Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa đề xuất mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 mỗi người dân thành phố đọc 10 đầu sách mỗi năm. Tôi rất hào hứng với thông tin này, tuy nhiên tôi nghĩ đây là con số không dễ đạt nếu trong mỗi gia đình cha mẹ không cổ vũ con đọc sách.
Thói quen đọc sách của trẻ con thường bắt đầu từ cha mẹ (ảnh minh hoạ)
Ba tôi là người mê đọc sách. Có thể nói sở thích đọc của tôi có được là nhờ ảnh hưởng từ ba mình. Tôi đọc tất tần tật các loại sách của người lớn mà ba tôi đem về, từ sách truyện trinh thám như Sherlock Holmes, sách văn học như Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy...
Thời thơ ấu của tôi, sách báo hiếm hoi lắm. Chưa kể lúc ấy nhà nghèo, không có tiền mua sách nên tôi hay mượn bạn về đọc ké. Có mấy đứa hàng xóm còn nhỏ nhưng rất tinh ranh. Tụi nó mua vài cuốn truyện về cho tụi trong xóm mướn với giá rẻ. Chừng cả đám con nít trong xóm thuê đọc hết một cuốn là chủ nhân cuốn truyện gỡ đủ vốn cho cuốn đó rồi. Có bao nhiêu tiền lì xì là tôi đổ vô thuê truyện về đọc hết. Dù nói nghe xôm vậy chứ số tiền để dành được chẳng có là bao nên tôi hay ra đọc sách ở thư viện vì không có tiền vẫn được đọc nhiều loại sách truyện khác nhau.
Thời đó thư viện ở xã tôi (lúc ấy chưa được gọi là phường) chỉ toàn sách truyện "bình dân" chứ làm gì có những quyển sách "kinh điển", "best seller", cũng không được in trên giấy màu đẹp đẽ, bắt mắt như bây giờ. Những cuốn truyện đủ thể loại dành cho thiếu nhi chiếm đa số. Gắn liền với thời thơ ấu của tôi thời đó là mấy cuốn như Em bé bên bờ sông Lai Vu, Bắt cướp trên cao nguyên, Trạng Quỳnh, Đầu giáo sư Dowel, Nghìn lẻ một đêm, Không gia đình, Chú người gỗ Puratino... khiến tôi mê mẩn.
Tôi ghiền đọc đến độ thức khuya trùm mền lén để đọc vì hay bị ba mẹ bắt ngủ sớm. Có lần bị ba bắt gặp đốt đèn dầu mà trùm mền đọc truyện, tôi bị la một trận tơi bời, phần vì dại dột (lỡ may đèn ngã, mền bốc cháy), phần vì ba sợ tôi lớn lên bị cận vì đọc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Rốt cục tôi vẫn bị cận thật, chẳng biết có phải do hồi nhỏ hay tranh thủ đọc truyện trong chỗ tranh tối tranh sáng hay không.
Còn nhớ những hôm ra thư viện mà chú thủ thư hôm ấy đóng cửa do bận việc gì đó là tôi buồn hiu. Những lúc ấy, tôi mon men ra mấy sạp báo gần nhà, len lén dở mấy cuốn báo dành cho thiếu nhi ra đọc "cọp" cho đỡ ghiền chứ làm gì có tiền mua báo. Chỉ cần ông chủ sạp báo đứng dậy sắp xếp lại mấy cuốn báo là tôi lẳng lặng chuồn mất.
Lớn lên một chút, cái thư viện trở nên nhỏ bé với tôi. Gần như tất cả sách truyện trong ấy tôi đều đọc hết, trừ mấy cuốn khó nhằn hoặc nội dung dành cho người lớn. Vừa đúng lúc có mấy tiệm cho thuê sách, truyện ra đời với nội dung đa dạng hơn, phù hợp với mọi lứa tuổi, tôi chuyển sang thuê truyện về đọc.
Bây giờ, thư viện dường như chỉ còn trong các trường học. Với các phương tiện truyền thông, giải trí muôn hình vạn trạng như bây giờ, chắc chẳng mấy ai còn nhớ đến thư viện. Tôi cố gắng "gò" bọn trẻ nhà mình vào thói quen đọc bằng cách thường xuyên đưa các con đi nhà sách chơi, hy vọng gợi cho con thú vui đọc sách qua những bìa sách sặc sỡ, bắt mắt.
Tết năm nào cũng vậy, tôi đưa cả nhà đi tham quan đường sách (thường được thiết kế như một phần của "tour" đường hoa ngày Tết). Một phần vì tôi thích đọc, phần vì tôi muốn các con tôi làm quen với sách và văn hoá đọc với hy vọng tâm hồn của chúng không bị khô khan, cằn cỗi khi lớn lên.
Thời nay, người ta thích tiếp cận thông tin một cách nhanh gọn lẹ nên ôm một cuốn sách dày vài trăm trang có vẻ chỉ còn là sở thích của những người nhàn tản. Các bạn trẻ chuộng những kênh hấp dẫn và "sốt dẻo" hơn như Facebook, TikTok, Instagram, các loại báo mạng... Tôi không chắc một người mê đọc sách sẽ thành công khi lớn lên, nhưng tôi tin chắc những ai đọc nhiều sách sẽ có tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp.
Tuy nhiên, một đứa trẻ không thể ham đọc sách nếu cha mẹ nó dành phần lớn thời gian thư giãn cho những trò game online hay mải mê đắm chìm trong những "drama" của giới showbiz trên chiếc smart phone.
Ngược lại, những ông bố bà mẹ có thú vui đọc sách và biết định hướng cho con đọc những quyển sách phù hợp với lứa tuổi từ nhỏ, thì khi lớn lên chắc chắn các em sẽ có thói quen đọc sách.
Đỗ Thu Vân (TPHCM)
Ý kiến của bạn về việc đọc sách và văn hoá đọc trong cuộc sống ra sao, xin chia sẻ cùng chúng tôi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn
Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của toà soạn.