gương mẫu của mình để răn dạy con. Cha mẹ phải dành thời gian gần gũi, nắm bắt tâm tư, sự diễn biến trong hành vi, tư tưởng của con để có biện pháp giáo dục thích hợp. Cha mẹ phải tạo được không khí ấm áp, thân tình giữa các thành viên trong gia đình để con sẵn sàng chia sẻ những vấn đề đang gặp phải. Khi phát hiện con cái chơi cùng bạn xấu, cha mẹ không nên cấm đoán một cách máy móc mà cần có cách trao đổi, định hướng phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của con.

Đối với nhà trường, thầy cô giáo cần thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, kịp thời phát hiện những thay đổi tiêu cực, những mâu thuẫn phát sinh để hòa giải, ngăn ngừa các hành vi bạo lực. Giáo viên cần chú ý đến sự tiến bộ của học sinh để động viên. Nhà trường nên uốn nắn học sinh thông qua những bài học đạo đức, pháp luật. Ngoài các tiết học chính khóa, trường nên phát triển các hoạt động ngoài giờ để học sinh gắn kết, thân thiết với bạn bè cùng lớp, cùng trường hoặc đưa học sinh đến các cơ sở xã hội như trại trẻ mồ côi để học sinh thấy được những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, từ đó trân trọng cuộc sống, cố gắng phát triển hơn.

Một vấn đề đáng quan ngại là khi thấy bạn bè đánh nhau, một số học sinh không can ngăn mà còn đứng hô hào, cổ vũ hoặc quay clip. Để khắc phục, bên cạnh việc xử lý người có hành vi bạo lực, nhà trường cũng cần nhắc nhở những học sinh thờ ơ hoặc cổ xúy cho bạo lực. Nên hướng dẫn học sinh nếu không dám can ngăn thì có thể hô hoán hoặc tìm người có trách nhiệm để nhờ giúp đỡ.

* Hiện nay, bạo lực không chỉ giữa học sinh với nhau mà còn xảy ra giữa lãnh đạo nhà trường với giáo viên, giữa giáo viên với nhau, giữa giáo viên với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên, giữa phụ huynh với bạn học của con… Ông có ý kiến gì về hiện trạng này?

- Học sinh ở lứa tuổi bồng bột, thiếu kiềm chế nên cần sự giúp đỡ của người lớn. Nhưng hiện nay, người lớn cũng có những hành vi bạo lực trong môi trường học đường. Đây là điều hết sức đáng tiếc. Không ít vụ giáo viên đánh học sinh, và còn có cả trường hợp phụ huynh đánh giáo viên, giáo viên đánh nhau, hiệu trưởng đánh giáo viên đã xảy ra. Họ là những người lớn, có những hiểu biết nhất định, có vốn sống, nên khi đứng trước mâu thuẫn, lẽ ra phải hết sức kiềm chế, bình tĩnh giải quyết.

Tôi quan niệm rằng, sư là thầy, phạm là khuôn khổ. Đứng trong hàng ngũ sư phạm, người thầy phải tuân theo khuôn khổ nhất định. Có những việc mà luật pháp không cấm, người khác làm được nhưng nhà giáo lại không nên làm, chẳng hạn như nhậu nhẹt quá chén hoặc có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực đạo đức. Những việc này đánh mất phẩm giá, sự gương mẫu của người thầy, góp phần làm giảm sự tôn trọng của học sinh với người thầy. Như vậy, để rèn dạy học sinh, nhất là để giảm thiểu bạo lực học đường, người thầy phải làm gương, phải biết tự kiềm chế trong mọi hoàn cảnh.

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI