Đây là những thông điệp đầy ý nghĩa của các khách mời chương trình tư vấn trực tuyến “Nhận diện - Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại tình dục” của Báo Phụ nữ TP.HCM diễn ra chiều 30/3/2017.
Tham gia trả lời các câu hỏi hóc búa và không bao giờ cũ là bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hạnh Lê, Chủ tịch Hội đồng Nhi khoa, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc và bà Nguyễn Yên Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Khoa học tâm lý – giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc.
Đến chuyên gia cũng không thể kìm lòng
Những chuyên gia có nhiều năm xử lý những vụ ấu dâm nhưng họ vẫn không khỏi băn khoăn, thậm chí là khó có thể kìm chế được cảm xúc trước các câu hỏi về những vụ xâm hại tình dục trong thời gian qua.
Có những câu hỏi có thấy nạn ấu dâm như một vấn nạn đầy đau đớn nhưng vẫn còn ẩn khuất dưới lớp sương mờ của tự xấu hổ, e ngại. Những câu hỏi mang đầy day dứt của những ông bố và mẹ có đôi khi cho thấy họ đã không thể bảo vệ được con em mình trước nạn xâm hại tình dục.
Đau đớn hơn, họ cũng không biết xử lý làm sao khi sự vụ đã rồi. Cũng có câu hỏi của bà mẹ đau khổ không biết phải làm sao đây khi kẻ xâm hại con gái chính là cha ruột…
|
Nguyễn Yên Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Khoa học tâm lý – giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc |
Đó còn là những tâm tư của ông bố bà mẹ vì e ngại chuyện con mình bị xâm hại mà không dám đưa con đi bệnh viện công lập để khám. Có trường hợp, nhiều gia đình biết con bị xâm hại nhưng không biết đưa con đến nơi nào để khám, không biết làm sao để lưu giữ bằng chứng.
Đa phần những ông bố bà mẹ ấy ở những vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hẻo lánh. Họ tự mình điều trị bệnh cho con, từ những tổn thương thể xác ở vùng kín cho đến chở che, chắp nối lại những tổn thương từ tận sâu tâm lý của các em.
Dù câu trả lời của các chuyên gia là hãy đưa các con, các cháu đến khám và điều trị tại các bệnh viện công lập, nhưng thật sự vẫn còn rất nhiều điều vẫn còn lấn cấn trong tâm tư chúng tôi: họ liệu có đủ sức mạnh để vượt qua tiếng xì xào của bao người thân quen, những ánh nhìn ái ngại của những người vô tình biết chuyện của họ ngay tại bệnh viện hay không?
|
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hạnh Lê, Chủ tịch Hội đồng Nhi khoa, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc |
Xâm hại chưa bao giờ là chuyện có thể được giản đơn
Có những ông bố bà mẹ gửi đến chương trình tư vấn trực tuyến những câu hỏi cho thấy vẫn còn có quan điểm xem nhẹ hoặc giản đơn hóa chuyện con bị xâm hại tình dục. Chẳng hạn, một phụ huynh ở An Giang có con gái 3 tuổi bị hàng xóm sờ vào vùng kín nhưng đã bị phát hiện. Do vùng kín không bị tổn thương và trẻ cũng không bị hoảng loạn nên gia đình phân vân không đưa cháu đi khám.
Hoặc có trường hợp ở Trà Vinh, người mẹ 43 tuổi biết con trai cứ bị than đau hậu môn. Kiểm tra thì thấy bộ phận này bị trầy xước rất nhiều. Người mẹ tự mình bôi kem để cho liền da chứ không đưa con đi khám bác sỹ.
Cũng có người mẹ đau khổ khác, 36 tuổi viết rằng con gái 4 tuổi rưỡi của mình bị cưỡng hiếp khi còn quá nhỏ, nên không biết con có bị ung thư tử cung hay không. Người mẹ này thay vì đưa con đi khám bác sĩ thật kỹ lưỡng thì lại băn khoăn không biết nên mua loại thuốc giảm đau nào để cho con uống.
Một trường hợp khác ở Đồng Tháp, người cha 35 tuổi băn khoăn không biết con trai có phải đã bị xâm hại hay chưa. Cháu nói với ba là bị người hàng xóm bắt phải sờ vùng kín của người này. Hành vi này lặp lại nhiều lần đến nỗi cháu bé giờ nghiện hành vi sờ soạng chỗ ấy của người hàng xóm…
Những câu hỏi ấy đã được các chuyên gia trả lời cùng với những tiếng thở dài.
Có một điều dường như đã bị bỏ quên trong các vụ ấu dâm. Đó là sự lãng quên một cách vô tình của những ông bố bà mẹ mải mê với công việc, của những người lớn đặt nặng sự sĩ diện lên trên sự tổn thương dai dẳng và khủng khiếp bên trong tâm hồn một đứa trẻ.
Những tổn thương này được bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê gọi là hiệu ứng người ngủ (Sleeper Effects): lúc ban đầu bình thường nhưng sau đó nhiều năm thì các triệu chứng bộc phát, có thể dẫn đến tự tử.
Ráng nhớ những điều đơn giản để bảo vệ con
Những kiến thức và kỹ năng để giúp con trẻ tự bảo vệ mình chống lại nạn xâm hại tình dục dù có nhiều và nói mãi ắt hẳn không bao giờ đủ. Bà Nguyễn Yên Thảo đưa ra 3 bước cảnh báo, đó là: Cảnh báo nhìn (người khác nhìn chằm chằm vào vùng riêng tư của con hoặc yêu cầu con nhìn vùng riêng tư của họ, người khác cho con xem những phim ảnh, sách báo có hình ảnh vùng riêng tư khiến con xấu hổ).
Cảnh báo nói/nghe (người khác nói về vùng riêng tư với con, thường là nói nhỏ vào tai hoặc hỏi con những điều thầm kín về vùng riêng tư của con khiến con xấu hổ). Cảnh báo chạm (người khác đụng chạm vào vùng riêng tư của con hoặc muốn con đụng chạm vùng riêng tư của họ bằng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể).
Quy luật bàn tay: vẽ 1 bản tay ra giấy A4, sau đó con chọn ghi 5 vệ sĩ thân tín sẽ bảo vệ con luôn luôn mà con tin tưởng nhất (ưu tiên ba mẹ, thầy cô - người cùng giới tính với trẻ, nếu ba mẹ, thầy cô không khiến con thấy sợ hãi, không từng có biểu hiện trong 3 mức cảnh báo vừa kể), hoặc dì/ cậu, bạn bè.
Còn bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê đưa ra 5 loại cảnh báo cần dạy cho trẻ. Đó là Báo động nhìn. Báo động nói. Báo động chạm. Báo động một mình. Báo động ôm.
“Những ông bố bà mẹ hãy là người cách ở bên trẻ, hiểu con trẻ nhất để có thể kịp thời cách ly con ra khỏi kẻ xấu. Bố mẹ là người giúp đỡ con nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất chứ không phải là các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý”. Thông điệp của các khách mời, các chuyên gia trong buổi tư vấn trực tuyến đưa ra là không bao giờ cũ nhưng hơn lúc nào hết, lại cần phải khắc sâu nhất trong tâm trí mỗi người lớn bận bịu chúng ta.
Hiếu Nguyễn