Cha mẹ lục đục vì điểm thi học kỳ của con

17/01/2022 - 11:27

PNO - Vì kết quả học tập của con trẻ không được như ý, nhiều bậc cha mẹ quay ra đổ lỗi cho nhau. Điều đó làm đứa trẻ cảm thấy áp lực.

Nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm, thông báo điểm kiểm tra học kỳ của con trai, Hà liền mắng cho bé Bin một trận. Điểm số môn nào của cu cậu cũng ở mức 6 đến 7 điểm.

Đi làm cả ngày đã phải chịu bao nhiêu áp lực, về đến nhà lại thấy vợ cáu gắt, nạt nộ con cái, Quân thấy cái đầu muốn nổ tung. Anh nói tại sao Hà không kèm cặp con ôn tập, giờ kết quả không như ý lại đổ hết lỗi cho thằng bé.

Nghe tới đây Hà lại càng bực mình. Hơn nửa năm trời, vì dịch bệnh con cái phải nghỉ học, người làm mẹ như Hà cảm thấy rất mệt mỏi. 

Hãy để con trẻ cảm nhận niềm vui trong học tập. (Hình minh họa)
Hãy để con trẻ cảm nhận niềm vui trong học tập (Ảnh minh họa)

Học trực tuyến, trẻ nhỏ không được tương tác trực tiếp với giáo viên, nên không hiểu bài được như khi học trực tiếp trên lớp. Sau giờ làm, Hà đã phải dành thời gian kèm cặp con rất nhiều, nhưng một người không có chuyên môn sư phạm như cô, làm sao dạy con được như giáo viên.

Hơn nữa, càng về cuối năm, công việc của Hà càng bận rộn, nhiều hôm mệt quá, về đến nhà cô chỉ muốn nghỉ ngơi, chẳng còn sức để xem sách vở học của con nữa.

Bé Bin vốn hiếu động, thích chơi hơn thích  học. Thường ngày, bà nội vừa trông thằng bé vừa làm việc nhà, có những lúc cu cậu vừa học vừa chơi, nhưng bà bận nấu cơm, hay dọn dẹp nên cũng không để ý hết chuyện học của cháu.

Nhưng điều mà Hà cảm thấy bực mình nhất là Quân đổ hết trách nhiệm việc con bị điểm kém lên đầu vợ. Quân đi làm về cũng chỉ ôm điện thoại chơi game, khi vợ nhắc nhở anh mới đốc thúc con học bài.

Có lúc Hà nghiêm khắc bắt thằng bé vào bàn ngồi học, thì chính anh can: “Em bắt con học nhiều làm gì cho mụ mị đầu óc, thằng bé đã học cả ngày rồi. Tối để con chơi một lúc rồi đi ngủ sớm”.

Được bố bênh vực, cu Bin như mở cờ trong bụng, hào hứng chơi hết cả buổi tối, chẳng màng gì đến học hành.

Quan điểm của Hà là không ép con học hành quá sức, sẵn sàng chấp nhận những hạn chế của bé. Điều cô muốn dạy con là thái độ học tập nghiêm túc, và quan trọng hơn phải biết cố gắng trong chuyện học. Còn một khi đã cố gắng rồi mà kết quả vẫn không như ý thì cha mẹ vui vẻ chấp nhận.

Bé Gấu - con của Tùng và Linh năm nay vào lớp Một. Vì dịch bệnh bé phải học trực tuyến. Mới từ mẫu giáo lên bậc tiểu học, nên Gấu vẫn rất ham chơi, và chưa thể ngồi yên nghe cô giảng.

Sau vài tháng, thấy kiến thức của con có vẻ không ổn, chữ viết rất cẩu thả. Hết một học kỳ mà con chưa biết đánh vần, Linh thực sự lo lắng. Nhìn kết quả kiểm tra của con, cùng những dòng chữ xấu xí, xiên xẹo trên trang vở trắng, Linh thấy hối hận vì đầu mùa dịch đã không gửi con về quê với bà để được đi học trực tiếp ở trường làng.

Lúc này, cô quay ra trách Tùng. Tùng thì cho rằng Linh quá áp lực vì chuyện thành tích của con, thằng bé mới học lớp Một, không cần căng thẳng như vậy.

Mấy hôm sau, thấy đồng nghiệp trong công ty kể về thành tích của con mình, Thái độ của Tùng đã thay đổi. Anh về sớm hơn, chủ động kèm con học bài. Tùng còn bàn với vợ, nếu tình hình học tập của bé Gấu không tiến bộ, sẽ thử tìm gia sư cho con xem sao. Linh thấy, cuối cùng thì Tùng cũng hiểu được tầm quan trọng của việc rèn cho con nền nếp học tập.

                                                                                      Minh Châu (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI