Cha mẹ đừng trao cho con những cái ôm nuôi dưỡng cái xấu

02/12/2018 - 15:05

PNO - Nếu cha mẹ vô tình đồng lõa với hành động sai trái của con thông qua cái ôm thì chỉ khiến con cái thêm hỏng.

Trong khu vui chơi trẻ em, mấy đứa nhỏ túm tụm lại chơi cầu trượt. Bốn, năm đứa lũ lượt trèo thang lên tới đỉnh, chờ đến lượt mình trượt xuống. Trong khi đó, thằng con chị lại trái khoáy gồng mình trèo từ dưới chân thang trượt theo hướng ngược lên trên.
Mấy đứa trẻ kia chẳng nhượng bộ.

Con trai chị không đạt được mục đích vì đám nhỏ vẫn kiên trì bám trụ ở phía trên. Thế là thằng nhỏ rời khỏi vị trí, lăn ra khóc, nhảy loạn lên rất khó coi. Chị vội chạy lại ôm con vỗ về, an ủi.

Một lúc sau, đứa nhỏ khác lại chơi trò trái khoáy tương tự. Nhưng bà mẹ nghiêm giọng quát thằng con, chỉ tay dứt khoát ra hiệu thằng bé phải xếp hàng và làm tuần tự như những đứa trẻ khác, nếu không sẽ bị đưa về nhà ngay lập tức. Thằng bé phụng phịu nhưng trước sự cương quyết của bà mẹ, đành ngoan ngoãn làm theo.

Cha me dung trao cho con nhung cai om nuoi duong cai xau

Nếu cứ đón lõng cảm xúc của con mọi lúc mọi nơi, ôm con vào lòng bất kể con làm sai làm đúng, thì chỉ khiến trẻ bị ru ngủ và không phân biệt đúng sai. (Ảnh minh họa)

 

Thoạt nhìn, cứ tưởng chị là người mẹ theo sát bước chân con, luôn động viên, an ủi con kịp thời. Nhưng thực ra cái ôm của chị chẳng đúng lúc chút nào. Hành động đó khác nào cổ xúy cho con. Thằng bé đương nhiên đinh ninh rằng những hành động kiểu như vậy của nó chẳng có gì sai cả.

Lần khác, tôi và chị cùng đưa con ra công viên đi dạo. Thằng con chị đụng độ với một đứa trẻ khác học cùng lớp mầm non. Tranh giành một trò chơi, hai đứa nhỏ sửng cồ, gào khóc, đứa nào cũng muốn chứng minh cho mọi người thấy mình là nạn nhân, còn đối phương mới là kẻ có tội. Cũng như mọi lần, chị lại ôm con vào lòng. Thằng bé thấy có mẹ làm bình phong, vùng ra khỏi vòng tay mẹ, chạy về phía đối phương, vừa khóc lóc vừa chửi thằng bé kia những lời rất khó nghe.

Tôi vừa ra hiệu cho thằng bé đối phương dừng lại, vừa nói chị hãy... thôi ôm con. Cái ôm của chị khiến con trai càng được đà lấn tới. Chị có vẻ giận tôi, nói rằng chẳng lẽ chị ôm con mình cũng không được sao? Thằng bé kia cà khịa trước, con chị phải được bảo vệ trước khi bị bắt nạt.

Nhưng trong bất cứ cuộc xô xát nào, lỗi chẳng phải từ một phía. Nếu chị cứ tiếp tục vô tình đồng lõa với hành động sai trái của con thông qua cái ôm, chỉ khiến con chị thêm hỏng.

Khi mọi chuyện lắng xuống, chúng tôi ngồi trầm ngâm bên ghế đá. Chị nói rằng thời của chị và tôi thèm được bố mẹ, người thân ôm biết nhường nào. Nhưng thời đó, kinh tế quá khó khăn, cũng không trách được bố mẹ.

Nỗi lo cơm áo đã ghì họ sát đất, đâu còn tâm sức nâng cao đời sống tinh thần cho con. Hơn nữa, những cái ôm thời đó nếu thể hiện ra thì người trong cuộc bị cho là sến quá. Giờ đây, cuộc sống khác rồi, con cái được quan tâm nhiều hơn, không chỉ ở khía cạnh vật chất. Chị muốn bù đắp cho con những thứ mà thời của chị khao khát nhưng rốt cuộc không nhận được.

Đành là vậy. Nếu con cái chẳng may bị trượt ngã, bị điểm kém, bị bạn chơi xấu, nghĩa là những rủi ro phía ngoài tác động - thì việc bố mẹ xuất hiện đúng lúc và an ủi con bằng những cái ôm là cực kỳ cần thiết và giá trị. Nó khiến đứa trẻ nghĩ rằng, mình không cô đơn và có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Nhưng nếu cứ đón lõng cảm xúc của con mọi lúc mọi nơi, ôm con vào lòng bất kể con làm sai làm đúng, thì chỉ khiến trẻ bị ru ngủ và không phân biệt đúng sai. 

Hải Băng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI