Cha mẹ sai lầm khiến trẻ giảm thị lực

20/07/2018 - 11:36

PNO - Ghi nhận tại các bệnh viện mắt, từ đầu hè đến nay có rất nhiều cha mẹ đưa con đến kiểm tra thị lực, trong đó không ít trẻ được bác sĩ chẩn đoán cận thị hoặc viễn thị 3 độ, 5 độ.

Thậm chí có trẻ bị viễn thị đến 8 độ mà cha mẹ không biết. Hoặc có trẻ quay lại tái khám với tình trạng nặng hơn do cha mẹ chủ quan. 

Trẻ giảm thị lực, cha mẹ không biết 

Sáng 18/7, anh Nguyễn Nhất T., ở tỉnh Đồng Nai, gọi điện đến Báo Phụ nữ TP.HCM, bày tỏ lo lắng: “Con gái tôi 5 tuổi, mới đi khám mắt ở bệnh viện Mắt TP.HCM, bác sĩ ghi bị “dị tật khúc xạ”,  bị cận thị 3.5 độ ở cả hai mắt. Bác sĩ cho đeo kính và hẹn ba tháng sau tái khám. Nhưng về vợ tôi nghe hàng xóm nói, dị tật khúc xạ thì sau này sẽ bị mù nên khóc hôm qua đến giờ. Giờ vợ chồng tôi phải làm sao, bệnh cận thị của con tôi trị có hết không?”.

Những nỗi lo như vợ chồng anh T. ngày càng nhiều. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hồng - người có gần 30 năm công tác ở Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết: “Có nhiều phụ huynh thờ ơ đến mức khi đưa con đến bệnh viện khám mắt thì bé đã giảm thị lực một thời gian vì bị tật khúc xạ mà cha mẹ không hay biết hoặc nghĩ bình thường”.

Cha me sai lam khien tre giam thi luc
Phụ huynh cho trẻ kiểm tra nhằm phát hiện tật khúc xạ và lé kịp thời, điều trị sớm để giữ thị lực cho trẻ

Điển hình mới đây, vợ chồng chị Lâm Thu S., ở Q.11 (TP.HCM) vừa trải qua những ngày dằn vặt vì con gái sáu tuổi đi khám ở Bệnh viện Mắt TP.HCM được chẩn đoán viễn thị 6 độ mắt trái, 7 độ mắt phải và loạn 3 độ cả hai mắt. Điều đáng nói là bé bị lé - dấu hiệu cảnh báo mắt có vấn đề nhưng vợ chồng chị S. đều nghĩ bình thường.

Chị S. kể: “Khi con được hai tuổi, tôi đã thấy mắt con bị lé. Gần đây, thấy con hay bị vấp té, xem ti vi thì nghiêng đầu, nhíu mắt rồi than nhức mắt. Khi bé bị ho, tôi đưa ra phòng khám ở gần nhà, bác sĩ thấy mắt bé bị vậy nên khuyên đưa đi khám mắt. Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, bác sĩ lý giải do bé bị viễn thị nặng nên phải co cơ điều tiết để nhìn rõ, dẫn đến bị lé trong (lé do điều tiết), bây giờ phải mang kính dày cộp. Buồn nhất là thị lực của con không hồi phục như cũ”. 

Cha mẹ sai lầm, con lãnh đủ

Ở người lớn, sự thay đổi của thị lực dễ dàng nhận ra nhưng với trẻ nhỏ, các bé không biết bày tỏ. Vì vậy, việc phát hiện trẻ bị tật khúc xạ vai trò của cha mẹ là chính. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ đưa trẻ đến khám khi đã khá nặng, như khi con đi học không nhìn thấy chữ trên bảng… 

Thêm vào đó, có những quan niệm sai lầm của cha mẹ đã khiến trẻ bị ảnh hưởng thị lực. Theo bác sĩ Xuân Hồng, quan niệm sai lầm phổ biến của phụ huynh cho rằng, lé là bình thường. Trong khi đó, lé nếu không phát hiện và điều trị trước ba tuổi thì trẻ không thể phục hồi được thị lực. Một sai lầm thường gặp khác là cha mẹ tự làm bác sĩ cho con. “Một số trẻ có tật khúc xạ nặng mà các bà mẹ cứ theo các chỉ dẫn vô căn cứ trên mạng nên không cho con đeo kính sớm, rồi tập nhìn này nọ cho đến khi trẻ đi học không thấy đường mới cho đi khám đeo kính thì nhiều khi nhược thị sâu, điều trị không đạt hiệu quả nhiều”, bác sĩ Xuân Hồng chia sẻ. 

Thậm chí, trên mạng còn bày cách tự nhỏ thuốc Atropine - là thuốc làm liệt điều tiết để chữa cận thị. Trong khi đó, thuốc này chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ và dùng với hàm lượng thấp. Còn dùng lâu với hàm lượng cao, đặc biệt là với trẻ em có thể gây kích ứng tại chỗ, xung huyết, phù, viêm kết mạc và bị chói mắt, sợ ánh sáng.

Nguy hiểm hơn là nhiều cha mẹ tìm đến các phương pháp trị tật khúc xạ không dùng thuốc, kính. Hiện trên mạng, có rất nhiều lời chỉ dẫn chữa tật khúc xạ cho trẻ bằng cách tô màu, massage huyệt thừa khúc, bấm huyệt... Hậu quả, chỉ vài tháng sau, thị lực của con ngày càng giảm, mắt càng mỏi hơn. Đi khám lại, bác sĩ thông báo độ tăng lên - cha mẹ chỉ còn tự trách mình.

Để phòng ngừa tật khúc xạ ở trẻ em, bác sĩ Xuân Hồng khuyên: “Khi thấy trẻ có dấu hiệu lé, mỏi mắt, nhức mắt, nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa đến chuyên khoa mắt khám ngay. Thậm chí, khi mắt con bình thường, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến chuyên khoa mắt để kiểm tra để phát hiện tật khúc xạ và lé kịp thời, điều trị sớm để giữ thị lực cho trẻ”. 

Theo một số công trình nghiên cứu, khoảng 25 - 40% trẻ em ở thành thị và 10 - 15% trẻ ở nông thôn mắc các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị...).  Các chuyên gia mắt cho biết: phần lớn phụ huynh đưa trẻ đến khám mắt trong tình trạng mắt yếu, nhìn khi tỏ khi mờ, khi đó việc điều trị kéo dài và tốn kém.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI