Cha mẹ hãy tránh xa loại thuốc này nếu thấy trẻ bị nôn trớ liên tục

08/10/2017 - 17:39

PNO - Nghiên cứu cho thấy các loại thuốc dùng cho trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ làm tăng nguy cơ gãy xương ở trẻ.

Trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là nôn trớ ở trẻ sơ sinh là tình trạng xảy ra phổ biến. Khoảng 65% trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản khi mới chào đời. Tình trạng trẻ bị nôn trớ liên tục thường kết thúc khi trẻ được 1 tuổi do hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Trong những năm gần đây, các bác sĩ ngày càng kê toa nhiều loại thuốc ức chế axit dạ dày mạnh, chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton (PPIs) và chất đối kháng thụ thể histamine2 (H2-blockers) cho trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản.

Cha me hay tranh xa loai thuoc nay neu thay tre bi non tro lien tuc
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không giúp giảm triệu chứng của tình trạng trào ngược ở trẻ, đồng thời những phát hiện mới cho thấy trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi dùng thuốc sẽ có nguy cơ bị gãy xương cao hơn.

 Điều này làm dấy lên những mối quan ngại về tính an toàn của các loại thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản.

Theo một nghiên cứu năm 2007, số đơn thuốc thuốc ức chế bơm proton được kê toa cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đã tăng gấp 4 lần từ năm 1999 đến năm 2003, và tăng đến 7,5 lần trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2004; dù thời điểm đó Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không chấp nhận sử dụng thuốc ức chế bơm proton cho trẻ dưới 1 tuổi.

Bằng chứng về mối liên hệ giữa việc ức chế axit dạ dày và nguy cơ gãy xương xuất phát từ chương trình nghiên cứu 874.447 trẻ không bị trào ngược dạ dày thực quản được sinh ra trong Hệ thống Chăm sóc Sức khoẻ Quân đội Mỹ (MHS) từ năm 2001 đến năm 2003.

Dữ liệu dược ngoại trú trong 6 tháng đầu đời của trẻ cho thấy có 6.943 trẻ được cho dùng thuốc ức chế bơm proton, 67.096 trẻ dùng H2-blockers và 10.777 trẻ dùng cả hai loại thuốc này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ dùng thuốc ức chế bơm proton trong 6 tháng đầu đời có 22% khả năng bị gãy xương trong khoảng thời gian trung bình là 5,8 năm, tính từ thời điểm sau khi dùng thuốc. Nếu trẻ được dùng thêm cả H2-blockers thì nguy cơ này tăng lên 31%.

Cha me hay tranh xa loai thuoc nay neu thay tre bi non tro lien tuc
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra mối liên hệ giữa nguy cơ gãy xương và thời gian dùng thuốc ức chế bơm proton. 

Theo đó, những trẻ dùng thuốc trong thời gian một tháng hoặc ít hơn thì có nguy cơ gãy xương cao hơn 19% so với trẻ không dùng thuốc. Nếu trẻ dùng thuốc trong 60 đến 150 ngày thì tỷ lệ này cao hơn 23%. Đặc biệt, nếu dùng thuốc lâu hơn 150 ngày thì nguy cơ gãy xương của trẻ tăng lên đến 42%.

Theo tiến sĩ Laura Malchodi - tác giả chính của nghiên cứu - các loại thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản chỉ nên được kê toa để điều trị các trường hợp nặng và chỉ dùng trong thời gian ngắn nhất có thể.

Cha me hay tranh xa loai thuoc nay neu thay tre bi non tro lien tuc
Nhiều chuyên gia cũng tin rằng bằng cách ức chế sự bài tiết axit trong dạ dày, thuốc ức chế bơm proton và các chất làm giàm axit khác sẽ hạn chế sự hấp thu canxi.

Nếu cơ thể không hấp thu đủ canxi, nó sẽ bù lại bằng cách tăng hormone cận giáp (parathyroid hormone), kết quả là canxi sẽ bị giải phóng ngược khỏi xương và đi vào máu.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội Nghiên cứu Nhi khoa nhi (PAS) tháng 5/2017 ở San Francisco (Mỹ).

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI