Cha mẹ phải hiểu con mình

27/08/2017 - 14:47

PNO - Con mình, lẽ ra mình phải là người hiểu hơn ai hết chuyện con là người hướng nội hay hướng ngoại, thích và không thích những gì…; nhưng các bậc cha mẹ ấy lại ngơ ngác lùa “lũ gà con” đi làm kiểm tra...

Không khó để nhận ra, nhiều bạn sinh viên, thậm chí đã tốt nghiệp, vẫn không biết mình muốn làm gì; không biết công việc nào phù hợp với mình; đâu là thiên hướng, đâu là điểm mạnh điểm yếu của mình… Có lẽ các bạn ấy chưa bao giờ tự đặt câu hỏi: Mình là ai, mình muốn gì, mình yêu thích điều gì, mình đến đây để làm gì, đâu là khả năng và hạn chế của mình…

Từng có một thời gian, truyền thông ồn ào lo lắng về một thế hệ “gà công nghiệp”, được cha mẹ bảo bọc đến mức chẳng tự mình quyết định được điều gì. Rồi từ thái cực này nhảy ngay sang thái cực khác, một lớp cha mẹ lại ồ ạt dạy con theo đủ các kiểu từ Pháp, Nhật, Mỹ đến Do Thái… Một “chiến trường” các phương pháp dạy con bùng nổ, như tựa một cuốn sách của TS Lê Nguyên Phương Dạy con trong hoang mang. 

Cha me phai hieu con minh
 

Càng hoang mang, cha mẹ càng mất tự tin. Con mình, lẽ ra mình phải là người hiểu hơn ai hết chuyện con là người hướng nội hay hướng ngoại, thích và không thích những gì…; nhưng các bậc cha mẹ ấy lại ngơ ngác lùa “lũ gà con” đi làm kiểm tra, sinh trắc vân tay, làm các loại trắc nghiệm để tìm hiểu… cá tính, thiên hướng và khả năng tiếp nhận của con…

Việc tìm hiểu cá tính, thiên hướng của trẻ đúng là rất quan trọng, nhưng tôi chắc chắn, để hiểu biết thật sự về một đứa trẻ thì không thể chỉ qua vài dòng trắc nghiệm hay từ những dấu vân tay là thấy ngay. Chính những nơi cung cấp dịch vụ này cũng luôn “thòng” thêm một câu… trớt quớt: Mọi thông tin đều mang tính tham khảo.

Bất cứ cha mẹ nào có từ hai con trở lên đều hiểu một lẽ đơn giản: trẻ con tuy cùng ăn ngủ học hành giống nhau, cùng lớn lên dưới một mái nhà nhưng không đứa nào giống nhau. Vì vậy, không thể đem kinh nghiệm dạy dỗ đứa trẻ này áp lên đứa trẻ khác được. 

Thật sự, để có thể gọi là hiểu được một người thì không thể trông vào một bài kiểm tra trong vài ba giờ hay nhìn ngó dấu vân tay. Tiếp cận được nhiều thông tin là tốt, nhưng biết chọn lọc, biết phương cách nào hợp với cá tính con mình là việc khác. Từ chính cuộc sống hàng ngày, cha mẹ phải chú ý ghi nhận các thông tin để biết khi nào trẻ cần gì, yếu chỗ nào, mạnh ở đâu.

Tuy nhiên, tập trung phát triển những điểm mạnh của con cũng không hẳn đã tốt, vì có thể vô tình tước mất của con những cơ hội trải nghiệm, cảm nhận, hình thành tinh thần vượt khó, hiểu  cuộc đời luôn tồn tại bao phi lý và đầy phức tạp… Khi được tự mình cảm nhận, khám phá, trẻ sẽ lớn lên từ những khám phá ấy, hiểu đâu là điều tuyệt vời nhất đối với mình. 

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI