Uống sữa thay nước
Cùng con trai là bé P.M.M. (7 tuổi) ngồi đợi cân, đo để tầm soát tăng trưởng chiều cao ở Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM, chị Hoàng Thị Kiều (38 tuổi, ở quận 5, TPHCM) liên tục chỉ những trẻ cao hơn rồi yêu cầu con uống hết hộp sữa mang theo. “Chỉ có uống sữa mới cao bằng bạn” - chị Kiều nói với con.
|
Bác sĩ tư vấn cho chị Nguyễn Thị Thanh Mai về chiều cao của bé M.U. ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương |
Khi bé M. vừa sinh, chiều dài, cân nặng của bé đều vượt trội so với các bé sơ sinh. Chị cho biết: “Cứ mỗi 1-2 tháng tôi đo chiều dài cho con 1 lần cho tới năm bé 2 tuổi. Bé đều đạt mức tiêu chuẩn. Thậm chí, đến năm con tôi lên 4 tuổi, bé đã cao bằng em bé 6 tuổi. Vì vậy, tôi rất yên tâm với chế độ dinh dưỡng mà mình đã áp dụng cho con. Đó là nhiều protein, uống sữa thay nước. Nhưng bây giờ con tôi lại thấp nên tôi đưa bé đi tầm soát nguyên nhân”.
Sau khi đo chiều cao, nhân viên y tế cho biết bé M. cao 134,5cm. Được xếp vào nhóm các bé có chiều cao tăng trưởng tốt (tiêu chuẩn quốc tế là khoảng 111-132cm). Nghe vậy, chị Kiều có vẻ không vui: “Nếu cao hơn tiêu chuẩn, sao con tôi lại thấp hơn bạn cùng lớp?”. Tuy nhiên, khi bác sĩ tiếp tục tìm hiểu, chị Kiều cho biết bé cao thứ ba trong lớp nên chị chưa hài lòng.
Dẫn 2 con gái N.B.M.U. (9 tuổi), N.N.M.A. (12 tuổi) đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tầm soát chiều cao, chị Nguyễn Thị Thanh Mai (ở Gò Vấp, TPHCM) cho biết: bé A. đang cao đến gần 1,5m thì bị chững lại mặc dù chế độ ăn uống, sinh hoạt vẫn bình thường. Còn bé M.U. năm vừa rồi thấp nhất lớp, chị cho bé đi học thêm khóa học tăng trưởng chiều cao thì có cải thiện. Chị muốn đưa con đến khám và nhờ bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.
“Cả 2 bé nhà tôi từ nhỏ đến 2 tuổi chỉ uống sữa mẹ. Sau đó các bé có chế độ ăn bình thường như những trẻ khác. Thậm chí cả 2 đều không thích uống sữa nữa nên tôi tăng chất đạm, rau củ bổ sung thêm. Việc con không thích uống sữa khiến tôi có một chút lo lắng về việc con sẽ thấp bé. Hiện tại, tôi chỉ cố gắng tăng cường các lớp tập tăng chiều cao cho con để bù lại” - chị Mai chia sẻ.
Theo bé M.U., lớp học tăng chiều cao có nhiều môn vận động như chạy bộ, chơi bóng rổ, nhảy cao… “Năm trước con… lùn nhất lớp, năm nay thì con đã cao hơn một số bạn. Con cũng cảm thấy tự tin hơn” - bé M.U. cười.
Dinh dưỡng cân đối, vận động phù hợp
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tính đến hiện tại đã có hơn 2.000 trẻ được cha mẹ đưa đến tầm soát chiều cao. Trong đó có gần 200 trẻ được chẩn đoán thiếu hoóc môn tăng trưởng (GH). Trong năm 2022, gần 400 trẻ đăng ký tầm soát, có 25 trẻ được điều trị bằng GH.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, GH… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.
Ngày nay, phụ huynh ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Đa số cha mẹ tìm hiểu rất kỹ về quá trình tăng trưởng của con nhưng cũng có nhiều phụ huynh chưa hiểu đúng, đủ các yếu tố liên quan. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con thấp bé chủ yếu do chưa đủ dinh dưỡng. Thực ra quan trọng nhất là trẻ có mắc chứng chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH hay không.
Cũng có trường hợp trẻ đã cao đạt hoặc hơn mức tăng trưởng chiều cao trung bình nhưng cha mẹ vẫn muốn “ép” con cao lớn thêm nữa bởi phụ huynh tự cảm thấy con chưa cao đúng như mong đợi. Có cha mẹ thay nước bằng sữa, cho con uống xuyên suốt từ bé đến giai đoạn dậy thì; cũng có phụ huynh liên tục bổ sung các vi chất, thực phẩm chức năng hay viên uống tăng chiều cao, các loại thực phẩm bổ sung canxi, vitamin D với hy vọng sẽ giúp trẻ cao lớn; áp dụng chế độ ăn nhiều đạm, chất béo…
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào một nhóm chất dù được đánh giá là tốt cho tăng trưởng, trẻ cũng sẽ không thể phát triển chiều cao được. Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, thực hiện chẩn đoán hình ảnh… nhằm xác định có chậm tăng trưởng hay không. Tùy theo từng trẻ, độ tuổi, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, cùng các bài tập thể thao, hoạt động phù hợp. Từ đó, quá trình phát triển của trẻ mới đạt hiệu quả.
Bất kỳ các chất nào, nếu quá dư thừa cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Chưa kể việc bổ sung các sản phẩm, chế phẩm được rao bán trên mạng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ẩn chứa nhiều tác dụng phụ sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều cha mẹ hay thúc ép trẻ ăn thực phẩm có nhiều đạm, chất béo để mau cao lớn, điều này là hoàn toàn sai lầm. Trẻ chỉ cần được bổ sung dinh dưỡng cân bằng, hợp lý theo thể trạng và sự phát triển là đủ.
Theo đó, các bữa ăn chính của trẻ cần đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm nhóm giàu chất bột, nhóm giàu chất béo, nhóm giàu chất đạm và nhóm giàu vitamin, khoáng, chất xơ như rau, quả… Cha mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm bữa phụ bằng bánh, sữa… Nên cho trẻ ăn đúng giờ, đủ dinh dưỡng, phân chia thành những bữa ăn nhỏ, giúp quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, giảm sự tích trữ chất béo trong cơ thể.
Khi nào trẻ cần tầm soát chiều cao? Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó có 2 giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Mặt khác, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu đường biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống hoặc tốc độ tăng trưởng thấp hơn 4cm/năm - đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng - thì rất có thể, trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hoóc môn tăng trưởng. Lúc này, trẻ nên được đưa đi khám nội tiết sớm. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng, hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm (dưới 4 - 6cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ (ở nam)… Một số trẻ có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỉ lệ cơ thể bình thường. Nếu trẻ có các biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nội tiết thăm khám nhằm phát hiện và điều trị kịp thời để trẻ bắt kịp chiều cao mong muốn. |
Phạm An