Ấm áp khi… bị cách ly
Vừa đi làm về, đặt túi thức ăn lên bàn để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà, chị Mai Hoàng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nhận tin nhắn báo đồng nghiệp ngồi cạnh hay “buôn dưa” đã dương tính với SARS-CoV-2, chỉ số CT 17, nghĩa là nguy cơ lây nhiễm cho chị rất cao. Ngay lập tức, chị gọi điện cho chồng và vào phòng cách ly thay vì ôm ấp, hôn hít cô con gái nhỏ mới năm tuổi như mọi ngày.
Buồn vì ở cùng một nhà nhưng không được ôm con vì sợ lây bệnh cho con, mủi lòng trước tiếng ỉ ôi “mẹ cho con vào phòng nhìn mẹ một tí thôi” nhưng chị Hoàng kiên quyết nói không. Chị đeo khẩu trang, ngồi cạnh cửa phòng, nói chuyện, dặn dò đứa con gái suốt ngày chực chờ ở cửa với những câu hỏi lặp đi lặp lại: “Bao giờ mẹ mới một vạch? Mẹ phải cho con thời hạn chứ! Con nhớ mẹ lắm!”.
Chị Mai Hoàng rơm rớm nước mắt kể về cô con gái chưa một lần xa mẹ từ lúc lọt lòng. Hôm đầu tiên, nhân lúc mẹ mở cửa lấy đồ ăn, bé đeo khẩu trang chạy tót vào phòng, ngồi tít ở góc giường, nói: “Con muốn chạm vào mẹ một tí được không?”…
|
Món quà ấm áp mà “mẹ F0” nhận được trong ngày 8/3 |
Sau đêm sốt, rát họng, tới ngày thứ ba, chị Hoàng có kết quả test nhanh dương tính, riêng chồng và con chị vẫn âm tính. Bé Cún bình thường rất sợ bác sĩ, sợ tiêm nhưng nỗi nhớ mẹ, muốn gần mẹ khiến bé hợp tác đến bất ngờ khi bố đề nghị ngoáy mũi. “Cho con hai vạch để con được ngủ với mẹ, nhỡ mẹ sốt tiếp con còn lấy thuốc cho mẹ uống” - cô bé năm tuổi lý sự rồi òa khóc khi nhìn thấy một vạch trên khay xét nghiệm.
Lấy nhau sáu năm nhưng do đặc thù công việc, lại được vợ đảm đương hết việc nhà nên số lần chồng chị Hoàng vào bếp chưa quá mấy đầu ngón tay.
Nay vợ từ F1 thành F0, nhà không có ông bà hay người thân hỗ trợ, anh được bố trí về làm việc tại nhà trong tình trạng đeo khẩu trang cả ngày. “Bình thường tôi lo hết việc cơm nước, nhà cửa, con cái; nay rơi vào tình cảnh này, tôi cũng sợ chồng không biết cắm cơm, nấu ăn hay đơn giản là tắm cho con, vậy mà việc đến tay, gì cũng phải làm”, chị Hoàng kể. Ngồi nghỉ trong phòng, nghe tiếng hai bố con tranh luận, chí chóe về món ăn hay vệ sinh nhà cửa, dù ồn ào nhưng chị cảm thấy lòng vô cùng ấm áp.
Đón cô con gái học lớp Hai từ nhà ông bà ngoại ở quê trở về hồi đầu tháng Ba, chị Thái Linh (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chị Linh kể, mỗi năm đến dịp 8/3, gia đình chị thường quây quần ăn uống, cắm hoa… Năm nay, do đang mang bệnh, phải cách ly ở nhà, chị đành gọi điện về quê gửi lời chúc mừng đến mẹ, chị dâu. Biết chồng tất bật chăm vợ bệnh, thời gian đâu chúc tụng, quà cáp, chị đã nghĩ năm nay… coi như không có 8/3.
Sáng 8/3, bé Bee thập thò, gõ cửa phòng mẹ đang cách ly, ngỏ ý xin mẹ được vào phòng để “con hát tặng mẹ rồi con ra” nhưng không được mẹ đồng ý. Vậy là bé đứng trước cửa, cất giọng hát: “Mẹ ơi có biết, con thương mẹ nhiều…” khiến chị vừa cười vừa rơi nước mắt vì cô con gái tình cảm.
Thế nhưng, chưa hết bất ngờ, bé con F1 còn thỏ thẻ gửi quà cho mẹ - chiếc nơ xinh và 200.000 đồng tiền tiết kiệm từ hồi tết nhờ bố đổi rồi cuộn ngoài thỏi kẹo sô-cô-la, kèm lời chúc mẹ “xinh đẹp và tươi tắn” được viết nắn nót. “Ngày 8/3 của bà mẹ F0 trở nên hạnh phúc, ấm áp đến lạ” - người mẹ trẻ xúc động.
Trẻ trưởng thành khi bố mẹ là F0
Việc mẹ không may nhiễm bệnh khiến cuộc sống, nếp sinh hoạt của nhiều thành viên trong gia đình đảo lộn. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để thích nghi khi thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, đây cũng là cơ hội để nhiều trẻ làm quen với khái niệm tự lập khi phải tự chăm sóc bản thân.
Ngày thường, mỗi khi học bài, bé Bee (con của chị Thái Linh) thường phải có người nhắc nhở. Tuy nhiên, khi mẹ bệnh, bố đi làm, bé đã biết tự học bài, làm bài tập về nhà sau giờ ăn cơm, không cần nhắc. Chỉ khi gặp bài khó, bé mới mang vở đến gần cửa phòng cách ly để hỏi mẹ hoặc gọi video nhờ mẹ giảng. “Biết mẹ mệt, lại bị ho nhiều, bé cũng hỏi nhanh, không để mẹ phải nói nhiều hay nói to. Con đã lớn hơn tôi nghĩ, biết quan tâm ngược lại mẹ rồi” - chị Linh tâm sự.
|
Tình cảm ấm áp bé Bee dành cho mẹ là động lực lớn giúp chị Thái Linh sớm vượt qua nỗi cô đơn trong những ngày nhiễm bệnh |
Gia đình chị Nguyễn Huyền (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng vừa trải qua mười ngày chiến đấu với “em Vy” và có bữa cơm đầu tiên đủ ba thành viên. Tuy nhiên, thành công lớn nhất là F1 mới năm tuổi đã “lách” qua mười ngày an toàn và tiến bộ vượt bậc. Sau ba ngày chăm chồng dương tính, chị Huyền nhập “hội hai vạch” ở tuần thứ 35 của thai kỳ. Người duy nhất vẫn âm tính là bé Ong.
Sau khi phân chia khu vực sinh hoạt để ba người có chỗ ăn ngủ riêng, anh chị chú ý thêm vào công tác vệ sinh, khử khuẩn trong nhà. Hai F0 là bố mẹ dù đi đâu, làm gì cũng lập tức xịt khuẩn, làm sạch đồ đạc, không gian xung quanh…
F1 năm tuổi lần đầu phải tự làm rất nhiều việc như ăn uống, vệ sinh cá nhân, uống vitamin, xịt rửa mũi… Hai ngày đầu, bé không hợp tác nên chị Huyền phải vất vả để “cưỡng chế” con rửa mũi hay uống thuốc. Tuy vậy, điều bất ngờ đã xảy ra vào ngày thứ ba khi bé Ong nói: “Mẹ để con tự làm” rồi tự cầm que test đưa vào mũi.
“Tôi tò mò xem con làm thế nào thì thấy hóa ra cách con làm là ngoáy nhẹ nhàng để có phản ứng hắt xì liên tục, sau đó lấy que thử chọc vào mũi để lấy dịch mũi. Vậy là từ ngày đó, việc test buổi sáng đã có thể làm mà không còn nước mắt và tiếng gào thét vang nhà”, chị nhớ lại.
Không thể chơi cùng con nhiều vì sợ lây nhiễm, anh chị chấp nhận cho con xem thiết bị điện tử nhiều hơn, đặt mua thêm đồ chơi và thi thoảng trả lời những câu hỏi của con như: “Tại sao con phải ngủ một mình, bố mẹ có nhiều vi-rút à?”, “Có phải bố mẹ giả vờ ốm để ngủ không?”, “Bố mẹ không đi làm lấy tiền đâu mà nuôi con?”…
Hằng ngày, đến bữa ăn, chồng chị sẽ để phần ăn của mỗi người ngoài cửa, bé Ong cũng phải tự lấy và ăn một mình. Đôi lúc, bé lại chạy tới cửa phòng mẹ nói “Con yêu mẹ” nhưng chợt nhớ ra quy định không được lại gần khu vực của bố mẹ nên lại buột miệng nói: “Ôi con quên mất” rồi chạy đi ngay lập tức.
Mắc COVID-19 với nhiều triệu chứng mệt mỏi, mẹ bầu như chị Huyền càng nặng nề hơn. Những cơn ho sâu muốn rút ruột, nổ phổi; mất khứu giác; khó thở… Khó khăn nhất là dù ở chung một nhà nhưng chị không được ôm ấp con. Bố bé cũng chỉ được nhìn bé từ xa, không tiếp xúc gần. Cậu bé năm tuổi biết mẹ mệt, thỉnh thoảng lại đứng giữa nhà hát hò khiến bầu không khí trở nên vui vẻ.
Sự nhẫn nại ấy đã được bù đắp khi sau mười ngày, anh chị có kết quả âm tính còn cậu con trai nhỏ thoát COVID-19 an toàn. “Sau kỳ COVID-19 này, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là nhìn thấy con trai trưởng thành và tự lập”, chị Huyền nói.
Huyền Anh