Kể công với con
Dấu hiệu đầu tiên nhận biết cha mẹ sĩ diện là kể công với con và đòi hỏi đứa trẻ có trách nhiệm với sự hy sinh của mình. Tâm lý chung của trẻ, khi nghe cha mẹ kể công lao vất vả của họ để chăm lo cho mình sẽ khiến trẻ cảm thấy có lỗi với cha mẹ. Từ đó trẻ cố gắng bù đắp lại sự hy sinh ấy bằng cách luôn làm hài lòng cha mẹ. Nhưng sự cố gắng nào cũng có giới hạn của nó, khi đứa trẻ mang trong mình mặc cảm tội lỗi nhiều quá, trẻ sẽ cảm thấy bất an, sợ hãi, dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc em N.T. cảm nhận những cơn đau đầu như búa bổ. Em sợ đến trường, mặc dù trước đó vài ngày em còn háo hức mong đến ngày gặp lại thầy cô, bạn bè. Gia đình đưa em đi khám, chụp MRI kiểm tra, xét nghiệm đủ thứ nhưng không tìm ra bệnh lý.
Em được chỉ định về nhà nghỉ ngơi, thư giãn, tránh áp lực, nhưng càng gần đến ngày tựu trường, cơn đau đầu càng kéo đến nhiều hơn. N.T. được đưa đến tham vấn tâm lý, em tâm sự, cơn đau đầu xuất hiện từ hơn nửa năm nay.
Thời điểm trước khi nghỉ hè, em bị đau đầu nhưng tần suất và cơn đau ít hơn lúc này. Khi được hỏi về các sự kiện diễn ra trước khi cơn đau đầu kéo đến, em mím chặt môi, mặt cúi xuống, hai bàn tay siết chặt vào nhau.
Thật lâu em thổn thức trong tiếng khóc, em muốn chuyển trường, em không muốn tiếp tục học ở trường hiện tại vì nó quá tốn kém. Mẹ bảo, mẹ đủ khả năng lo cho em, em phải học ở đó thì mới có cơ hội đi du học, nếu em không đi du học được là thất bại của cả gia đình. Mỗi ngày, mẹ đều than vãn, kể công với em rằng, mẹ nhịn ăn nhịn mặc để em được học trường quốc tế. Mỗi lần nghe mẹ kêu ca, em muốn phát điên.
Chưa kể, khi em bị điểm kém hoặc giáo viên gọi về than phiền, thì mẹ khóc bù lu bù loa, trách móc em học hành tốn kém tiền bạc của mẹ mà không thương mẹ, phản bội sự hy sinh của mẹ dành cho em. Thực sự em rất yêu mẹ, em luôn cố gắng làm cho mẹ vui, nhưng em không chịu nổi những lời kể công của mẹ. Em chỉ muốn học một ngôi trường bình thường, học phí thấp thôi cho mẹ đỡ vất vả. Em chia sẻ thì mẹ tức giận cho rằng em chống đối mẹ rồi trách móc, chửi mắng em
thậm tệ.
Dồn nén và chịu đựng kéo dài khiến N.T. luôn sống trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Năm học trước, để tự giúp mình thoát khỏi áp lực, sau giờ học em nói dối mẹ đi học nhóm, nhưng thực tế em đi làm phục vụ ở một quán cà phê gần trường. “Em muốn tự túc tiền tiêu vặt. Em không muốn xin mẹ. Vì mỗi lần cho tiền mẹ lại ca cẩm “điệp khúc” cũ, mỗi lần như vậy thì cơn đau đầu của em lại kéo đến...” - N.T. chia sẻ.
|
Ảnh minh họa |
Than thở dưới lớp vỏ tâm sự
Khác với N.T., cảm nhận của H.M về mẹ không xuất phát từ lời than vãn, kể công mà bằng những lời tâm sự, nỉ non, khiến đứa trẻ 13 tuổi luôn cảm nhận mình phải có trách nhiệm với mẹ.
H.M. kể, em rất tự hào về mẹ. Mẹ có hai bằng đại học loại giỏi, mẹ từng có thu nhập hơn 50 triệu đồng một tháng, nhưng từ lúc sinh em, mẹ đã từ bỏ sự nghiệp ở nhà chăm sóc em. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì tương lai của em, nên em không được phụ lòng mẹ. Hỏi ra mới biết, đó là những lời tâm sự mỗi ngày của mẹ với H.M., và cái không được phụ lòng mẹ của H.M. là em phải học ngày học đêm.
Em học tất cả những gì mẹ đòi hỏi, bất kể em có yêu thích hay không. Sau giờ học chính khóa, chưa kịp ăn bữa xế tại trường, em đã vội đến lớp học tiếng Anh, tối về thì học thêm các môn học trên trường, ngày cuối tuần lại dành thời gian cho lớp tiếng Nhật. Với em, việc học tiếng Nhật như một cực hình, nhưng em không dám nói vì sợ mẹ buồn. Em tâm sự, mẹ bảo phải biết nhiều ngoại ngữ mới kiếm được nhiều tiền.
Dồn hết thời gian cho việc học, H.M. không còn thời gian để vui chơi với bạn bè. Trong lớp, em thường thu mình vào một góc. Em không kết nối với bạn bè, luôn sợ người khác nhận xét về mình, thậm chí khi bị bắt nạt em cũng không dám phản ứng lại. Mỗi hành động của em đều thể hiện sự chấp nhận thua thiệt, cam chịu về phía mình, như cách em hành xử trong gia đình là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.
Nhiều người nghĩ rằng, khi đứa trẻ hiểu được vất vả của cha mẹ và lấy đó làm động lực học tập là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện đứa trẻ trưởng thành và hiếu thảo với cha mẹ. Điều đó chỉ đúng khi đó là cảm nhận thực sự của đứa trẻ mà không đến từ sự dạy dỗ, hay hoàn cảnh ép buộc.
Bởi thực tế, chỉ có trẻ mới hiểu được rằng nó mệt mỏi như thế nào khi không được sống thật với lứa tuổi của mình, và phải gồng gánh một trọng trách từ sĩ diện mang danh nghĩa hy sinh của cha mẹ. Như N.T. với những cơn đau đầu triền miên vì mặc cảm tội lỗi, hay như H.M. phải gạt bỏ hết những nhu cầu của bản thân để làm hài lòng tất cả mọi người.
Trẻ cần được yêu thương vô điều kiện
Khi cha mẹ đặt lên vai con cái gánh nặng phải có trách nhiệm với sự hy sinh của mình là cha mẹ đang giam con mình trong nhà tù do chính mình dựng lên, được ngụy trang bởi sự quan tâm và yêu thương. Với các bậc cha mẹ này, con cái là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của họ, vì vậy họ đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vào trẻ. Đặc biệt đối với cha mẹ từng thất bại trên con đường sự nghiệp của mình, họ càng coi đứa con là dự án quan trọng nhất của đời mình nên đầu tư càng nhiều hơn.
Điểm chung lớn nhất của các bậc cha mẹ này là coi đứa trẻ như sự nối dài của bản thân, họ không nhìn vào mong muốn, cảm xúc và nhu cầu của trẻ, mà chỉ mong muốn thỏa mãn nhu cầu của mình. Mẹ của N.T. mong muốn con mình đi du học, vì không đi du học là thất bại của cả gia đình. H.M. mỗi lần học tiếng Nhật là cảm thấy tức giận, nhưng vì mẹ bảo để kiếm được nhiều tiền thì phải giỏi nhiều ngoại ngữ, em vẫn cố học.
Trong tâm lý học, những bậc cha mẹ này được gọi là ái kỷ - tức là yêu bản thân thái quá, tính ái kỷ của cha mẹ sĩ diện hoặc được ngụy trang dưới cái mác tất cả vì con, hoặc nó được đặt trong một hệ giá trị đạo đức để lý giải cho các trói buộc con cái phải có trách nhiệm làm cha mẹ hãnh diện hay đền đáp sự hy sinh của cha mẹ.
Trẻ lớn lên trong gia đình sĩ diện mang lại những chấn thương tâm lý vô cùng to lớn. Bởi từ rất sớm, trẻ hiểu được rằng để có được tình yêu thương của cha mẹ, trẻ phải làm theo ý họ, luôn làm cha mẹ hài lòng. Vì vậy, để nhận được tình thương của cha mẹ, trẻ cố gắng chạy theo nhu cầu của họ cho đến lúc kiệt sức. Trẻ không dám khám phá bản thân và luôn bám víu vào thành tích học tập của mình để tìm chút ý nghĩa. Với những đứa trẻ này, khi lớn lên, trẻ sẽ thấy xa lạ với chính mình, bởi trẻ được dạy rằng cảm xúc, nhu cầu của bản thân là ích kỷ... Đồng thời trẻ dễ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết, lành mạnh.
Vì thế, trẻ em cần được yêu thương vô điều kiện, chỉ có tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ mới giúp con cái được phát triển một cách lành mạnh và trọn vẹn.
Linh Giang