Cha mẹ quá khắc nghiệt, không cho con về nhà

30/03/2025 - 06:48

PNO - Khi gặp khó khăn, nhiều bậc cha mẹ thường trách mắng con thay vì an ủi không phải vì không thương, mà vì họ không biết cách thể hiện sự lo lắng.

Con chào cô HD,

Đã 2 tuần rồi con chưa về nhà được. 2 tuần trước, lúc đi chơi buổi tối, con bị giật mất túi xách trong đó có nhiều tiền, điện thoại và tất cả giấy tờ tùy thân.

Cha mẹ con rất khó khăn. Khi con về, cha mẹ lại mắng chửi con. Bây giờ, mẹ không cho con về nhà, bảo con kiếm tiền lại được rồi mới cho về.

Con được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và đã khóc tới mức bị thương giác mạc. Con đang cùng đường.

T.M

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cháu T.M thân mến,

Đọc thư cháu, Hạnh Dung rất thắc mắc không hiểu cháu bao nhiêu tuổi. Bởi tư vấn cho cháu nên làm thế nào để mọi việc tốt hơn cũng phụ thuộc vào lứa tuổi của cháu. Và còn một điều khiến Hạnh Dung băn khoăn, lo lắng là cháu đang ở đâu khi bị cha mẹ "cấm cửa".

Hy vọng cháu đang có một nơi trú thân an toàn vì như vậy cháu mới có thể viết thư tìm sự giúp đỡ từ Hạnh Dung.

Nhưng dù nay cháu đã trưởng thành, đi làm hay còn đi học, việc cháu cảm thấy mình không còn nơi nào để dựa vào là điều rất đáng suy nghĩ. Cháu đừng bao giờ nghĩ mình cùng đường vì chắc chắn xung quanh cháu còn nhiều người thân và nhiều cách để giải quyết xung đột với cha mẹ.

Trước hết, cháu hãy bình tĩnh lại để chăm sóc sức khỏe bản thân. Việc khóc nhiều đến mức bị thương giác mạc cho thấy cháu đang chịu áp lực rất lớn. Hãy cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Nếu có thể, cháu nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế cho cả vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Nếu cháu đang được chẩn đoán trầm cảm, việc điều trị và có người hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Nếu không có ai để chia sẻ, có thể cháu phải tìm đến một chuyên gia tâm lý hoặc một người thân mà cháu tin tưởng.

Về vấn đề gia đình, có thể cha mẹ cháu phản ứng khắc nghiệt như vậy vì họ thất vọng về cháu và muốn nhân cơ hội này cho cháu một bài học về việc chịu trách nhiệm trước những hậu qua mình gây ra.

Cháu hãy thử tìm hiểu xem có phải vì cha mẹ cũng đang chịu áp lực tài chính và tình huống đó khiến cha mẹ cháu càng thấy nặng nề, mệt mỏi. Khi gặp khó khăn, nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng trách mắng thay vì an ủi, không phải vì không thương con mà vì họ không biết cách thể hiện sự lo lắng.

Trong một vài trường hợp, Hạnh Dung thấy cha mẹ nói vậy mà không phải vậy, nghĩa là nói cấm, đuổi... nhưng thật ra đang chờ đợi con quay về. Nghĩa là nếu cháu cứ về thì chắc cha mẹ cũng không bao giờ đóng cửa lại trước mặt cháu.

Hãy về nhà, xin lỗi, trình bày với cha mẹ lý do khiến cháu làm mất tài sản và cách khắc phục hậu quả... Hãy nói thật với cha mẹ tình trạng tinh thần và sức khỏe của cháu để cha mẹ nhẹ nhàng hơn.

Cháu có thể nhờ người thân hoặc một người cha mẹ cháu tin tưởng để cùng về nói giúp cháu. Đôi khi, một lời can thiệp từ bên ngoài có thể giúp cha mẹ cháu bình tĩnh hơn và suy nghĩ lại.

Nếu cháu chưa thể quay về ngay, hãy tìm một nơi an toàn để ở tạm, có thể là nhà bạn bè, họ hàng, thậm chí là một tổ chức xã hội, nhà an toàn hỗ trợ cho trẻ em...

Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng cháu không nên gánh mọi thứ một mình, đừng để bản thân cảm thấy cô độc và bế tắc. Có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ cháu, chỉ cần cháu mở lòng tìm kiếm sự hỗ trợ. Hãy vững vàng, cháu nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI