Cha mẹ giàu: nên giấu hay cho con biết?

24/04/2025 - 08:00

PNO - Hãy khuyến khích các con tiếp tục nỗ lực để đạt được thành công bằng chính khả năng của mình, bởi thành quả tự mình tạo ra mới mang lại giá trị và niềm tự hào thực sự.

Chào chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em từ quê nghèo ra Hà Nội học đại học và lập nghiệp. Chúng em sống rất tiết kiệm, tích lũy và gom góp mua đất. Ban đầu, vợ chồng em mua đất ở ngoại thành, bán kiếm lời rồi lại đầu tư tiếp. Hiện tại, bất động sản của tụi em khoảng 60 tỉ đồng. Có điều này vợ chồng em đang rối là lâu nay, 2 con em (cháu lớn học lớp Mười hai, cháu nhỏ học lớp Chín) hoàn toàn không biết về khối tài sản của ba mẹ vì vợ chồng em luôn giấu, sợ các con biết cha mẹ giàu sẽ ỷ lại. Gần đây, công việc của vợ chồng em gặp khó, thu nhập giảm. Chúng em bàn tính xem chi tiêu và tiết kiệm như thế nào cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Có lẽ 2 con nghe được những cuộc nói chuyện này nên em thấy bọn trẻ khá lo lắng. Cháu nhỏ còn bảo với mẹ “Con không ôn chuyên nữa để đỡ tốn tiền (cháu ôn chuyên 500.000 đồng/buổi, mỗi tuần 3 buổi). Con thi trường bình thường cũng được, trường nào cũng vào đại học thôi mẹ ạ”. Còn cô chị thì hỏi: “Nhà mình không có tiền nữa hả mẹ? Vậy con giảm những buổi ngoại khóa, sẽ ôn luyện online, cũng tiết kiệm được một khoản”.

Nghe các con nói mà em vừa vui lại vừa tội. Mấy hôm nay trông cháu nhỏ có vẻ buồn. Cháu hay ngồi thừ người ở bàn học, suy nghĩ gì đó. Em sợ ảnh hưởng đến việc thi cử mà chưa biết nên nói như thế nào với con. Dạo này hai con cũng tiết kiệm hơn, ba mẹ cho tiền ăn sáng các con thường ăn ít lại, lúc nào gom được tròn trăm ngàn đồng lại đưa cho mẹ. Thật ra, việc giảm thu nhập không quá ảnh hưởng đến kinh tế gia đình em, nhưng vợ chồng em vốn tiết kiệm và hay “bán than”. Vậy tụi em có nên nói thật cho con biết gia đình có tài sản trị giá 60 tỉ đồng để các con yên tâm học? Liệu việc này có làm các con ỷ lại và mất động lực vượt khó, phấn đấu không, thưa chị?

Nguyễn Thị V. (Hà Nội)

Ảnh minh họa: Freepik
Ảnh minh họa: Freepik

Em V. thân mến,

Đọc những dòng chia sẻ của em, Hạnh Dung hiểu được sự trăn trở và cả niềm vui xen lẫn lo lắng. Việc giữ bí mật về khối tài sản lớn của gia đình suốt thời gian qua có lẽ xuất phát từ mong muốn tốt đẹp là rèn cho các con tính tự lập, tránh ỷ lại. Tuy nhiên, trong tình huống hiện tại, khi các con đã nhận ra khó khăn về kinh tế của gia đình và có những phản ứng đầy trách nhiệm, có lẽ đã đến lúc vợ chồng em cần cách tiếp cận khác.

Hạnh Dung nghĩ đây là thời điểm thích hợp để 2 em chia sẻ nhằm giải tỏa lo lắng cho con. Việc chia sẻ cần được thực hiện khéo léo, gợi mở từ từ. 2 em không nên tiết lộ con số cụ thể. Thay vì đi thẳng vào con số, 2 em có thể bắt đầu bằng cách kể về hành trình lập nghiệp vất vả của vợ chồng từ khi ra Hà Nội, nhấn mạnh sự tiết kiệm, những cơ hội đầu tư may mắn. Các em cũng nên nói rõ cho con biết những khó khăn trong công việc của cha mẹ chỉ là tạm thời, rằng cha mẹ đã có những khoản tích lũy nhất định trong nhiều năm nhờ sự cố gắng và may mắn. Nó có thể đảm bảo cho việc học hành của các con. Việc tiết lộ này sẽ giải tỏa lo lắng, tạo tâm lý ổn định, giúp các con tập trung vào việc học, đặc biệt là trong giai đoạn thi cử quan trọng.

Trong buổi trò chuyện, 2 em cần bày tỏ niềm tự hào về sự ngoan ngoãn, tính tiết kiệm, tinh thần trách nhiệm nơi các con và khẳng định đó mới là tài sản quý giá nhất. 2 em cần nhấn mạnh sự giàu có hiện tại là kết quả của sự nỗ lực không ngừng. Hãy khuyến khích các con tiếp tục nỗ lực để đạt được thành công bằng chính khả năng của mình bởi thành quả tự mình tạo ra mới mang lại giá trị và niềm tự hào thực sự. Vợ chồng em có thể nói rõ tài sản này sẽ đảm bảo việc học hành cho các con nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của các con một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, vợ chồng em có thể đặt ra sự hỗ trợ cho những mục tiêu và sự cố gắng của các con.

Nỗi lo sợ con ỷ lại, mất động lực vượt khó của vợ chồng em là chính đáng. Nhưng như em kể, 2 con là những người hiểu chuyện, tiết kiệm và có trách nhiệm, thế nên Hạnh Dung tin rằng các con sẽ hiểu tài sản đó đến từ sự vất vả của cha mẹ, từ đó thêm trân trọng, biết ơn.

Vợ chồng em hãy tiếp tục duy trì lối sống tích cực, làm gương cho các con về sự chăm chỉ, tiết kiệm và biết trân trọng những giá trị tốt đẹp. Hành động của cha mẹ sẽ là bài học sâu sắc, ý nghĩa nhất với các con. Hãy tin rằng với tình yêu thương của cha mẹ, các con em sẽ thêm hiểu và trân trọng những gì mình đang có, đồng thời không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI