Trẻ con thời nào cũng cần học ăn, học nói. Nhưng sống trong thời con người thường xuyên tiếp nhận mọi thể loại văn hóa, ngôn ngữ, tư duy đa chiều, đến từ sự bùng nổ của công nghệ và truyền thông, người ta mới nhận ra việc dạy nói cho trẻ con thật quá nhiêu khê, có khi bất khả.
Con ngoan vẫn nói tục
Lớn lên trong sự giáo dục hà khắc của gia đình trí thức, bé Thanh rất ngoan, lễ phép. Vì vậy, khi tình cờ đọc được đoạn hội thoại của Thanh với bạn cùng lớp, mẹ bé không khỏi bàng hoàng, vì con mình dùng những câu nói tục mà giới trẻ vẫn vô tư văng bậy trên mạng xã hội.
Rõ ràng, thứ ngôn ngữ ấy chưa bao giờ xuất hiện trong ngôi nhà của chị, nhưng nó đã kịp len lỏi vào quá trình “học nói” của con bằng một kênh thông tin ít ai nghĩ tới. Ở nhà, cô bé vẫn nói chuyện lễ phép, nhưng trong thế giới của mình, cô bé trở thành một biến thể khác hẳn.
Điều này thật khó chấp nhận với các bậc phụ huynh, khi cách giáo dục của chúng ta không thể đánh bật được “phông văn hóa” nói tục mà các con đang tiếp xúc hằng ngày, từ bạn bè, từ những thứ bọn trẻ quan tâm và có nhu cầu tiếp nhận với một tâm thế vô cùng hứng khởi.
Tín đồ của trang “chửi thuê”
Chỉ cần lướt qua một vài fanpage dành cho giới trẻ, nghe cách các “thanh niên măng sữa” nói chuyện với nhau, có khi người lớn sẽ phải mất rất nhiều thời gian dịch các đoạn hội thoại từ tiếng Việt sang... tiếng Việt. Bởi những từ ngữ mang ý nghĩa thô tục giờ đây đã được bọn trẻ “mã hóa” bằng những từ lóng, biểu tượng mặc định, hay đơn giản là chữ viết tắt phụ âm đầu của một câu chửi thề quen thuộc. Nó quen thuộc đến mức chỉ cần viết “hvl”, “svđ”, hay “sml” thì bọn trẻ cũng hiểu câu chuyện đang ám chỉ điều gì. Chỉ có chúng ta, bơ vơ như những kẻ mù và điếc trong thế giới của chúng.
Ở thế giới ấy, ngôn ngữ cục súc được cổ xúy và lên ngôi trong sự ngưỡng mộ của những cô cậu vốn dĩ “con nhà lành”. Ai biết nói tục thì mới khẳng định được bản lĩnh. Chỉ ở thế giới đó, mới có chuyện một fanpage tên Chửi Thuê làm mưa làm gió với hơn 2,3 triệu lượt thích và 2,5 triệu lượt theo dõi trên Facebook.
Con số khủng này cho thấy phần đông giới trẻ tỏ ra hứng thú một cách đặc biệt với “những ngôn từ thô thiển và thiếu văn hóa” mà chính fanpage này thừa nhận trong phần giới thiệu về tiêu chí của trang, kèm theo cảnh báo: “Page tên Chửi Thuê cũng ko có nghĩa mở mồm ra là chửi người khác. Ở đây, mọi người hay chửi bậy thôi chứ không phải gặp ai cũng tế mả bố tổ mẹ nhà người ta lên. Nên nếu có thể, hãy cùng nhau lịch sự trao đổi, thảo luận, nêu quan điểm...”.
Miễn nhiễm nói bậy, chửi thề?
Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh THPT cách đây vài năm, đã có nhiều ý kiến phản ánh từ phía học sinh rằng vấn đề chửi tục, xem ảnh nóng, “ném đá” nhau trên mạng rất phổ biến trong giới học sinh. Thậm chí, một học sinh Trường THPT Hiệp Bình cho biết, có hơn 50% học sinh trong trường thường xuyên chửi thề cả trực tiếp lẫn trên mạng xã hội. Nhưng đó là chuyện của những năm trước.
Bây giờ, có vẻ như việc nói tục, chửi thề không chỉ là phương tiện để giới trẻ trút giận, xả stress nữa. Một trong nhiều lý do là các em muốn được chứng tỏ bản lĩnh trước bạn bè. Bởi chẳng có ai quy định, nhưng một câu chửi thề dường như có sức nặng vô hình khiến người khác phải sợ hãi.
Một bạn trẻ giấu tên ở Q.5 cho biết: “Em nghe bạn bè nói bậy nhiều quá, riết rồi cũng xem đó là bình thường. Bản thân em không ủng hộ, cũng không phản đối việc nói bậy, nó có thể chấp nhận được ở một mức độ nào đó, với một nhóm người nào đó. Nhiều khi lên mạng, đọc các bình luận thô tục cũng thấy vui vui...”. Theo một ý nghĩa khác, việc nói bậy còn mang tính giải trí đối với giới trẻ, đơn thuần là nó khiến chúng ta vui vẻ và tạm thời quên đi những áp lực trong học tập, cuộc sống.
Làm gì trước vấn nạn này?
Theo thầy Nguyễn Lê Phạm Huỳnh, giảng viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM, thì: “Chửi thề, nói tục là vấn đề xã hội. Khi nào người lớn không chửi thề và không ngừng giáo dục con trẻ điều đó là sai trái, thì lúc đó trẻ mới không còn chửi tục. Sẽ rất khó nếu xóa sổ văn hóa nói bậy vốn đã hình thành rất lâu. Song chúng ta vẫn có thể hạn chế và đẩy lùi nói tục, chửi thề tại nơi công cộng bằng cách khuyến nghị và xử phạt hành chính...”.
Nhiều nhà giáo dục cũng cho rằng, nói tục, chửi bậy chắc chắn phản ảnh một phần văn hóa của mỗi người, nhưng không thể vì thế mà kết luận các em thiếu đạo đức. Hiện tượng này là do thói quen, đa phần không thuộc về bản chất, ý thức của học sinh.
Có lẽ, chúng ta cũng nên có quy định riêng với cá nhân mỗi người về điều này, như cô bạn tôi từng kể: “Không hiểu sao mỗi khi tôi buông câu nói “kệ mẹ cái sự đời” như NSƯT Thành Lộc từng thốt lên trong một vở diễn ở sân khấu kịch Idecaf, chửi đời xong mà vẫn thấy đời trôi thật nhẹ nhàng, bao dung, tự dưng bao nhiêu buồn bực trong lòng cũng tan biến đi đâu mất”.
Giá mà mọi câu nói bậy đều mang lại điều tích cực, thì việc học nói của con trẻ cũng chẳng việc gì phải gian truân đến thế và việc dạy con nói của phụ huynh cũng chẳng còn nhiều khổ tứ lao tâm.
Hồng Hạnh