Muốn dạy con phải sửa mình
Lấy nhau gần hai năm chúng tôi mới có con đầu lòng. Gia đình nội ngoại hai bên đều vui mừng. Cháu khỏe mạnh kháu khỉnh lại biết nghe lời ngay từ lúc còn bé xíu: khi cho ăn, không phải vất vả bồng bế đi khắp nơi. Nhưng khi con biết bò, biết trườn, tôi nhận thấy, chỉ cần cha mẹ hơi to tiếng hay chau mày là con mếu, quay mặt chỗ khác. Vợ chồng tôi đưa ra “nghị quyết”: muốn dạy con, cha mẹ phải “tu sửa” mình trước, cụ thể là phải bỏ ngay tính nóng nảy, hấp tấp.
Con tôi rất thích xem ti vi, mẹ cháu đồng ý cho xem, nhưng muốn giảm bớt thời gian con ngồi ì trước màn hình. Vợ tôi mua băng nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình… chỉ mở lên khi cháu đã ăn xong hoặc trước khi đi ngủ. Việc này khiến con nỗ lực ăn uống gọn gàng khi ngồi vào bàn.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lúc cháu khoảng 2-3 tuổi, trên ti vi có chương trình Hugo cưỡi lạc đà khá thú vị, trong đó có bà phù thủy “Xiêm La” chuyên bắt chàng Hugo nhốt lại. Thế nên khi cháu không nghe lời, chúng tôi mở máy tính có giọng bà “Xiêm La” đã được Việt hóa: “Cu Chí đi ngủ mau!”. Anh chàng vội vàng đi ngủ mà không “mè nheo” gì nữa.
Còn nhớ những năm đầu cháu vào tiểu học, trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu mon men chơi game và cháu cũng có một máy chơi game nho nhỏ sau bao nhiêu lần ao ước, sau mấy lần được ba mẹ hứa hẹn. Cháu rất quý cái máy game, luôn mang theo bên mình. Thứ Bảy, trong các buổi học ngoại khóa, giờ nghỉ giải lao, bạn bè lấy máy game ra khoe nhau và chơi cùng nhau. Có lần, cháu đi học buổi thứ Bảy về nhưng không còn máy game, mắt buồn rười rượi.
Hỏi máy game đâu, cháu nói cho bạn mượn rồi. Tôi nhẹ nhàng “điều tra” thêm thì biết bạn cháu (một anh chàng to con) cố tình “mượn”.
Thế là tôi phải lên tinh thần cho con bằng nhiều câu nói khích lệ, và các bài giảng về công bằng chính trực, cho cháu hiểu rằng việc làm của bạn là không đúng. Con phải bình tĩnh và thẳng thắn nói chuyện, chứ không dùng “bạo lực”. Kết quả khá tốt, người bạn trả máy chơi game cho cháu và hai đứa vẫn giữ được hòa khí.
Một chuyện khá buồn cười là con tôi hơi mê tín. Trước các kỳ thi cháu thường rải đậu khắp nhà (không biết “tham khảo” từ nguồn nào).
Ban đầu chúng tôi tưởng cháu nghịch chơi, nhưng sau để ý thì thấy cháu chỉ rải đậu lúc thi. Thế là tôi phải giải thích: “Con học tốt, chuẩn bị kỹ thì không cần lo lắng gì, ngược lại nếu con không học bài thì làm sao “ăn may” được?”.
Nghe và hiểu ra, cháu xin phép được thực hiện “nghi lễ” này thêm vài lần trước khi bỏ hẳn. Chúng tôi đồng ý và thỉnh thoảng vẫn nhắc cháu về sự tự tin vào bản thân.
Bài học siêng năng cần mẫn
Vào tuổi teen, cháu rất ham thích các hoạt động thể thao và hoạt động ngoài trời, nhưng lại biếng việc nhà. Chúng tôi khuyến khích và giao cho con nhiệm vụ cắt cỏ, dọn vườn, tưới cây…
Dĩ nhiên, con sẽ có phần thưởng xứng đáng khi công việc được hoàn thành: lúc thì tiền để mua món ăn ưa thích, lúc thì cuốn sách hay mới xuất bản. Tất cả đều quy về bài học căn bản là tiền bạc kiếm ra không dễ, phải đổi bằng mồ hôi công sức, còn những thứ vật chất dễ dàng có được thì không bao giờ bền lâu.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Tuy cháu siêng năng tháo vát trong việc nặng nhọc, chúng tôi cũng động viên cháu tập làm những chuyện nhẹ nhàng nhưng hữu ích phòng khi cần. Như khi ba mẹ đi làm, cháu ở nhà một mình thì tới bữa ăn phải tự lo. Chuyện bếp núc nấu nướng cách đây chục năm không có gì khó với trẻ nhỏ, nhất là ở vùng thôn quê.
Thế nhưng trong cuộc sống ngày nay, chúng tôi phải dạy con cách sử dụng an toàn các đồ điện, tránh quá nhiệt gây hỏa hoạn, tránh điện giật hoặc phỏng. Còn lại, cháu tự “nghiên cứu” cách nấu thức ăn sao cho ngon, đủ dinh dưỡng, cân bằng và tốt cho sức khỏe. May là có internet nên việc này không khó lắm. Vậy là con trai tôi biết vào bếp tự phục vụ và đôi khi cao hứng làm món ăn lạ miệng cho ba mẹ.
Bài học kiên nhẫn và bình tĩnh
Con biết mình thiếu kiên nhẫn nên đôi khi hay nói “con tuổi ngựa nên không chờ việc gì lâu được”. Tôi lựa lời khuyên con, giải thích hướng dẫn câu “Dục tốc bất đạt” - nghĩa là con càng muốn xong việc gì đó sớm mà làm ẩu thì càng tốn thời gian. Có lần cháu làm bài tập trên lớp với yêu cầu dùng máy tính để hoàn thành. Cháu làm gần xong, đã lưu cẩn thận, nhưng cuối cùng mở ra thì không tìm thấy file bài làm đó ở đâu. Cháu rất hoảng vì ngày mai là hạn nộp. Càng hoảng, con càng mất bình tĩnh, than van, kêu khóc mà không chịu lục tìm.
Tôi ngồi kế bên, tìm cách trấn an con, yêu cầu cháu hít thở sâu và lấy lại bình tĩnh, cố gắng nhớ lần cuối đã lưu file vào đâu, có chép ra USB hay không, có thể dùng lệnh máy tính để tìm theo tên file không?… Nhờ bình tĩnh mà cuối cùng cháu tìm được bài tập đã làm trong máy tính.
|
Vợ chồng tác giả và con trai |
Tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình
Cháu học khá giỏi, vợ chồng tôi muốn cháu thi vào trường y để sau này có một nghề nghiệp tốt, thời nào cũng cần, nhưng cháu không thích làm bác sĩ. Suy nghĩ nhiều, cuối cùng chúng tôi cho rằng mình chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, nói cho cháu về những điều cháu chưa hiểu, chưa biết bên ngoài xã hội. Còn lại để cháu tự chọn, tự chịu trách nhiệm cho chọn lựa của mình, và quan trọng hơn cả là sống cuộc đời của chính mình.
Chúng tôi thẳng thắn trò chuyện về nhiều thứ trước khi cháu chọn ngành học: nhu cầu xã hội, năng khiếu của con, ý thích của con. Và cuối cùng quyết định chọn ngành học của cháu là một sự kết hợp giữa ý muốn của “đương sự” và lời khuyên của cha mẹ. Dĩ nhiên để đi đến quyết định cuối cùng cũng phải qua nhiều “trăn trở”…
Nuôi dạy con mới biết “nghề” làm cha mẹ vất vả thế nào. Nuôi không thôi chưa đủ, dạy con là cả một vấn đề, có người còn cho đó là “nghệ thuật”. Với chúng tôi, mấu chốt của “nghề” này ở chỗ, luôn luôn coi con như người bạn, luôn tôn trọng và lắng nghe “tâm tư” của con. Có như thế mới có thể đi sâu vào thế giới nội tâm của trẻ để từ đó dìu dắt và luôn bên cạnh con trong trường đời đầy sóng gió.
Quang Thiện