Con gái tôi đang học lớp 3, cháu xinh xắn, dễ thương và học khá nên được nhiều người quý mến. Nhưng mỗi khi có ai hỏi han, cháu lại tái mặt, mồ hôi toát ra đẫm trán, nói lí nhí không nên lời.
|
Ảnh minh họa |
Tình trạng này diễn ra khi cháu nói chuyện với người lạ, khi gặp một sự kiện quan trọng như kỳ thi, lên diễn văn nghệ ở trường hoặc khi thầy cô gọi trả bài… Cháu cho biết khi ấy tim đập rất mạnh, cảm giác thở không được và mồ hôi cứ vã ra.
Tôi đã cho cháu đi bác sĩ khám nhưng bác sĩ cho biết tình trạng của cháu không thuộc về sinh lý mà do yếu tố tâm thần kinh, điều này thường rơi vào trẻ ở tuổi mới lớn. Tôi hy vọng lớn hơn chút nữa, cháu sẽ mạnh dạn hơn, không lo âu quá mức như vậy, nhưng hiện cháu học sa sút hẳn nên tôi rất lo lắng.
Bùi Minh Thúy |
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Hướng trẻ suy nghĩ tích cực
Khi con trai tôi đột nhiên có những biểu hiện lạ như cáu giận vô cớ, có khi lại ngồi thừ ra, không chịu chơi đùa, ai hỏi gì cháu cũng không muốn giao tiếp, vợ tôi cho rằng cháu làm nũng. Nhưng hồi nhỏ từng rơi vào tình trạng này nên tôi hiểu cháu đang bị rối loạn lo âu.
Tìm cách hỏi han con, tôi biết cậu bạn thân của cháu vừa chuyển trường, cháu thấy như mất đi điều gì quý giá. Hỏi thăm người bạn là bác sĩ, thì ra con tôi đang rơi vào trạng thái “rối loạn lo âu phân ly” do chia xa người mà con quý mến, thân thiết. Bác sĩ khuyên tôi nên giúp con nghĩ đến những điều tươi vui, tích cực và tìm cách thực hiện điều đó.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi đến trường xin cô giáo chủ nhiệm số điện thoại liên lạc với gia đình của cậu bé kia và cùng con kết nối với bạn. Tôi nói với con, nếu các con thực sự quý mến nhau thì phải tiếp tục xây đắp tình bạn này. Vì bạn chỉ chuyển sang quận khác, vẫn ở chung thành phố nên các con vẫn có nhiều cơ hội gặp nhau.
Mỗi cuối tuần, tôi cho phép cháu dành hai tiếng đồng hồ để trò chuyện với bạn qua nhiều kênh công nghệ khác nhau. Thỉnh thoảng, tôi thiết kế chương trình để cả hai gia đình gặp nhau, cho các cháu có dịp chơi đùa. Tình trạng lo âu của con tôi không chỉ biến mất mà cháu còn duy trì được tình bạn quý, là “gia tài” vô giá cho tuổi thơ con.
Trần Quân Hùng
(Q.3, TP.HCM)
Hướng dẫn trẻ thư giãn
Mỗi khi đến mùa thi, con gái tôi lại bị rối loạn giấc ngủ; cháu thường nói mớ, thức giấc liên tục, đổ mồ hôi trộm, đôi khi còn đau bụng, đau đầu, buồn nôn. Chuyên gia tư vấn cho biết, cháu bị chứng “rối loạn lo âu lan tỏa”, thường gặp khi bị căng thẳng, dễ dẫn đến tình trạng cô lập bản thân, sợ chốn đông người.
Điều này rất đúng với con tôi khi cháu đòi nghỉ học, nhốt mình trong phòng, không muốn tiếp xúc với ai ngoài tôi. Là người theo học bộ môn yoga, tôi liền áp dụng. Tôi rủ cháu mỗi ngày dành ra nửa tiếng ngồi yên lặng tập hít sâu, thở chậm, tập trung suy nghĩ vào nhịp thở của mình để tập kiểm soát cảm xúc, giúp bản thân bình tĩnh lại.
Áp dụng cách thở của yoga, tôi hướng dẫn con hít thở bằng mũi, hít vào đếm đến 5, thở ra đếm đến 10, và con cần áp dụng điều này mỗi khi thấy mình mất bình tĩnh, hoảng hốt, lo lắng thái quá.
Tôi cũng dạy con sử dụng “bùa chú” sau đây, rất hiệu quả, chị Thúy thử áp dụng với bé xem sao nhé. Đó là khi con hoảng hốt, đau đầu, ngoài việc hít thở, thả lỏng toàn thân, con nhắm mắt lại, nghĩ trong đầu “mình là đứa trẻ hạnh phúc” và hình dung ra những điều khiến bé thấy vui.
Tất nhiên, nếu chỉ là “nghĩ suông” thì chẳng có “bùa chú” nào hiệu quả, gia đình cần thật sự quan tâm, yêu thương bé, cho trẻ cảm giác được bảo vệ, an ủi, dần dần bé sẽ bình tâm và vượt qua chứng lo âu.
Mai Phương Trinh
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Giúp trẻ tự tin, độc lập
Lo âu, sợ hãi là cảm giác bình thường trong quá trình phát triển cảm xúc ở trẻ, đặc biệt khi trẻ phải đối diện với những thay đổi trong cuộc sống như lần đầu đến trường, gần đến kỳ thi, cha mẹ đi vắng, xa nhà, ông bà bệnh nặng… Cảm giác lo âu sẽ dần lớn thành sợ hãi, khủng hoảng nếu trẻ không hiểu rõ về chuyện đang xảy ra, hoặc bé không được quan tâm, yêu thương.
|
Ảnh minh họa |
Cảm xúc này sẽ bộc lộ dưới nhiều hành vi khác nhau mà đôi khi người lớn thấy là hoang đường (trẻ thấy những con thú lớn, bóng người đeo bám mình…). Đừng chế giễu, la mắng bé vì những hành vi ấy. Cha mẹ phải “lắng nghe nỗi sợ” của con để cảm nhận được điều bé lo âu là gì và cho trẻ biết bạn sẵn sàng giúp con xua tan nỗi sợ ấy.
Tùy trẻ mà thời gian giúp bé vượt qua chứng lo âu nhanh (vài tuần) hay chậm (vài tháng). Bạn nên giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất về sự việc mà trẻ lo lắng. Chia sẻ cảm xúc này bằng những kỷ niệm thời niên thiếu của chính bạn, nói với con “sợ hãi không phải là điều xấu, ai cũng từng trải qua, như ba/mẹ nè”.
Nếu trẻ sợ những vật trong phòng ngủ, đừng vứt đi mà tận dụng lợi thế của món đồ để trẻ tiếp cận tích cực (đèn ngủ là “ngọn hải đăng”, tủ đựng đồ biến thành “màn hình chiếu phim”…). Nếu trẻ sợ đi khám bệnh thì cho bé đóng vai bác sĩ; nếu trẻ không thích đi học thì cả nhà làm học trò để bé đóng vai cô giáo…
Với cách để trẻ tham gia vào những hoạt động tích cực, bạn sẽ giúp trẻ tự tin, độc lập và mạnh mẽ hơn, dần dần chứng sợ hãi, lo âu sẽ biến mất.
Thạc sĩ tâm lý Trần Thiên Linh
Mai Lâm
(thực hiện)