Tôi vốn rất thương yêu và thông cảm với em dâu. Vì tôi cũng đã có 10 năm làm dâu nên bao chua cay mặn ngọt gì cũng từng nếm trải.
Tôi càng quý em dâu vì em là “gái tân” mà dám ưng em trai tôi, một người đàn ông đã có vợ và con riêng.
Thế nhưng tình yêu thái quá đã gây nên tội khi em ngày càng ngang nhiên cãi tay đôi với cha mẹ chồng, bỏ bê con cái và lấy cớ đi làm nên chỉ về nhà lúc mặt trời sụp xuống.
|
Bà già nhưng vẫn phải trông cháu suốt ngày, ảnh minh họa. |
Chả là em trai tôi làm cơ quan, còn em dâu buôn bán. Khi con của em được bốn tháng thì đã “nhờ” cha mẹ chồng chăm sóc bởi “Mấy tháng nay nghỉ sinh con nên vốn liếng cũng hụt rồi ạ”.
Cha mẹ tôi nhận lời giữ cháu trong niềm vui nhiều hơn nỗi lo. Bởi bảy mươi tuổi nhưng ông bà mới có đứa cháu thứ hai. Em dâu ra chợ từ ba giờ sáng, nghĩa là cùng lúc đó em trai tôi phải phụ vợ. Còn cha mẹ chồng già thì ông lui cui pha sữa, bà thay tã và ầu ơ cho bé ngủ lại. Nhưng bé có chịu ngủ đâu, cứ ngọ ngoạy tìm vú mẹ rồi khóc vang nhà. Khóc đến mệt mới ngủ. Cũng là lúc ông bà nội đừ người.
Sáng ra, bà ú òa dỗ cháu bú, ăn đến đổ mồ hôi. Ông còng lưng bên thau quần áo đầy mùi sữa, mùi phân, mùi nước tè trẻ con. Mà loại quần áo này không giặt bằng máy được. Thế nên đôi tay già nua sần sùi phải nhè nhẹ vò từng món vớ, khăn, áo, quần, yếm, nón… rất tỉ mỉ.
|
Ông bà thay nhau chăm cháu. Ảnh minh họa |
Khi cháu ăn xong buổi sáng thì bà tắm cháu, ông phải làm chú hề, con rối để dụ cháu ra khỏi thau nước vì cháu cứ trì mãi thau chẳng chịu buông.
Mặc quần áo cho cháu cũng là một cuộc vật lộn của hai thế hệ. Cho cháu lên võng tầm gần 10 giờ để ngủ giấc sáng thì ông phải hát ru chứ cháu không thể ngủ bằng tiếng eo éo của chiếc điện thoại.
Bà đi chợ làm cơm cho hai ông bà và món súp cho bé ăn dặm xong cũng 12 giờ trưa.
Bữa trưa của ông bà lúc 1 giờ hoặc tùy cơn thức ngủ của cháu. Và hầu như sẽ chẳng biết mình ăn món gì đâu, vì sẽ trút vào cùng một tô với canh kho xào để vừa ăn vừa trông cháu.
Con dần chín tháng, em dâu tôi cũng không có ý gửi nhà trẻ vì “không yên tâm”. Cha mẹ tôi bảo, thôi thì để ba mẹ giữ cháu thêm vài tháng nữa, chừng đủ tuổi vào nhà trẻ công thì mới an toàn.
Em dâu tôi vui lắm. Nhưng bây giờ ý niệm “giao khoán” con cho ông bà nội đã hình thành. Khi em đi từ ba giờ sáng nhưng tầm 11 giờ giãn chợ vẫn không về cho con bú. Nóng lòng cháu thèm sữa mẹ, cha mẹ tôi bồng cháu ra chợ tìm thì em mặt nhăn mày nhó rằng “Từ từ xế xế rồi con về. Nó có khát sữa thì bú bình chứ cha mẹ đem ra chi cho quấn tay quấn chân con”.
Nhưng nhìn nụ cười của cháu tươi như hoa mùa xuân khi được rúc vào nách mẹ, cha mẹ tôi lại “muối mặt” đem cháu đi tìm mẹ nó mỗi ngày.
Bây giờ cháu 12 tháng, em vẫn không chịu gửi nhà trẻ. Lý do “Cha mẹ không nghe chuyện bạo hành trẻ em à? Gì mà bỏ vô máy giặt, bắt nhốt vô nhà vệ sinh, đánh dưới gang bàn chân, bắt ăn thứ đã ói ra. Con của con con quý lắm, con sợ nó bị như vậy”. Mẹ tốn từ tốn “Nhưng giờ ba con vừa té phải nằm một chỗ, mẹ không thể vừa chăm chồng, vừa chăm cháu”.
Ba tôi té vì nửa đêm dậy pha sữa cho cháu khi cha mẹ nó đã ra chợ.
Hình như mẹ tôi tránh nói lại lý do ba tôi té, vì nếu nói sẽ mất lòng nhau. Nhưng em dâu tôi mặt mày xụ xuống “Được rồi, mẹ nói vậy ngay ngày mai con sẽ đem nó gửi nhà trẻ tới 10 giờ đêm để con đi làm. Chứ giữ nó thì cạp đất mà ăn à? Tưởng cha mẹ thương con cháu chứ ai ngờ…”
Rồi nó quảy túi, bồng con đặt lên xe vọt đi.
Ba tôi nghe hết, nói vẫn tốt, chỉ là khó ngồi dậy. Đôi cánh tay ông huơ huơ như ngăn cản con dâu bồng bé đi trong trạng thái kích động.
Chẳng biết nghe vợ “méc” thế nào mà chiều ấy em trai tôi không ăn cơm, cứ chống đũa rồi từ tốn:
- Ba mẹ ạ, người ta có câu “Ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè”. Tụi con bận bịu mới nhờ tới ba mẹ, mà không có ai giữ cháu an toàn bằng ông bà của nó. Sao mẹ nỡ từ chối ạ? Nếu mẹ không giữ được cháu tới 19 tháng cho nó vô nhà trẻ công thì từ mai tụi con sẽ ra nhà trọ ở, nhà trọ gần chỗ con làm để chiều về con tiện bề chăm sóc con của con.
Mẹ tôi nuốt khan:
- Đâu phải mẹ không muốn giữ, nhưng dạo này ba con…
Em dâu vô lễ nạt ngang:
- Chẳng qua mẹ không muốn thôi! Chứ muốn thì làm gì mà không được. Hồi đó mẹ giữ bốn đứa con còn tốt, giờ có một đứa cháu thì ăn nhằm gì!
Thằng em nhu nhược của tôi gật gù tán thành lời vợ. Ba tôi ho khan một tràng.
Rồi tụi nó kéo nhau lên xe.
Tôi bảo mẹ, hãy để tụi nó đi đi. Sinh con ra thì phải có trách nhiệm, cha mẹ già rồi, tụi nó không chăm sóc được ba mẹ thì thôi chứ sao lại phải “bao sô” ngược lại. Mẹ hãy nghĩ xem, nếu lỡ mẹ cũng té như ba thì sao?
Mẹ tôi buồn buồn, “mẹ không nghĩ nhiều đâu, đời người nước mắt chảy xuống. Chỉ buồn là mẹ già nhanh quá chứ phải chi còn trẻ hơn vài tuổi, mẹ sẽ giữ cháu hoài...”.
Thùy Lan