Cha mẹ khăng khăng đòi vào viện dưỡng lão

29/06/2022 - 05:22

PNO - Tôi hiểu nỗi áy náy, khổ tâm của vợ chồng anh. Nhà cửa chẳng đến nỗi nào, đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão sao tránh khỏi điều tiếng với thiên hạ?

 

Gia đình tam-tứ-đại-đồng-đường là mẫu gia đình lý tưởng nhưng không phải người lớn tuổi nào cũng thích ở với con cháu (ảnh minh hoạ)
Không phải người lớn tuổi nào cũng thích ở với con cháu (Ảnh minh họa)

Anh bạn đồng nghiệp than thở: "Ba mẹ anh già nên đổi tính, đang yên đang lành, nhà cao cửa rộng lại đòi đưa nhau vào viện dưỡng lão ở. Vợ chồng anh có thuyết phục thế nào ông bà vẫn khăng khăng ý định".

Anh kể, vợ chồng anh và hai con đi làm, đi học suốt nên việc cơm nước, dọn dẹp được giao cho người giúp việc. Thế nhưng ông bà chẳng ở được với ai lâu. Người thì bị bà chê luộm thuộm, bê bối, làm đâu bày ra đó khiến bà mất công dọn dẹp lại. Người thì khiến ông khó chịu vì lắm lời, lại còn nấu ăn dở hơn bà. Ông bà cho người ta nghỉ hết, bảo rằng để hai người tự thu xếp ổn hơn.

Nhưng ổn cái này lại sinh ra cái khác. Ông bị đau khớp nặng, phải ngồi xe lăn. Anh từng đưa ông đến bệnh viện lớn khám nhưng bác sĩ bảo ông tuổi cao, giờ mà mổ thay khớp gối sợ không an toàn. Thế nên ông bà cứ quanh quẩn trong nhà rồi sinh ra bực bội.

Bà đi lại vẫn ổn nhưng mắc bệnh tim. Chỉ cần quên cữ thuốc nào là bà mệt ngay. Ấy thế mà bà cứ lẩm cẩm nhớ trước quên sau. Có lần bà lên cơn làm mệt mà ông ở nhà trước không biết. Vừa may anh về tới nên phát hiện. Cả nhà bị một phen hú hồn. Hai ông bà cứ thế ì ạch tự xoay xở, dìu nhau qua những cơn trái gió trở trời khi con, cháu vắng nhà. 

Tôi hiểu nỗi áy náy, khổ tâm của vợ chồng anh. Nhà cửa chẳng đến nỗi nào, đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão sao tránh khỏi điều tiếng với thiên hạ? Tôi chỉ biết khuyên anh nên nghĩ tích cực, cứ nhìn theo cách các nước tiên tiến chăm sóc người cao tuổi mà học hỏi theo để bớt lăn tăn, nghĩ ngợi.

Đâu phải con cái ở các nước tiến bộ không biết thương cha mẹ, hay ông bà ở những nước ấy không quý cháu, thương con. Nhưng rõ ràng việc đưa các cụ vào những nơi có điều kiện chăm sóc chuyên nghiệp, bài bản trong khi con cái quá bận rộn với việc mưu sinh cũng là một giải pháp tối ưu.

Ở đó, các cụ được theo dõi sức khỏe thường xuyên, ăn uống, giải trí phù hợp lứa tuổi và lại có thêm bạn bè. Đưa ba mẹ vào đó, các con vẫn có thể thu xếp thời gian để thăm nom, gặp gỡ. Chỉ cần tìm một chỗ tươm tất, nếu gia đình có điều kiện, là có thể an tâm.

đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão (Ảnh minh họa)
Không phải cứ đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão là con bất hiếu (Ảnh minh họa)

Tôi từng nói mẹ mình, ở chung với con cái có bận rộn một chút, cực thân một chút nhưng bù lại, nhỡ không may ba mẹ có chuyện gì thì cũng có con cái kế bên chăm sóc.

Có những người già vì không muốn trẻ con quấy rầy, vì không thích ồn ào, sợ nhà cửa bề bộn, sợ trông cháu vất vả nên nhất quyết không ở chung con, cháu. Về già, họ trở nên quạnh quẽ, ra vô lủi thủi hai ông bà với nhau. Nếu một trong hai người mất, người ở lại càng thấm thía nỗi cô độc ở cái tuổi gần đất xa trời. Âu cũng là sự đánh đổi.

Lựa chọn nào cũng có mặt tích cực hay tiêu cực. Có điều, như tôi góp ý với anh bạn đồng nghiệp, các cụ thích sao thì cứ chiều, miễn họ vui là được. Ba mẹ đã không tiếc cả đời hy sinh cho chúng ta. Vậy thì không nên cân đo đong đếm việc làm theo ý để ông bà vui lúc tuổi già xế bóng.

Nguyễn Yến Nhi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoa Nguyễn 30-06-2022 19:01:37

    Tôi cũng có ý nghĩ nếu khi không tự lo được sẽ vào dưỡng lão.( Năm nay tôi 70 tuổi). Bây giờ người trẻ rất bận rộn, người già yếu lại cần có người bên cạnh. Vào dưỡng lão bây giờ cũng mắc
    một tháng khoảng 12 triệu/ người nhưng có điều dưỡng thường xuyên. Theo cách nói của tác giả bài báo chỉ vì sợ mang tiếng chứ không phải thương cha mẹ. Nếu là tôi, các con không chịu tôi cũng tự thu xếp, không đủ tiền thì bán nhà. Khi nhắm mắt còn bao nhiêu cho con bấy nhiêu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI