Những bữa cơm nặng nề
Công việc áp lực như nhau nên vợ chồng Hồng phân công mỗi người sẽ nấu ăn và dọn dẹp một ngày. Ân cộc tính, Hồng thì dễ dỗi hờn. Hai vợ chồng hục hặc hoài. Điều đáng nói là mỗi lần bực chồng, Hồng không thèm chăm chút bữa ăn, thậm chí để nồi không bếp trống. Lục tủ lạnh có gì ăn nấy, những bữa cơm “không hòa bình” rất nhạt nhẽo ảm đạm.
Vợ vô cớ kiếm chuyện rồi không vào bếp thì chồng đâu dễ chịu thua. Hôm sau, Ân cũng không nấu để chứng tỏ mình chẳng làm gì sai. Mải mê giành phần đúng, hai vợ chồng quên rằng họ đang lơ là việc chăm sóc con. Đứa lớn dị ứng với bột ngọt, mua thức ăn ngoài lần nào con ăn xong cũng nổi mề đay và ngứa khắp người.
Không dám đụng tới đồ ăn lạ, con cứ cúi gầm mặt với nước tương cơm trắng. Đứa nhỏ đã hai tuổi nhưng vẫn chưa hết hội chứng trào ngược. Con kén ăn, dỗ dành đủ cách mới xong chén cơm thì bị cho ra tất cả, phải ăn lại từ đầu.
Khi không vui, Hồng ít kiên nhẫn chiều con nên bé ăn ít hơn bình thường. Ân thì khỏi phải nói, sẵn đang bực vợ, anh luôn miệng quát tháo, khiến bữa cơm của đứa trẻ đẫm nước mắt, như một cuộc tra tấn.
|
Một thực tế hiển nhiên, nếu cha mẹ không hòa thuận thì những bữa cơm luôn nặng nề đối với con cái. Càng trầm trọng khi đó là bữa ăn không cung cấp đủ dinh dưỡng, bởi vốn nó đã thiếu hụt sự yêu thương. Ảnh minh hoạ |
Một thực tế hiển nhiên, nếu cha mẹ không hòa thuận thì những bữa cơm luôn nặng nề đối với con cái. Càng trầm trọng khi đó là bữa ăn không cung cấp đủ dinh dưỡng, bởi vốn nó đã thiếu hụt sự yêu thương. Nhìn vào một bữa cơm đầy ắp tiếng cười nói của trẻ thơ và bữa ăn mà những mái đầu nhỏ cúi gầm mặt trong im lặng, cảm giác thật khó diễn tả. Giận cá chém thớt, vợ chồng bực nhau lại trút sự hằn học lên con cái, khiến con ngơ ngác sợ hãi. Xót xa khi nhiều gia đình cứ để chuyện này lặp đi lặp lại mà không thấy sự thiệt thòi của các con.
Công cụ “trả đũa”
Nghe tin chồng qua lại với người phụ nữ khác, tuy chưa thu thập đủ bằng chứng nhưng đang lúc chán cảnh hôn nhân nhạt nhẽo nên Thủy quyết làm lớn chuyện. Thủy cũng đang thích một người đàn ông khác và muốn được tự do đến với tình yêu mới.
Giằng co gần một năm, vợ chồng họ gửi đơn ra tòa. Bé Hân mới hai tuổi, mẹ thường xuyên tăng ca nên đều do bà nội chăm sóc. Hỏi con thích ở với ai, Hân lập tức trả lời rằng muốn sống với bà nội.
Mang bao ấm ức trong lòng, có dịp “trả đũa” vợ, người chồng nhất định không chịu nuôi con. “Tôi chu cấp đầy đủ, bổn phận cô là nuôi dưỡng vì con còn quá nhỏ”. Tòa xử bé Hân theo Thủy. Anh chồng hả hê khi thấy mẹ sụt sịt rút khăn lau mắt: “Cháu nội của má sống với mẹ ruột, má lo gì?”.
Ngừng một lát, anh “bồi” thêm: “Con đâu khờ đến độ để cổ một mình tự do tung tăng cặp với trai. Phải cho cổ biết sự cực khổ của việc vừa nuôi con nhỏ vừa đi làm kiếm tiền. Để cổ vật lộn với cuộc sống mẹ đơn thân coi có thằng đàn ông nào dám rước cổ không”.
Cùng ý nghĩ dùng con để kìm hãm tương lai của đối phương, Thảo nhất định không nuôi hai đứa trẻ dù rất mực thương yêu. Trong một lần tức giận, mẹ chồng mắng dâu là đồ ăn bám, nếu Thảo buông tay, con trai bà dễ dàng có một cô gái hơn Thảo mọi mặt.
Lời qua tiếng lại, chồng Thảo về phe mẹ, câu chuyện từ đó leo thang không dừng, đến mức phải ly hôn. Thảo lấy lý do không nghề nghiệp, không có chỗ ở ổn định để từ chối việc nuôi con. Nhưng thật ra cô muốn dùng hai đứa con để “trả thù”. Mẹ bệnh nặng không thể chăm sóc cháu, chồng cô buộc phải thuê người trông trẻ và giúp việc nhà. Thảo ước tính, anh ta nhất định sẽ khó khăn về kinh tế, điều đó kéo theo việc không dễ kiếm được một người vợ như mẹ anh ấy huênh hoang.
Ảnh minh họa |
Mải lo nuông chiều cảm xúc bản thân, tính toán thiệt hơn, ăn miếng trả miếng mà nhiều cặp vợ chồng vô tình “sử dụng” con cái như một công cụ đắc lực để làm khó đối phương. Khi đẩy con cho “người cũ” nuôi dưỡng như một cách kềm kẹp tương lai, họ đã không nghĩ tới chuyện đối phương gặp khó khăn đồng nghĩa với việc con cái của họ không được chăm sóc tốt. Những đứa trẻ ngây thơ vô tội bị đẩy ra giữa “hai lằn đạn” mà phía nào đối với chúng cũng đầy ắp yêu thương.
Con có tội gì?
Từ khi mẹ không về nhà nữa, thỉnh thoảng lại thấy Bin đứng thơ thẩn ở đầu ngõ như đang ngóng chờ. Nhưng nếu có ai hỏi nhớ mẹ phải không, Bin lắc đầu ngay.
Bin đã có kinh nghiệm, nếu nói nhớ mẹ, con sẽ bị ông bà nội và ba mắng một trận. Ông bà đã nhiều lần kể lể chê trách mẹ với Bin. Con rất bực mình khi nghe mẹ bị nói xấu song không dám phản ứng.
Sau một thời gian dài vợ chồng lục đục, mẹ Bin gói ghém đồ đạc, lặng lẽ ẵm con bỏ về nhà ngoại. Ba Bin lập tức đuổi theo “bắt” con lại. “Cô muốn đi đâu thì đi nhưng không được dẫn thằng Bin theo. Nó là cháu đích tôn của ba má tôi”.
Bin sống xa mẹ từ lúc đó. Con trở nên trầm lắng ít nói, không còn hoạt bát như trước. Hơn ai hết, gia đình ba Bin biết sự thay đổi tiêu cực của con rõ nhất. Nhưng họ căm giận, đang hậm hực chuẩn bị hồ sơ pháp lý thật tốt để đè bẹp đối phương. Họ không thể lắng nghe cảm xúc của Bin, cũng không cho con có cơ hội bộc lộ điều đó.
Hà xác định, vợ chồng không hợp thì đường ai nấy đi, nhưng con cái vô tội. Con cần có được tình thương của cả cha lẫn mẹ. Hơn nữa, nội ngoại đôi bên cũng không có lỗi. Thỉnh thoảng, Hà vẫn đưa con ra ngoại thành thăm cha và ông bà nội. Nhưng lúc Hà quyết chia tay, cha mẹ chồng không đồng ý.
Ở tòa án, gia đình bên nội không thành công trong chuyện giành quyền nuôi dưỡng cháu. Ông bà vì thế chẳng còn muốn gặp mặt Hà. Từ việc giận con dâu cũ, ông bà ghẻ lạnh luôn đứa cháu nội duy nhất. Cháu về thăm, họ không còn nồng nhiệt chào đón. Thậm chí, bà nội nói thẳng: “Mày theo phe của mẹ thì còn về đây làm chi? Lui tới hoài hàng xóm họ tưởng cha mẹ mày tái hợp, làm sao có ai dám ưng ba mày nữa?”. Không chỉ ông bà nội, ngay cả cha cháu cũng làm ngơ với hai mẹ con, khiến con trai rất tủi thân. Có lần con khóc, nói không muốn về quê nội nữa.
Từ bữa cơm cúi gằm mặt lén giấu nước mắt đến nỗi bơ vơ khi không biết phải nghiêng về phía nào giữa cha và mẹ là một sự hụt hẫng có thể ảnh hưởng suốt quá trình lớn lên của đứa trẻ. Làm sao để giải quyết các mâu thuẫn một cách ổn thỏa và ít tác động đến con cái nhất? Liệu bạn đã từng tự hỏi bản thân điều này khi đứng trước một cuộc xung đột hay chưa?
Việt Quỳnh