|
Con quan hệ tình dục sớm, có bậc sinh thành lấy đó làm cớ để vòi tiền |
Xuân(*), con gái của bà Luyến, bước sang tuổi 16. Gần một năm qua, căn phòng trọ của mẹ con bà thường đón một thanh niên tới chơi. Ai hỏi, bà Luyến giới thiệu đó là Tú, người yêu của Xuân. Tú 20 tuổi, phụ giúp cha mẹ điều hành đại lý vé số.
Bà Luyến kể đầy tự hào, con gái bà xinh xắn, lanh lợi, rất được lòng của cha mẹ Tú. Bà quả quyết: “Bên đó chờ con Xuân tốt nghiệp phổ thông rồi sang hỏi cưới. Họ mong lắm, chắc thêm người, việc làm ăn thêm “chạy” nên rất mong dâu”.
Nếu có ai trong xóm trọ lo lắng chuyện yêu sớm khiến Xuân khó tập trung học hành, bà Luyến giả lả, con gái không cần học nhiều, hơn nữa, Xuân cũng không thích học. Con bé lại “có khiếu” làm ăn, kiếm tiền.
Nhưng mới đây, xóm trọ được một phen ầm ĩ. Ông Lâm - chồng bà Luyến - từ quê lên thành phố chữa bệnh. Một tối, ông ra giữa khoảng sân chung của nhà trọ, chửi đổng: “Không chịu thì kiện. Nhà đó tưởng dễ ăn của nhà này hay sao? Không dễ đâu!”.
Trong phòng trọ, bà Luyến nói vói ra: “Ông làm gì được, giỏi thì đi tố cáo đi. Chứng cứ ở đâu mà kiện. Kiện con họ đi tù, con ông thì sao, ai "ăn" cho hết? Rồi họ nói sẽ kiện ngược ông tội bao che lâu nay, ông giải quyết thế nào?”.
Ông Lâm lao về phòng, đưa tay chỉ mặt vợ: “Tất cả là tại bà. Tôi tin tưởng, giao con cho bà trông giờ thành ra thế này”. Bà Luyến không vừa: “Thế này là thế nào? Sao lần trước ông không làm tới đi? Nhận tiền người ta, tiêu xài không thấy nhục”.
Thấy ông Lâm hùng hổ lao vào vợ, người hàng xóm đang móc võng nằm gần đó vội can ngăn. Trên gác xép, Xuân gào khóc: “Ba kiện ảnh đi. Ba kiện rồi ảnh coi con là kẻ thù cho ba vừa lòng”.
Hôm sau, xóm trọ rõ ràng hơn chuyện của gia đình họ.
Thì ra, cuối năm ngoái, ông Lâm từ quê lên thành phố bất ngờ. Ông gõ cửa phòng trọ một lúc, Xuân mới ra mở cửa. Nhìn… "hiện trạng" giường chiếu và gương mặt ngượng ngùng, đỏ au của Tú - cậu thanh niên lần đầu mình gặp, ông Lâm đã giáng cho mỗi đứa một bạt tai.
Bà Luyến hộc tốc chạy về khi nghe Xuân mếu máo: “Mẹ về đi. Ba đòi thưa tụi con ra công an kìa”. Lúc này, Tú cũng đã gọi cho cha mẹ mình biết chuyện. Hai gia đình hẹn nhau ra quán cà phê nói chuyện.
Được thuyết phục, ông Lâm đồng ý nhận 50 triệu đồng từ cha mẹ của Tú để xem như… chưa có chuyện gì xảy ra. Theo ông Lâm, ông im lặng không phải vì tiền mà lo tương lai của Xuân. Bên kia bị khởi tố, đi tù, con gái ông cũng lỡ dở cuộc đời.
Tuy nhiên, ông khẳng định, trong lần “người lớn gặp gỡ, nói chuyện với nhau” đó, ông đã yêu cầu đôi trẻ không tái diễn vụ việc, đợi Xuân trưởng thành sẽ làm đám cưới.
Sau tết Nguyên đán vừa qua, ông Lâm lại lên thành phố bất ngờ. Hôm ấy, quá nửa đêm mà Tú đưa Xuân đi chơi chưa về, ông ôm chai rượu ra đầu ngõ ngồi đợi. Trong trạng thái say xỉn, vừa nhìn thấy hai đứa, ông một hai bắt bà Luyến chở mình qua gia đình của Tú. Ở đó, ông dọa… báo công an là con gái của ông bị Tú hiếp dâm.
Lời qua tiếng lại, mặc dù khó chịu nhưng cha mẹ Tú đồng ý đưa cho ông 30 triệu đồng.
Nhưng trong lần mới đây, khi dắt con qua nhà họ lần thứ 3, vợ chồng bà Luyến - ông Lâm bị cha mẹ Tú chửi bới, thách thức, thậm chí đòi… kiện ngược lại vì vợ chồng ông tiếp tay để con họ phạm tội.
|
Xuân đau khổ vì hành xử của cha mẹ (ảnh minh họa) |
… Tôi là khách đến thuê đúng phòng trọ của bà Luyến ba ngày qua, khi họ đã rời đi trước đó một tuần. Khi kết thân với mọi người trong xóm, tôi được mọi người kể về chuyện chủ nhân trước của căn phòng.
Tốt nghiệp ngành tâm lý học, từng có thời gian thực hiện nhiều dự án xã hội, tôi không lạ những câu chuyện như gia đình bà Luyến - ông Lâm. Con yêu sớm, quan hệ tình dục, bậc sinh thành bao che hoặc họ chấp nhận mức thỏa thuận "đền bù" để vụ việc "chìm xuồng". Cũng không ít trường hợp “làm tiền” như vợ chồng bà Luyến. Nhưng chung quy lại, những cách hành xử đó chắc chắn trở thành nguyên nhân khiến con họ tiếp tục bị xâm hại tình dục.
Khó mà tránh khỏi những hậu quả, tác động, tổn thương lên thể xác, tinh thần của các nạn nhân bị xâm hại tình dục, kể cả trong trường hợp "đồng thuận" do các em chưa đủ nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nhiều em không ý thức mình là nạn nhân, trở nên phóng túng hơn trong nếp nghĩ, lối sống. Nhiều em sau này nhìn lại, không khỏi xót xa, buồn phiền, thậm chí oán trách người sinh thành đã không bảo vệ lúc các em chưa đủ sức, đủ chín chắn để tự bảo vệ mình.
Trong khi đó, trước mắt, chính việc im lặng, tiếp tay của phụ huynh góp phần làm cho công tác bảo vệ trẻ em của xã hội nói chung ngày càng khó, và vấn nạn trẻ bị xâm hại, lạm dụng mãi là hồi chuông nhức nhối, kéo dài không dừng…
(*): tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Nhã Phong