Cha mẹ không nên khư khư “ôm” con

07/10/2024 - 06:37

PNO - Người dân phải được truyền thông mạnh mẽ hơn, mỗi người phải chủ động rèn luyện kỹ năng sinh tồn để biết cách bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.

Con gái tôi theo mẹ sống ở Đức trong những năm học đầu đời. Ở Đức, học sinh tiểu học đã được đi dã ngoại với giáo viên qua đêm, học sinh THCS đi dã ngoại trong rừng, học sinh THPT đi trải nghiệm ở nước ngoài. Tất nhiên, các buổi dã ngoại này đều không có phụ huynh đi cùng.

Bên cạnh đó, ở cấp tiểu học, học sinh thường xuyên có những buổi học, tham quan trong thành phố, tự bắt tàu điện, xe buýt tới bảo tàng, nhà hát. Trong quá trình di chuyển, trẻ tự rèn luyện cách ứng phó với những tình huống xảy ra, trở nên thành thạo các kỹ năng và linh hoạt.

Với 16 năm làm việc trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng sống, tôi hiểu, cách hay nhất là đặt các em vào đời sống hoặc chí ít là đặt vào những tình huống giả định. Nhưng nhìn tổng thể, chúng ta vẫn thiên về việc giáo dục trên giấy tờ, sách vở. Không ít nhà trường và phụ huynh còn xem “giáo dục kỹ năng là môn ngoại khóa” nên không mấy quan tâm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở nhiều nước, việc đào tạo kỹ năng được xem trọng như kiến thức. Tất cả các hoạt động đào tạo kỹ năng đều có đánh giá, chấm điểm. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống trong các trường, chúng ta phải thay đổi quan điểm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên ở các cấp học và phải đổi mới cách thức giảng dạy, tiếp cận để đưa chương trình tiệm cận với thực tế.

Một vấn đề khó khăn trong giáo dục kỹ năng là nhiều gia đình “không rời con nửa bước”. Chúng ta vẫn hướng dẫn cách phòng tránh hỏa hoạn nhưng trên thực tế, trẻ chưa từng phải ở nhà một mình, vào bếp nấu nướng. Nếu vô tình xảy ra hỏa hoạn, trẻ sẽ luống cuống, không giữ được bình tĩnh để áp dụng những kiến thức đã học.

Khi đi lạc, trẻ không biết cách bảo vệ mình an toàn hay liên lạc với người thân. Thời chúng tôi đi học, học sinh tự đi bộ đến trường; hằng ngày, ngoài học tập, học sinh phải nhận các nhiệm vụ quét lớp, đánh bảng, nhổ cỏ, trồng cây. Còn hiện nay, chúng ta thuê dịch vụ, thuê lao công phụ trách.

Tôi tiếp xúc với nhiều giáo viên ở tỉnh, vùng nông thôn. Họ nói, học sinh ở đây có kỹ năng tốt hơn nhiều so với học sinh ở thành phố. Hiểu cách khác, khi chúng ta quá bao bọc con trẻ, phục vụ “tận răng”, trẻ mất đi cơ hội trải nghiệm những kỹ năng cơ bản nhất trong cuộc sống, chưa nói tới việc ứng phó với những tình huống cấp bách đòi hỏi khả năng sinh tồn.

Cũng có ý kiến cho rằng, phụ huynh hiện nay quá ỷ lại vào nhà trường mà quên đi trách nhiệm của gia đình trong việc trang bị kỹ năng cho con. Nhưng có một thực tế là, chính người lớn cũng cần trang bị kỹ năng. Chúng ta quá dựa dẫm vào đồng tiền, dùng đồng tiền để giải quyết mọi vấn đề khiến các kỹ năng bị thui chột.

Tuần qua, tôi đi công tác ở một huyện ngoại thành TP Hà Nội, điểm đến cách trạm dừng xe khoảng 3km. Nếu ở nội đô, người ta sẽ bảo nhau “đường xa lắm, phải tìm xe ôm công nghệ để đi” nhưng ở ngoại thành, cách duy nhất để không phải đi bộ là xin đi nhờ những người dân trong làng. Tức là không phải trong trường hợp nào, chúng ta cũng có thể dùng đến tiền để được việc. Hãy để các kỹ năng được sinh ra khi bản thân va chạm với đời nhiều hơn.

Cơn bão Yagi vừa quét qua miền Bắc cũng cho thấy có nhiều “khoảng trống” về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Sự lóng ngóng chỉ trong giây lát có thể khiến người dân mất đi toàn bộ tài sản, thậm chí là tính mạng của mình. Trong khi đó, biến đổi khí hậu là vấn đề đang đe dọa toàn cầu. Hạn hán, lũ lụt, động đất ngày càng phức tạp, khó lường hơn và Việt Nam không đứng ngoài những nguy cơ ấy.

Đã đến lúc, người dân phải được truyền thông mạnh mẽ hơn, mỗi người phải chủ động rèn luyện kỹ năng sinh tồn để biết cách bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.

Tiến sĩ VŨ THU HƯƠNG - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội

Huyền Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI