Cha mẹ nghiêm khắc, 1/3 trẻ 10-14 tuổi ở Hong Kong có nguy cơ tự sát

26/03/2019 - 16:00

PNO - Mỗi phụ huynh đều có cách nuôi dạy con cái riêng; nhưng ở Hong Kong, khuôn mẫu chung vẫn là uốn nắn ra đứa trẻ hoàn hảo. Áp lực này dần đẩy các em vào bước đường cùng.

"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"; việc nuôi dạy con cái một cách tự do rất hiếm gặp tại Hong Kong, vì nó được coi là sự ruồng bỏ trong quan niệm của người Trung Quốc.

Cách nuôi dạy con truyền thống luôn nghiêm khắc và sát sao. Những người ủng hộ việc nuôi dạy con nghiêm khắc tin rằng cha mẹ không nên phủ nhận, hoặc giả vờ rằng thành tích không phải là vấn đề. Họ tin rằng việc kiên trì đưa ra những yêu cầu liên tục có thể thúc đẩy con cái mình tiến bộ.

Điều này có thể đúng. Nhưng việc nuôi dạy con cái theo quan điểm cầu toàn, thói quen mà nhiều bà mẹ Trung Quốc vẫn thực hiện, có thể đẩy đứa trẻ đến giới hạn.

Cha me nghiem khac, 1/3 tre 10-14 tuoi o Hong Kong co nguy co tu sat
Sau giờ học trên lớp, đứa trẻ thường phải đến lớp học thêm, rèn luyện thể thao, kỹ năng ngoại khóa một cách bắt buộc.

Nhiều phụ huynh yêu thương con đến mức họ sẽ làm bất cứ điều gì để đảm bảo đứa trẻ có cuộc sống tốt trong tương lai (dưới quan điểm của họ), thậm chí nếu phải trả giá bằng hạnh phúc thời thơ ấu. Họ tin rằng nỗ lực cuối cùng sẽ được đền đáp, nhằm tạo cho con một thứ quan trọng hơn: hạnh phúc lâu dài.

Thế nhưng, Annie Cheung Yim-shuen, phát ngôn viên của nhóm Parents United of Hong Kong khẳng định: “Đó không phải là một thái độ lành mạnh”.

Cuộc khảo sát năm 2017 của HSBC, trên 8.481 phụ huynh ở 15 thành phố và quốc gia, cho thấy cha mẹ tại Hong Kong là những người chi tiêu cho giáo dục nhiều nhất thế giới, với mức trung bình 1 triệu HKD cho mỗi đứa trẻ giữa cấp tiểu học và đại học.

Nghiên cứu tính đến học phí, sách, phương tiện đi lại, chỗ ở và các hoạt động liên quan. Con số này gần gấp ba lần mức trung bình toàn cầu là 350.000 HKD, vượt qua Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất ở vị trí thứ hai với 780.000 HKD.

Nhưng xét cho cùng, liệu học tập có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, và liệu hạnh phúc trong tương lai có đánh đổi bằng áp lực to lớn trong thời thơ ấu, giữa một hệ thống giáo dục ngày càng cạnh tranh?

Cha me nghiem khac, 1/3 tre 10-14 tuoi o Hong Kong co nguy co tu sat
Một ngôi trường danh giá không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, và hơn hết là hạnh phúc dài lâu.

Trong nghiên cứu mới của Đại học Hong Kong, gần 1/3 học sinh trong độ tuổi từ 10 đến 14 ở Hong Kong được xác định là có nguy cơ tự tử tiềm tàng.

Các nhà nghiên cứu tại khoa khoa học xã hội và hành vi thăm dò khoảng 1.500 trẻ em vào tháng 10/2018, với gần 700 học sinh lớp Năm và Sáu, cùng 830 học sinh tại hai năm đầu cấp trung học cơ sở. Kết quả cho thấy 456 em được phân loại vào nhóm có khả năng tự tử.

Cuộc khảo sát, do Caritas và Câu lạc bộ đua ngựa Hong Kong thực hiện, cũng cho thấy 40% học sinh tiểu học trải qua các vấn đề tình cảm từng nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình. Con số này đối với học sinh cấp hai là 32%.

Phó giáo sư Sylvia Kwok Lai Yuk-ching, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết những con số này rất đáng báo động. Đồng thời cô nói thêm rằng độ tuổi 11 - 12, có nguy cơ cao nhất so với ba nhóm tuổi khác: “Học sinh phải đối mặt với áp lực thi tuyển vào các trường trung học và lo lắng về việc thích nghi với môi trường mới. Những vấn đề này có thể khiến các em rối loạn cảm xúc nhiều hơn”.

Giáo sư nói thêm rằng trẻ em từ các gia đình cha mẹ đơn thân chiếm tỷ lệ lớn hơn trong số những người có nguy cơ. Những đứa trẻ cảm thấy vô vọng, bị cô lập hoặc coi mình là gánh nặng có nhiều khả năng gây hại cho bản thân.

Cha me nghiem khac, 1/3 tre 10-14 tuoi o Hong Kong co nguy co tu sat
Cách "thương cho roi cho vọt" dường như trở thành áp lực quá lớn đối với những đứa trẻ tại Hong Kong.

Lee Po-kong, nhân viên phát triển Dịch vụ gia đình Hong Kong Caritas, cho biết phụ huynh, giáo viên và cộng đồng phải xây dựng một mạng lưới an toàn để bảo vệ trẻ em khỏi các vấn đề tình cảm: “Hoạt động và làm việc nhóm có thể giúp tăng cường sự tự tin, khả năng phục hồi và hạnh phúc, nhằm giảm nguy cơ tự tử”.

Joei Cheung, một bà nội trợ và mẹ của hai cô gái, nói rằng mình đã phát triển mối quan hệ tốt hơn nhiều với cô con gái tuổi teen nổi loạn, sau khi tham gia một nhóm phụ huynh được hướng dẫn bởi các nhân viên xã hội.

Joei kể: “Tôi từng đưa ra nhiều câu chất vấn và thỉnh thoảng mắng con. Bây giờ, sau khi nhận lời khuyên từ các nhân viên xã hội, tôi dành nhiều thời gian hơn để hỏi con bé về cảm xúc của nó. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian chỉ để xem phim truyền hình cùng nhau”.

Ngọc Hạ (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI