Có dịp quan sát phòng điều trị dành cho người cao tuổi ở Khoa Ngoại Bệnh viện khu vực Bắc Quảng Nam, mới hay các cụ vào đây phần lớn do bị té gãy xương, phải mổ bắt nẹp, vít. Thời tiết lạnh cóng, càng lạnh vết thương càng đau nhức, có cụ không chịu nổi đã giật phăng ống truyền dịch, nhưng cũng có cụ nén lòng, một tiếng rên khe khẽ cũng không thốt.
Xương khớp là bệnh người già
Cụ Ba ở thị trấn Ái Nghĩa, H.Đại Lộc chia sẻ, quan niệm của cụ là cái gì làm được thì làm. Ví như rót ly nước, không nhất thiết phải sai bảo cháu con. Hoặc trời mưa, nếu con cháu không có nhà, cụ có thể chống gậy rút quần áo vào, nhưng tự nhủ phải đi cho thật cẩn thận, kẻo té ngã thì giúp đâu không thấy, chỉ thấy hại con! Vậy mà, người tính không bằng… trời tính, ngờ đâu lúc an toàn nhất, lại là lúc chủ quan nhất. Cụ thòng chân từ giường chạm đất, toan bước xuống, nhưng quýnh quáng rồi té, gãy xương đùi, mùng Một tết phải nhập viện, con cháu… mất tết. Đám con cháu thường ngày dặn mẹ cẩn thận, cứ ngồi yên một chỗ, cần gì thì cứ nhờ vả, nhưng khi mẹ bị nạn, đứa nào cũng chạy xấc bấc. Các con không những không một tiếng la rầy mẹ bất cẩn, mà còn chiều chuộng bà như chiều trẻ con.
Trường hợp của ông Nhỏ (xã Đại Đồng, H.Đại Lộc) khá đặc biệt. Ông thừa nhận mình dù có tuổi vẫn không bỏ thói hay rượu chè: “Nếu tui đi làm mà té ngã, vợ con chắc sẽ thương hơn là tui đi uống rượu mà té ngã”. Ông tỏ ra hối hận vì những lần vào viện do rượu chè gây ra, tự hứa chuyến này về sẽ giảm bớt, chứ cai rượu hẳn thì… khó lắm. Nói về chồng/cha mình, vợ con ông ngao ngán. Dù vậy, những ngày tết bận rộn, vợ con ông Nhỏ vẫn không quên “người đàn ông” của họ. Bánh tráng cuốn thịt heo, cơm canh ngày ba bữa, cà phê, thuốc lá lúc nào cũng sẵn sàng trên bàn để phục vụ bệnh nhân “xa rượu là hiền khô”. Ông Nhỏ còn khỏe, cái chân đau phục hồi mau chóng, thêm tật nói nhiều, nên phòng có ông, cứ rộn ràng lên.
Bà Đặng bị té gãy xương vai, xương sườn, vì con trai chở mẹ vấp phải ổ gà. Bác sĩ rầy người con đi đứng bất cẩn, để mẹ té quá nặng. Dù hết sức đau đớn, bà Đặng vẫn một mực đổ lỗi cho cái ổ gà, “chứ con tôi vốn là đứa cẩn thận”. Vừa bị thương, vừa huyết áp cao, nửa đêm bà ói, sốt, tiểu tiện trong tã giấy, bà “chẳng ngờ một ngày lại đi tiêu trong quần thế này”. Rồi bà khóc, vì tay chân khó cử động, đau đớn, còn “báo” con cháu bỏ tết theo mình vào bệnh viện.
Phải hiểu người già
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có những trường hợp con cháu hết lòng với ông bà, nên có cụ nhõng nhẽo, ưa mè nheo với con cháu. Ngược lại, cũng không ít trường hợp nhà neo người, con cháu không có thời gian chăm sóc cha mẹ, ông bà mình, hoặc tỏ ra vô tâm, thờ ơ. Trường hợp bà Thơm là ví dụ. Con đàn cháu đống, nên bà được chăm sóc chu đáo, bà yêu cầu gì là được nấy, thậm chí không chịu đựng nổi cơn đau, bà giật phăng dây truyền dịch, không chịu tập đi sau khi vết thương đã ổn. Con cháu mải chiều chuộng, đứa nào cũng thương bà đau đớn nên dù vết thương đã “héo”, mổ đã lâu ngày nhưng vẫn chưa được xuất viện, vì bà không cố gắng cử động. Việc con cháu chưa thuyết phục được mẹ, cũng là điều đáng trách.
Cụ Hai vào tuổi 90, có hoàn cảnh thật đáng thương. Hai người con gái đưa mẹ tới bệnh viện, phụ với chị dâu làm xong các thủ tục nhập viện thì… chạy mất dép, bảo công việc bận rộn, để lại mẹ già cho người chị dâu, vì “con dâu là phải chăm mẹ chồng”. Nàng dâu có vẻ… biết thân biết phận, dù mình cũng nhiều việc, vẫn chấp nhận làm tròn bổn phận. Nàng chăm mẹ khá vụng về, không biết vì bối rối hay vì lý do nào khác mà mặc hoài cái tã giấy cho mẹ chồng vẫn không xong. Dù cái chân đau, không cử động được, cụ Hai vẫn ngoan ngoãn ăn hết chén bún, nhưng ăn vào lại ói ra, lên cơn hen suyễn, bác sĩ nhốn nháo dùng máy hút đàm, rồi trợ thở cho cụ. Những người nuôi bệnh khuyên nàng dâu sau này không nên cho người già đang ốm ăn bún, rồi mỗi người mỗi tay phụ nàng dâu lau mặt mày, tay chân cho cụ, dọn dẹp giường chiếu vương vãi những sợi bún, mớ giấy lau.
Chị Hương đẩy mẹ ( bà Ba) đi dạo trong hành lang bệnh viện
Xương khớp là bệnh người già, người già té ngã, nguy cơ gãy xương rất cao, khả năng hồi phục chậm và khó, cảm giác đau đớn xâm chiếm, nên người chăm bệnh phải hiểu tâm lý người bệnh. Chị Hương (con bà Ba) chia sẻ, chăm sóc người già bệnh, phải hiểu tâm lý họ. Bệnh xương khớp đau dai dẳng, không ý tứ mà chạm vào cái chân gãy, tha hồ bị… chửi. Người già dễ hờn mát, ưa… kiếm chuyện, nếu con cháu thiếu kiên nhẫn, thiếu thông cảm, thì khó mà phối hợp với ông bà cha mẹ trong những lúc họ ốm đau.
Nhiều cụ lúc bệnh, có cảm giác làm phiền con cháu, nên phải chăm sóc làm sao để các cụ hiểu rằng, đấy là lúc con cháu muốn báo đáp công ơn, mong ông bà cha mẹ sống vui tuổi già, thậm chí các cụ cứ mặc sức mè nheo, vì chẳng ai trách người ốm. Chị Hương bảo, một tiếng rên của mẹ chị, khiến con cháu lo ngay ngáy, nhưng nếu rên để cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng thì hãy cứ rên, vì thông cảm, yêu thương người già, là nghĩa vụ của con cháu.