Trời nhá nhem, tôi đẩy cửa vào nhà. Không gian im ắng, nghĩ mẹ đang trong phòng nghỉ ngơi hay tưới cây trên sân thượng như thường lệ, tôi với tay toan bật đèn, chợt khựng lại khi thấy mẹ chồng ngồi lọt thỏm, bất động trên chiếc ghế bố.
|
Ảnh minh họa |
Ti vi cũng không mở. Cả phòng khách chìm trong bóng tối. Không biết do ngồi quay lưng lại hay do mải miết suy nghĩ mà mẹ không biết tôi đã về. Rón rén ngồi nơi góc nhà, thật lâu, tôi nghe như nỗi cô đơn đang tỏa ra từ mẹ, dần xâm chiếm lấy mình.
Ba chồng tôi mất sớm, mẹ một mình ở vậy nuôi con. Bốn đứa con, với đồng lương giáo viên tiểu học vào những năm 1980, nỗi vất vả có lẽ không thể nào kể xiết. Thi thoảng, khi tôi loay hoay trong bếp, mẹ ngồi kế bên nhặt giùm mớ rau, kể chuyện vu vơ về những người đàn ông không thôi theo đuổi mình dù nay bà đã ở tuổi thất thập.
Tôi hỏi đùa: “Sao mẹ không đi bước nữa?”. Mẹ cười thật tươi, giọng có vẻ tự hào - cái vẻ tự hào muôn thuở của phụ nữ - nhưng nghiêm túc: “Người ta thương mình thì chắc là có. Nhưng người ta có thương con mình không con? Năm rộng tháng dài, biết điều gì xảy ra”.
Hơn 30 năm, mẹ đã đi một mình trên quãng đường dài, mang theo bốn đứa con, lo ăn lo học, dựng vợ gả chồng đầy đủ thì bao nhiêu là nhọc nhằn và bất trắc. Thoáng nghĩ đến mình đủ đầy chồng vợ, chỉ có hai đứa con mà đôi khi chúng tôi còn hụt hơi.
Dẫu tôi đã ở bên mẹ tận 17 năm trời, khoảng cách vẫn là khoảng cách. Tôi có thể lo cho mẹ cơm nước đầy đủ, nói chuyện phiếm hay ngồi nghe mẹ kể chuyện “ngày xửa ngày xưa” cả trăm lần; nhưng cả một thời ấu thơ tôi không lớn lên bên mẹ, tôi không cảm nhận được những ký ức mẹ kể, không thấy sợi dây gần gũi máu thịt như với mẹ ruột, dù có cố gắng.
Chồng tôi rất thương mẹ, nhưng là đàn ông, lại bận bịu, nhiều lúc rảnh, mẹ nói liên tục, anh chỉ ậm ừ. Mẹ cũng có con gái, nhưng lâu rồi tôi không thấy các cô về thăm. Đến khi mẹ hỏi tôi lần thứ ba là sao không gọi được cô em chồng, tôi thật sự đau lòng. Quay lưng dọn dẹp, tôi nói nhanh với mẹ, chắc cô ấy bận công tác và ước gì mình không thấy hình cô ấy đi mua sắm, đi du lịch, đi ăn tối với bạn bè được cập nhật thường xuyên trên Facebook.
|
Ảnh minh họa |
Có bao giờ lúc ta đang trẻ, đôi chân hãy còn khỏe để rong ruổi, trái tim còn háo hức với nhiều thứ hấp dẫn ngoài kia, nghĩ đến lúc nào đó ta không thể ra ngoài nữa, vì chân ta đã yếu, trái tim ta đã mệt nhoài, lúc ấy ta cần gì?
Có bao giờ ta lắng nghe, đong đo tình yêu mình dành cho con mà nghĩ đến cũng có người yêu thương chúng ta dường đó không? Có một lẽ đời luôn đúng mà chúng ta cứ loay hoay vướng vấp: đi khắp thế gian tìm những kỳ quan để chiêm ngưỡng, không biết thứ đáng ngắm nhất chính là giọt sương trên lá trước sân nhà mình.
Tôi nhớ, hình như cũng hơn nửa năm rồi, tôi không về quê thăm ba. Suốt ba giờ ngồi xe về quê, tôi không nghĩ nhà mình nay lại buồn đến thế. Không biết có phải do tôi về đến lúc cơn mưa dài vừa tạnh và ngoài kia trời đang tranh sáng tranh tối nên mới có cảm giác thế không. Đặt chân lên bậu cửa, một cảm giác thân thuộc khiến lòng mềm nhũn, tôi lách người qua khe cửa, nhẹ bước ra nhà sau.
Nhà bếp lạnh tanh, nồi cơm không đậy nắp, dưới đáy chơ vơ mớ cơm đã thoảng mùi thiu. tôi mở cái nắp chảo nhỏ xíu, một khứa cá kho lúc nào không biết, khét đen. Tôi không thấy ba đâu. Không khí hoang vắng len đến từng sợi tóc. Tôi rửa nồi, lấy đồ ăn trong tủ lạnh, rã đông nấu cơm, vừa nấu vừa nghĩ đến bốn năm nay, mẹ tôi ở Sài Gòn trông cháu giúp em gái tôi thì ba ở nhà thế này đây.
Ngày nào chị em tôi cũng gọi cho ba. Giọng ba sang sảng trong điện thoại rằng ba ổn, ba khỏe, rằng ba ở nhà được, khỏi về mất công cháu ngoại không ai lo, rằng ba có tiền... Chúng tôi băn khoăn vì con bú ít đi so với hôm qua, xót xa khi con đi học bị muỗi cắn mấy đốt, vẫn chở con đi đá banh, đi sinh nhật để giao lưu với bạn bè. Có dịp lễ, tết, chúng tôi về ăn uống, cười nói, thấy ba rạng rỡ; có đứa nào nghĩ đến cảnh ba vào ra trong căn nhà trống, nấu cơm, ăn một mình suốt cả ngàn ngày.
Tôi lặng người nhìn mái tóc không còn một sợi đen, nghe tiếng thở nặng nề đứt quãng như tiếng khọt khẹt của chiếc cattsete cũ của ba, chợt nghe lòng run rẩy. Lâu lắm rồi tôi mới soi rõ mình đến vậy. Nước mắt bỗng chảy dài trên má và trong đầu ong ong câu hỏi: chúng ta biết cha mẹ già cần gì không?
Bao nhiêu người xúng xính trong chiếc áo tơ tằm biết trân trọng món quà quý giá ấy của cuộc sống, hay mặc nhiên thụ hưởng với ý nghĩ “tằm phải cho tơ” - “mẹ phải lo cho con”?
Triệu Vẽ