Cha mẹ không thiếu thốn vẫn chờ con mang tiền về

04/01/2022 - 05:25

PNO - Những ngày cuối năm, bài hát của Đen Vâu đã ám ảnh không ít bạn trẻ. Để có thể mang một khoản tiền kha khá về biếu cha mẹ, nhiều bạn trẻ đã phải chịu rất nhiều áp lực.

Từ hồi cuối tháng 9, đầu tháng mười, mẹ của Thủy đã gọi cho con gái, nói cô gửi tiền về để sơn lại nhà cửa đón tết. Từ năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập của Thủy đã giảm. Năm nay, dịch hoành hành dữ dội hơn, nên lương của cô giảm một nửa. Suốt tháng giãn cách, Thủy còn phải lấy một phần tiền tiết kiệm ra tiêu, để bù vào phần thiếu hụt, thế nhưng cô vẫn cố gắng thu xếp gửi tiền về cho mẹ.

Mấy hôm nay, mẹ Thủy lại gọi điện. Bà hỏi thưởng tết của cô được nhiều như năm ngoái  không? Dịch giã nên ở quê buôn bán khó khăn, bố mẹ đợi tiền thưởng của các con để có tiền sắm tết. Mẹ cô còn kể, con của bạn mẹ từ tháng trước đã gửi gần 20 triệu đồng về biếu bố mẹ sắm tết rồi.

Nghe mẹ nói đến đây, Thủy thấy lòng chùng xuống. Báo hiếu bố mẹ là điều con cái nên làm, nhưng đôi khi tâm lý so sánh của các bậc cha mẹ khiến người trẻ chịu không ít áp lực. Bố Thủy chưa về hưu, mẹ cô có cửa hiệu quần áo nhỏ ở thị trấn, hai chị em Thủy đều đã tốt nghiệp đại học và đang đi làm. Căn bản, bố mẹ cô không hề có áp lực về tài chính.

Vậy mà bố mẹ vẫn muốn chị em Thủy cuối năm biếu cha mẹ một khoản kha khá. Thứ nhất, mẹ cô quan niệm cô còn trẻ, chưa chắc đã biết giữ tiền, cầm nhiều tiền lại mua sắm linh tinh. Nhưng từ năm thứ hai đại học, bắt đầu đi làm thêm, Thủy đã lên kế hoạch chi tiêu và bắt đầu tiết kiệm. Ra trường, cô đã tự mua được xe máy và máy tính mà không cần cha mẹ hỗ trợ.

Mẹ Thủy thường nhắc con gái không biết chi tiêu khi mua quá nhiều quần áo, nhưng một nhân viên truyền thông như cô, thường phải gặp gỡ khách hàng, không thể ăn mặc quá xuề xòa. Lượng trang phục và phụ kiện cô mua cũng không nhiều, chẳng qua cô khéo phối đồ, nên ai cũng nghĩ cô nhiều quần áo.

Thủy thấy, những bà mẹ tuổi ngũ tuần như mẹ của của cô có một thú vui là “khoe thu nhập của con”. Chỉ cần nói chuyện với mẹ một lát, Thủy nắm được thu nhập của tất cả đám bạn cùng tuổi trong khu phố, bởi câu chuyện của các bà mẹ chỉ xoay quanh chủ đề này. Thủy lại là đứa học giỏi từ nhỏ tới lớn, nên các bà mẹ nghĩ khi đi làm, chắc chắn thu nhập của cô phải cao. Càng nghĩ tới cái tết, Thủy càng thấy áp lực.

Hãy để mỗi dịp Tết đến là niềm vui sum vầy. (Hình minh họa)

Hãy để mỗi dịp tết đến là niềm vui sum vầy. (Hình minh họa)

Ngân cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Ba má cô mới ngoài 50 tuổi, quán bún nhỏ của gia đình vẫn hoạt động lai rai, do ở quê tình hình dịch bệnh không phức tạp như trên thành phố. Em trai cô không học đại học, mà chỉ đi học nghề và đã đi làm được gần một năm. Từ nhiều năm nay, ba má Ngân đã không còn thiếu thốn về chuyện tiền bạc.

Thế nhưng, gần tết gọi điện sang Nhật Bản cho con gái, bà lại nhắc cô gửi tiền về. Má không chỉ nhắc Ngân gửi tiền về để sắm sửa trong nhà, bà còn nói con gái gửi tiền về để mừng tuổi và biếu họ hàng. Được các cô chú trong họ khen có đứa con gái  giỏi giang, làm trong tập đoàn lớn ở Nhật Bản, má cô rất hãnh diện. Khi vui vẻ, bà lại hào phóng hơn với họ hàng, nói đó là tấm lòng của cháu gái ở xa dành cho cô bác họ hàng.

Má luôn quy đổi lương của Ngân sang tiền Việt và nghĩ đó là con số rất lớn. Một mình cô chi tiêu chắc chắn còn dư. Nhưng bà đâu có biết, với một thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới như Tokyo, lại phải đóng nhiều loại thuế, lương của Ngân sau khi trừ sinh hoạt phí chẳng còn lại bao nhiêu. Ở đây không có người thân giúp đỡ, bạn bè cũng quay cuồng với công việc và cuộc sống riêng, hễ có việc gì đều phải tự làm, hoặc thuê dịch vụ, nên luôn phải có một khoản phòng thân kha khá.

Có lần, Ngân nói cô thấy chỉ cần gửi tiền về biếu ba má và ông bà nội là đủ. Vừa nghe thấy thế, má Ngân liền tỏ thái độ bực dọc. Bà nói, nếu con gái tính toán chi li như vậy, bà sẽ bị chê cười. Nếu Ngân thấy tiếc, không cần gửi tiền về, mẹ cô sẽ tự xoay xở lo khoản tiền mừng tuổi họ hàng. Nghe vậy, Ngân thấy có chút áy náy, nên lại gửi thêm tiền về cho má, để bà được nở mày nở mặt.

                                                                                      Minh Thư (Đồng Nai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI