Cha mẹ nên hiện diện như thế nào trong cuộc sống của con?

20/07/2024 - 07:08

PNO - Một đôi vợ chồng ở Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích vì đã lắp camera giám sát trong phòng ngủ của con trai suốt 6 năm, cho đến lúc cậu bé thi đại học xong.

Không nên kiểm soát con quá mức

Vài ngày sau kỳ thi đại học (gaokao) quan trọng ở Trung Quốc, một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy người cha ở tỉnh Giang Tô đứng trên ghế để tháo chiếc camera lắp trong phòng con trai. Người mẹ quay đoạn video trên tại nhà của họ, đăng tải lên internet và nói rằng “cảm ơn camera giám sát đã đồng hành cùng con trai tôi”.

Ngay sau đó, gia đình phải đối mặt với những lời chỉ trích. Nhiều người cho rằng cha mẹ của cậu bé “ám ảnh kiểm soát”, sự giám sát của họ sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ. Người mẹ thì cho biết chiếc camera đã được lắp đặt từ 6 năm trước “vì mục đích học tập”: “Cha mẹ nào cũng đặt nhiều hy vọng vào con mình. Tôi tin rằng việc giám sát không tác động tiêu cực đến con”.

Một người dùng mạng xã hội cho rằng: “Thay vì giám sát con quá mức, bạn nên kiên nhẫn hướng dẫn cách học tập, đồng thời trau dồi tính kỷ luật và trách nhiệm cho đứa trẻ”.

Cha mẹ luôn là người đồng hành tin cậy của con cái dù chúng đã trưởng thành và độc lập - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock
Cha mẹ luôn là người đồng hành tin cậy của con cái dù chúng đã trưởng thành và độc lập - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock

Một nghiên cứu năm 2023 đăng trên tạp chí Rối loạn cảm xúc của Nhà xuất bản khoa học Elsevier (Hà Lan) cho thấy, những bậc cha mẹ thể hiện sự kiểm soát và xâm phạm quá mức vào cuộc sống của con có thể góp phần khiến đứa trẻ phát triển các mối lo ngại về hình ảnh bản thân ở tuổi trưởng thành.

Những rối loạn về cảm nhận cá nhân, đặc trưng là sự tập trung quá mức vào những khuyết điểm ngoại hình có thể kèm theo hành vi cắn móng tay, chà xát bàn tay… có thể tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của đứa trẻ.

Elena De Rossi - thành viên nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học châu Âu ở Rome (Ý) - giải thích: “Sự kiểm soát quá mức của cha mẹ có thể được xem như lạm dụng tình cảm, vì nó khiến đứa trẻ sợ hãi người chăm sóc mình. Từ đó, đứa trẻ có thể thấy rằng thế giới xung quanh luôn đầy rẫy mối đe dọa, hình thành quan điểm tự ti về bản thân”.

Con luôn cần cha mẹ đồng hành

Việc nuôi dạy con cái ở Mỹ hiện nay được nhiều bậc phụ huynh xem là phức tạp hơn trước, cần nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng tinh thần hơn. Quan niệm phổ biến cho rằng sự quan tâm nhiều hơn của cha mẹ sẽ gây bất lợi cho trẻ, vì chúng không thể học cách đối phó với những trở ngại trong cuộc sống.

Tuy nhiên, 2 cuộc khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew với thanh niên từ 18 đến 34 tuổi và cha mẹ của họ cho thấy không phải như vậy. Theo kết quả khảo sát, hầu hết các phụ huynh trên thực tế đều quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của con cái đã trưởng thành. Họ nhắn tin vài lần 1 tuần, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ tài chính nếu cần…

Đa số mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là tốt đẹp. 9/10 phụ huynh đã đánh giá mối quan hệ của họ với con cái ở độ tuổi trưởng thành là tốt hoặc xuất sắc, 8/10 thanh niên cũng đánh giá tương tự và điều này nhất quán ở mọi đối tượng được khảo sát dù khác nhau về mức thu nhập. 8/10 phụ huynh cho biết họ cảm thấy tự hào và hy vọng ở con cái của mình.

Karen L. Fingerman - giáo sư sinh thái nhân văn tại Đại học bang Texas ở TP Austin (Mỹ) - nói: “Những phụ huynh này sẵn sàng bày tỏ cảm xúc với con, nói với chúng rằng họ thích những người bạn của chúng hay cảm thấy thú vị với điều mà trẻ lựa chọn. Những người con đã trưởng thành luôn nhận được lời khuyên hữu ích từ cha mẹ. Các phụ huynh ở độ tuổi trung niên luôn hết lòng đầu tư vào con cái và xuất hiện trong thành công của chúng”.

Những mối quan hệ thân thiết này không cản trở việc những người trẻ đạt được những cột mốc độc lập nhất định. So với cha mẹ của họ lúc còn trẻ vào đầu những năm 1990, thế hệ ngày nay có nhiều khả năng bước vào đại học và sở hữu tấm bằng đại học hơn. Họ có nhiều khả năng tìm được công việc toàn thời gian hơn, thu nhập tốt hơn.

Giáo sư Fingerman và các đồng nghiệp phát hiện thêm rằng, mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ giúp bảo vệ con cái đã trưởng thành khỏi những hành vi không lành mạnh. Những thanh niên nhận được sự hỗ trợ đáng kể của cha mẹ có khả năng đương đầu tốt hơn trước sự thay đổi và có mức độ hài lòng cao hơn với cuộc sống.

Cô Adriana Goericke (TP Santa Cruz, bang California, Mỹ) thường xuyên nhắn tin cho con gái là Mia, hiện đang học năm thứ hai tại đại học ở bang Colorado. Họ chia sẻ hình ảnh về đồ ăn, bài tập hoặc những bức ảnh tự chụp hài hước. Khi con gái xin lời khuyên - chủ yếu là về mối quan hệ với bạn bè và hẹn hò - cô Adriana sẽ trở thành người hướng dẫn.

“Con bé biết tôi sẽ không cố gắng điều khiển cuộc sống của nó nhưng tôi luôn ở đó nếu con bé cần” - cô nói. Mia cho biết: “Mẹ thường hỏi mục tiêu của tôi là gì và cố gắng hiểu suy nghĩ của tôi thay vì chỉ bảo tôi phải làm gì. Đó là một nguồn tài nguyên vô giá mà tôi luôn có trong tay”.

Ngọc Hạ (theo SCMP, New York Times, Psy Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI