PNO - Chăm sóc con trong mùa dịch, không chỉ là chăm sóc về dinh dưỡng, thể chất mà còn phải chú ý đến cả sức khỏe tinh thần, tâm lý giới tính của trẻ.
Ngày 17/4, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Kao Việt Nam và Hội LHPN Q.6 tổ chức buổi tọa đàm “Chăm sóc con trong mùa dịch”. Với gương mặt phiền muộn, chị N.T.M. (ngụ P.10, Q.6) cùng con trai ngồi ở góc cuối hội trường. Chị M. kể, chị muốn đưa cả con trai đến với chương trình, nhưng con lại nhất quyết không đi.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân tư vấn riêng cho mẹ con chị M.
17 tuổi, lẽ ra mùa hè tới đây cháu T., con chị M., sẽ vào học lớp 11, nhưng cháu đang bị mất căn bản trầm trọng, nhất là lượng kiến thức phải học online trong mùa dịch - đây cũng là thời gian cháu bị cuốn vào game và ngày càng trở nên “câm nín” với mọi người. Giờ đây, mỗi khi chị M. bắt chuyện với con, chị luôn nhận được thái độ cộc cằn, quạu quọ từ con, thậm chí là phản đối như phá đồ đạc.
Chị M. làm công nhân giày da, còn chồng làm phụ hồ. Đứa con lớn đã đi nghĩa vụ, nên chị muốn dành mọi sự thương yêu chăm sóc, đầu tư cho cháu T. học hành đến nơi đến chốn. Lương công nhân không nhiều, nhưng hằng tháng chị cố gắng dành ra hơn 2 triệu đồng để thuê gia sư về nhà kèm con học. Nhưng rồi gia sư cũng nản vì T. chỉ lặng thinh, không tương tác. “Ở trường, thầy giáo nói nó không làm quen, không tiếp xúc với ai. Tôi mua cái điện thoại để ở nhà nhưng gọi nó không thèm nghe máy, tôi đi làm về gọi nó cũng không ừ hử. Tôi không hiểu sao nó kỳ cục, cứng đầu như vậy” - chị M. kể bất lực. Còn T. im lặng ngồi bên mẹ. Khi được gặng hỏi, em kể, hiện tại em đang học lớp 10 song song với chương trình đào tạo nghề công nghệ thông tin. Nhưng đó là do ba mẹ “chọn giùm” và bắt học chứ bản thân em không biết mình thích gì.
“Chị có bao giờ tìm hiểu tại sao con lại “kỳ cục” như vậy không?” - thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM - hỏi chị M. Chị ngập ngừng lắc đầu vì “tiếp cận con khó quá”. Lời giải của thạc sĩ Huân cho trường hợp của mẹ con chị M. là: “Đôi khi chính người lớn, vì khoảng cách thế hệ, nên luôn cho rằng những thay đổi của con là bất thường, nhưng thực chất những thay đổi này ở trẻ là bình thường, đúng với quy luật phát triển. Cha mẹ có lúc không theo kịp sự thay đổi của con…".
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các nữ công nhân, lao động nhập cư - Clip: Trang Thư - Thiên Ân
Theo thạc sĩ Huân, trong thực tế, có thể ba mẹ thấy con mình bướng bỉnh, khó dạy, nhưng điều đó không đồng nghĩa là con hư, mà là con đang có những xáo trộn và cần được tôn trọng. “Cha mẹ nên hỏi ý kiến thay vì bắt ép con phải làm thế này, thế kia. Nếu cha mẹ luôn lấy mệnh lệnh để nói chuyện với con, nhất là trong độ tuổi dậy thì, sẽ gặp phải nhiều mâu thuẫn và trẻ sẽ dần xa rời cha mẹ” - thạc sĩ Lê Minh Huân nói.
Trẻ bị bạo lực nhiều hơn trong mùa dịch
Cùng với những câu chuyện cụ thể từ các gia đình, khách mời đã nêu ra những con số nhức nhối về vấn nạn bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Theo số liệu của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc UN WOMEN, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300% trong mùa dịch bệnh. Tại Việt Nam, 21 triệu trẻ em không được đến trường, bị cách ly ở nhà trong thời gian dài đã tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn. Điều đau xót là khi con trẻ trở thành nạn nhân của chính các bậc làm cha, làm mẹ. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết, tổng đài 18009069 của Hội vẫn nóng lên từng ngày bởi những cuộc gọi cầu cứu của trẻ em ở khắp mọi nơi trong mùa dịch bệnh. Trẻ không chỉ bị bạo lực thể xác, tinh thần, mà còn bị xâm hại tình dục.
Bà Lý Việt Trung - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM (trái) và ông Shoichi Hasegawa - Tổng Giám đốc Công ty Kao Việt Nam (phải) - tặng hoa cảm ơn các khách mời tham gia chương trình tọa đàm “Chăm sóc con trong mùa dịch” - Ảnh: Phùng Huy
Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, sở dĩ trẻ trở thành đối tượng bị bạo lực nhiều nhất trong mùa dịch bệnh là do trẻ là đối tượng yếu thế, chưa đủ nhận thức để có thể tự giải quyết vấn đề của chính mình nên phải nhờ người lớn, cụ thể là nhờ cha mẹ, nên đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Hơn nữa, khi trẻ không được đến trường, phải ở nhà thì thời gian tiếp xúc với cha mẹ nhiều hơn, từ đó càng có nhiều vấn đề nảy sinh. “Nghịch lý là cha mẹ hay “giận cá chém thớt” dẫn đến bạo lực từ ngôn từ đến hành động đối với trẻ” - thạc sĩ Huân nhấn mạnh.
Hãy là người bạn đồng hành tin cậy của con
“Yêu thương con một cách đầy đủ và thông minh” là thông điệp ngắn gọn mà thạc sĩ Lê Minh Huân gửi đến các bậc cha mẹ nhằm bảo vệ con em mình khỏi bạo lực gia đình. Theo ông Huân, mỗi người làm cha làm mẹ hãy cố gắng quân bình cảm xúc, buông bỏ những khó khăn, mệt mỏi của bản thân, đồng thời phải học hỏi, không ngừng rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc để đỡ gây tổn thương cho con trẻ, cho chính mình và người khác.
Cha mẹ cần chơi cùng con Khi con đạt được những thành tích tốt trong học tập hay đã cố gắng làm một việc tốt gì đó, cha mẹ có thể khích lệ bằng những phần thưởng. Nhiều gia đình chọn thưởng cho con bằng các công cụ kỹ thuật số, nhưng đây lại là yếu tố đầu tiên làm mất quyền kiểm soát của cha mẹ với con. Do đó, cần phải giải thích để con hiểu những thiết bị công nghệ này là của cha mẹ hỗ trợ để con có điều kiện học tập. Với cách này, cha mẹ vẫn có thể làm chủ được các công cụ đồng thời đặt được “hàng rào” bảo vệ con. Một gia đình cởi mở là cha mẹ có thể cùng đọc sách, cùng xem phim với con chứ không phải cấm đoán để khiến con trở nên “lạc bầy”. Ví dụ, với các chương trình có gắn nội dung bạo lực, vấn đề nhạy cảm, cha mẹ hãy cùng xem và lấy đó làm bài học trực quan sinh động để giáo dục con. Được ba mẹ kèm cặp và giải thích, đứa trẻ sẽ hiểu rõ vấn đề và trở nên khôn ngoan.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải
Về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, các chuyên gia cho rằng sự am hiểu về tâm lý lứa tuổi rất quan trọng. Khi cha mẹ thật sự hiểu con thì những lo lắng ở tuổi phát triển của con sẽ nhẹ lại, sau đó sẽ thay đổi cách ứng xử đối với những mâu thuẫn đã xảy ra, từ đó khuyến khích cách hành xử tốt đến từ con. Khi đó, chính phụ huynh cũng sẽ “giãn tinh thần”.
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, giảng viên của Học viện Thần học Thánh Tô-ma và một số học viện thần học nữ trên toàn quốc, để con an toàn, các bà mẹ hãy trở thành một người bạn tin cậy của con mình: 80% động viên khen ngợi, 20% góp ý phê bình và sửa lỗi cho con để trẻ luôn thấy mình được bảo vệ và ủng hộ. “Có những điều tưởng đơn giản nhưng hiệu quả rất tích cực, đó là tôn trọng khoảng cách riêng tư, duy trì phẩm chất tình bạn là hiểu, thông cảm, bên nhau và cả chuyện giữ bí mật cho nhau. Có những lúc phụ huynh cố ý hay vô tình đã để lộ những bí mật của con, điều đó đã làm giảm độ tin cậy, niềm tin của con vào cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ cần tôn trọng sự riêng tư của con, không lục cặp, không kiểm tra email của con… để con không hoàn toàn “đóng cửa” với mình”, bác sĩ Lan Hải khuyên.
Các khách mời đang giao lưu tại buổi tọa đàm “Chăm sóc con trong mùa dịch” - Ảnh: Phùng Huy
Thu Lê - Thiên Ân
Đồng hành cùng phụ nữ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Với sứ mệnh làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, Kao Việt Nam đã và đang tập trung tham gia rất nhiều hoạt động đóng góp cho môi trường, xã hội và quản trị. Tầm nhìn của chúng tôi là đồng hành để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có một cuộc sống sạch sẽ, vệ sinh và khỏe mạnh hơn, góp phần đem lại một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vui tươi, đầy ắp tiếng cười cho trẻ em và tất cả phụ nữ, dù họ đang đi làm, đang nuôi con nhỏ hay đang làm nội trợ cho gia đình. Với mong muốn đó, năm 2021, Kao Việt Nam đã giới thiệu những sản phẩm vệ sinh mới như bọt rửa tay và xịt diệt khuẩn, rất dễ dàng và thú vị cho các em bé, thuận tiện cho cả những người khuyết tật. Chúng tôi hy vọng rằng những sản phẩm vệ sinh với tính năng ưu việt này sẽ giúp trẻ em ngăn ngừa lây nhiễm bệnh tật và giúp bố mẹ yên tâm hơn trong giai đoạn Việt Nam chuyển sang giai đoạn sống chung với COVID-19.
Ông Shoichi Hasegawa - Tổng Giám đốc Công ty Kao Việt Nam
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.